Agribank đạt tỷ lệ tăng trưởng 16,5%
- Agribank góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ khu vực vùng biên giới
- Agribank ưu đãi lãi suất, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn
- Agribank đầu tư 700 tỷ đồng tái canh 7500 ha cây cà phê
Năm 2015, với những thuận lợi nhất định từ thị trường, từ chính sách của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh đó là sự lựa chọn mục tiêu, giải pháp kinh doanh phù hợp, sự thay đổi đáng kể về nhận thức, sự đoàn kết của toàn thể cán bộ viên chức dưới sự điều hành quyết liệt, đúng hướng của Ban lãnh đạo, Agribank đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng của Đề án tái cơ cấu và kế hoạch kinh doanh đề ra.
Tính đến 31-12-2015, toàn hệ thống Agribank đã thực hiện huy động được lượng vốn hơn 804 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 16,5% – vượt kế hoạch đề ra, đồng thời vượt mục tiêu của Đề án tái cơ cấu. Về dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu VAMC), Agribank đạt hơn 670 nghìn tỷ đồng; trong đó tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn vẫn chiếm hơn 71%. Đặc biệt, hệ thống Agribank đã giảm thành công tỷ lệ nợ xấu xuống còn 2,01% – đạt kế hoạch đã đề ra cũng như mục tiêu của Đề án tái cơ cấu.
Agribank là ngân hàng luôn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, phát triển nông thôn. |
Nhận định về kết quả thực hiện các hoạt động kinh doanh chính của toàn hệ thống, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank nhấn mạnh một số điểm nổi bật như: Agribank đã có nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định, bền vững, đúng định hướng, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu hoạt động kinh doanh; tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra, chất lượng tăng trưởng được đảm bảo, phù hợp với khả năng quản lý, quản trị rủi ro, cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, vừa đảm bảo tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, vừa mở rộng cho vay các lĩnh vực có hiệu quả khác để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Chất lượng tín dụng được cải thiện, các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ hết thời gian cơ cấu, nợ phải chuyển nhóm theo thông tin CIC được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế được nợ xấu phát sinh. Hoạt động đầu tư giấy tờ có giá, kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng được đẩy mạnh phù hợp với thực tế thị trường để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn gắn với đảm bảo an toàn thanh khoản. Kinh doanh dịch vụ được đa dạng hoá và đạt mức tăng trưởng khá, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh…
Năm 2016, Ngân hàng Agribank đặt mục tiêu tăng trưởng 11% - 13% cho vốn huy động (thị trường I); tăng tối đa 18% đối với dư nợ cho vay nền kinh tế, trong đó giữ vững tỷ trọng dư nợ nông nghiệp, nông thôn trên 70%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; thu dịch vụ tăng tối thiểu 17%; tài chính đạt lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng, tiền lương cho người lao động không thấp hơn năm 2015; đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị, năm 2016, Ngân hàng Agribank cần tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, ổn định thanh khoản, giữ vững vai trò ngân hàng thương mại hàng đầu về quy mô, về hiệu quả đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực quản trị điều hành; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đi đôi kiểm soát chất lượng tín dụng, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu dư nợ theo hướng tập trung tăng trưởng mạnh bán lẻ, triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, cụ thể là tăng cường triển khai Nghị định 55.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, không thể không chú trọng phát triển công nghệ, đồng thời cần lưu ý tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ hơn nữa cả về mặt con người và về mặt quy chế, quy trình, để đảm bảo kỷ cương, giảm thiểu rủi ro.