Tìm giải pháp phá “rào cản” đưa cá tra vào Mỹ

Thứ Hai, 15/05/2017, 09:50
Từ ngày 1-9-2017, tất cả các lô hàng cá da trơn, cá tra xuất khẩu vào Mỹ sẽ được yêu cầu xuất trình đầy đủ hồ sơ cho Bộ Nông nghiệp Mỹ để phục vụ việc tái kiểm tra.

“Các quốc gia nước ngoài, kể cả Việt Nam, muốn tiếp tục xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ phải nộp các tài liệu chứng minh sự tương đồng giữa hệ thống nuôi cá của họ với hệ thống nuôi của Mỹ”.

Ông Richard Gilmore, Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu khẳng định tại hội thảo "Xu hướng an toàn thực phẩm toàn cầu và giải pháp gia tăng xuất khẩu cho doanh nghiệp (DN) Việt" vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Sau ngày 1-9, cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ rất khó khăn vì vướng “rào cản”.

Bà Lê Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch HÐQT Công ty Traceverified cho rằng, đối với cá tra - Mỹ đã ra nhiều quy định không phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cụ thể, để chứng minh hệ thống nuôi cá và việc vận chuyển ở Việt Nam tương đồng với Mỹ là điều rất khó. Bởi vì, ở Việt Nam điều kiện vùng nuôi cá là sông nước, vì vậy việc di chuyển cá tra từ chỗ nuôi đến nhà máy chế biến thì phương tiện phải là tàu thông thủy để khi cá đưa tới nhà máy lúc nào cũng tươi sống.

Nhưng ở Mỹ việc vận chuyển cá từ chỗ nuôi về nhà máy chế biến thì phương tiện là bằng xe. Vì vậy, việc Mỹ yêu cầu DN Việt Nam cũng phải vận chuyển cá bằng xe để giống họ là hoàn toàn không phù hợp.

Tiếp đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng yêu cầu mỗi nhà máy chế biến phải có một người của cơ quan Nhà nước túc trực 24/24h để giám sát suốt quá trình chế biến thì yêu cầu này cũng không hợp lý. Bởi vì, từ trước đến nay, không riêng Việt Nam mà cả thế giới đều kiểm tra bằng hệ thống hiện đại hóa an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn HACCP, GlobalGap... chứ đâu phải cử người để giám sát.

Nhiều DN lo lắng, quy định bắt buộc phải chứng minh được sự tương đồng 100% giữa tất cả các khâu nuôi cá, vận chuyển, chế biến ở Việt Nam và Mỹ là điều không thể vì điều kiện, thổ nhưỡng, thời tiết, quan niệm... ở mỗi nước mỗi khác nhau. Chẳng hạn, chỉ một quy định về việc vận chuyển cá tra từ chỗ nuôi đến nhà máy chế biến thì DN Việt Nam không thể nào làm giống ở Mỹ được. Như vậy là DN Việt Nam không đủ điều kiện để xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, còn rất nhiều nội dung phi lý nữa.

Chẳng hạn, trước đây, DN sử dụng bao bì, logo, nhãn mác của nhà nhập khẩu. Công đoạn đóng bao bì được thực hiện tại nhà máy. Nhưng khi áp dụng quy định mới này thì DN phải dán nhãn theo quy định của Mỹ. Khi hàng đến cảng phải xếp đúng quy định, thẳng hàng, để Bộ Nông nghiệp Mỹ dễ kiểm tra. Hàng phải đưa vào kho hải quan để kiểm tra chất lượng, đóng dấu… trước khi đưa đi. Các khâu này vừa mất thời gian, tốn thêm chi phí. Chính vì vậy, nhiều DN cho rằng, với quy định mới thì nguy cơ cá tra mất thị trường Mỹ là rất cao.

Mặc dù cá tra Việt Nam xuất vào Mỹ chỉ chiếm thị phần khoảng 20%, nhưng điều quan trọng là cá tra xuất khẩu vào Mỹ có chất lượng cao, giá bán cũng cao hơn hẳn các thị trường khác. Chính vì vậy, nếu mất thị trường Mỹ thì thì không chỉ mất doanh số, mà còn mất hình ảnh, thương hiệu cá tra Việt Nam.

Theo bà Lê Thị Hồng Minh: “Cá tra Việt Nam muốn phát triển thì phải học cách thâm nhập vào thị trường Nhật Bản của cá hồi Na Uy”. Bởi vì, hàng trăm năm nay Nhật không ăn cá hồi nuôi mà họ ăn cá hồi từ khai thác. Thế nhưng, Na Uy đã thành công trong việc thay đổi quan niệm của người Nhật và cá hồi Na Uy đã được tiêu thụ nhiều ở Nhật.

Cách làm của họ là trong nhiều năm liền, Hiệp hội cá hồi Na Uy sang Nhật, thuê đầu bếp nổi tiếng chế biến cá hồi mời NTD dùng thử, truyền thông lên truyền hình, in sách hướng dẫn phát ở siêu thị, hội chợ... Nguồn kinh phí để thực hiện những việc trên được trích ra từ Hiệp hội cá hồi Na Uy.

Bất cứ DN nào xuất khẩu cá hồi đều phải tham gia Hiệp hội và đóng phí để Hiệp hội hoạt động hỗ trợ DN. Còn ở Việt Nam thì có Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhưng thực tế Hiệp hội VASEP không có quyền yêu cầu hội viên đóng khoản phí như vậy. VASEP muốn có quyền đó thì phải được sự đồng ý của Chính Phủ. Tuy nhiên, đến nayvấn đề này còn bỏ ngỏ.

“Thời còn làm ở Bộ Thủy sản, tôi từng đề xuất thành lập quỹ phát triển thị trường cho ngành thủy sản, hoạt động trên cơ chế tương tự như Hiệp hội cá hồi Na Uy, nhưng không được đồng ý. Đến nay, vấn đề này cũng chưa được đề cập đến”, bà Minh cho biết.

Theo ông Richard Gilmore: “Phải hành động khẩn cấp, thời điểm các DN tuân thủ các quy định mới là ngay từ bây giờ. Việc không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm là rào cản lớn nhất khi xâm nhập thị trường Mỹ”.

T.Hà
.
.
.