Phát triển sản xuất theo chuỗi góp phần cung ứng nông sản an toàn
- 15 tập đoàn, doanh nghiệp lớn ký cam kết cung ứng nông sản an toàn
- Nông sản an toàn Bắc Bộ hút hàng chục vạn khách
Nông nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào các hộ nhỏ lẻ, có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Trong những năm qua, nông nghiệp luôn đóng góp từ 19-20% vào GDP của đất nước, nhưng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp lại chỉ đạt từ 5-6%.
Cả nước có 12 triệu hộ nông dân sản xuất trên một diện tích canh tác bình quân rất thấp, 0,3ha/hộ. Đây là một trong những rào cản lớn nhất trong việc hình thành một nền nông nghiệp tập trung hiệu quả, bền vững trước những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu và cạnh tranh quyết liệt của quá trình hội nhập quốc tế.
Nông nghiệp góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. |
Trên thị trường nội địa, người dân phải đối mặt với tình trạng thực phẩm bẩn, không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. Trên thị trường xuất khẩu, mặc dù sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường thì áp lực chất lượng, tham gia vào chuỗi giá trị và an toàn thực phẩm đang là thách thức lớn do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất chế biến khá lạc hậu và thiếu đồng bộ.
Nếu không có những cải tổ lớn về chất lượng, phương thức phân phối và thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa nông sản Việt Nam ngày càng khó tìm được chỗ đứng ở các thị trường tiềm năng nhưng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, Nhật Bản, EU...
Tại buổi hội thảo về nông nghiệp an toàn được tổ chức gần đây tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc Agribank - bà Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh: Sau gần 30 năm sát cánh cùng ngành Nông nghiệp, đến thời điểm này Agribank thấy rằng, đã đến lúc nền nông nghiệp Việt Nam cần chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa. Nâng cao chất lượng hàng hoá nông sản nói riêng và năng lực cạnh tranh của ngành Nông nghiệp nói chung là đòi hỏi bức thiết được đặt ra trong tiến trình hội nhập, trong đó, phải xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Từ trước đến nay, lý do mà mô hình chuỗi liên kết khó triển khai mạnh theo đánh giá của bà Phượng là do ngay từ đầu chuỗi liên kết đó lỏng lẻo vì chưa có chất kết dính giữa các thành viên tham gia chuỗi. Nhận thức rõ điều này, Agribank ngay lập tức vào cuộc, triển khai hình thức cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam)…
Qua kết quả bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa doanh nghiệp và người dân. Đến nay, trong số 13 dự án của 13 doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm trên toàn quốc, riêng Agribank đã đầu tư 8 dự án. Tổng dư nợ Agribank cho vay thí điểm đạt trên 400 tỷ đồng. Các chi nhánh trong hệ thống triển khai hiệu quả, bài bản thí điểm cho vay chuỗi liên kết như Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang,… bước đầu đạt được những kết quả rất khả quan, cả doanh nghiệp, người dân và ngân hàng đều hưởng lợi.
Đặc biệt, mới đây, Agribank đã công bố gói tín dụng ưu đãi tối thiểu 50 ngàn tỷ đồng phục vụ phát triển nông nghiệp sạch. Gói tín dụng ưu đãi này sẽ được Agribank áp dụng triển khai từ ngày 1-11. Các đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn được Agribank thực hiện ưu đãi.
Về lãi suất cho vay: tùy theo mức độ tham gia các khâu trong chuỗi cung ứng vật tư đầu vào - sản xuất - tiêu thụ, khách hàng được áp dụng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5-1,5% so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank.
Về tài sản bảo đảm: Agribank ưu tiên xem xét cấp tín dụng ngắn hạn không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng tốt, khách hàng truyền thống của Agribank. Về chính sách phí dịch vụ: Agribank thực hiện chính sách ưu đãi về phí, khách hàng vay vốn theo chương trình này, được miễn phí toàn bộ chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.
Với mong muốn Việt Nam có một nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, thông qua các chương trình, hành động cụ thể, Agribank đã và đang không ngừng nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc cùng các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên cả nước triển khai các giải pháp hữu hiệu xây dựng và quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam.