Lãnh quả chát đắng vì phát triển ngành chăn nuôi quá nóng vội

Thứ Bảy, 08/04/2017, 08:44
Mặc dù trong 2 tháng đầu năm số lượng nhập khẩu tất cả các sản phẩm chăn nuôi đều thấp hơn năm ngoái, tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung của ngành chăn nuôi trong nước đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ của thị trường khiến giá các sản phẩm giảm mạnh. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng thua lỗ.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, nguồn cung của ngành chăn nuôi trong nước, đặc biệt là các sản phẩm như thịt, trứng đang có dấu hiệu dư thừa dẫn tới giá cả giảm mạnh trong thời gian qua. Nguyên nhân chính được ông Chinh lý giải là do sự phát triển quá nhanh của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Cụ thể, với sản lượng thức ăn chăn nuôi lên tới 5,02 triệu tấn (số liệu năm 2016), tính trung bình cứ 3kg thức ăn chăn nuôi sản xuất được 1kg thịt thì tổng cung lên tới gần 1,7 triệu tấn thịt. Tổng nhu cầu trong nước hiện tại không đạt đến mức đó. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Mỗi năm chúng ta sản xuất hơn 2 triệu con lợn, đây là một trong những nguyên nhân khiến thịt lợn bị dư thừa.

Cần giám sát chuỗi sản xuất chế biến thịt gà xuất khẩu. Ảnh minh họa: M.Đ.

“Chúng ta phải hướng tới xuất khẩu hoặc phải có biện pháp hành chính để giảm tốc độ lại, không những để giải quyết bài toán kinh tế, mà tình trạng phát triển nóng này về lâu về dài còn liên quan tới môi trường”, ông Chinh đề xuất.

Sản xuất tăng nhưng giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức thấp dẫn đến tình trạng nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ. Thậm chí, có những nơi mỗi ngày, người chăn nuôi chỉ cho lợn ăn một bữa vì sợ cho ăn nhiều giá xuất chuồng không đủ bù chi phí thức ăn chăn nuôi. Một nguyên nhân nữa dẫn đến giá thịt lợn giảm một phần là do xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Thực tế, trong thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có những biện pháp điều chỉnh nhằm hạn chế lại tốc độ sản xuất lợn.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các tỉnh rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Hạn chế mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn, nhất là đàn lợn nái. Đồng thời đề nghị các địa phương dừng tất cả các dự án xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi mới...

Đề xuất dừng toàn bộ các dự án xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng cho biết thêm, trong tháng 5, một đoàn công tác của Bộ sẽ sang Trung Quốc xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam và Trung Quốc buôn bán các sản phẩm có thế mạnh của hai nước. Trong khi vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi theo hướng xuất khẩu bền vững, Cục Chăn nuôi đã đề xuất Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương ngừng cấp phép xây dựng mới các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, qua đó phần nào giảm được lượng sản xuất thịt hiện nay.

Ông Tống Xuân Chinh nhận định, ngành chăn nuôi và sản xuất thịt trong nước cần đẩy nhanh nội lực, sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả, giảm giá thành, tăng quy mô. “Năng lực sản xuất so với giá thành của Việt Nam còn thế yếu so với các nước khác. Việt Nam tuy có sản lượng thịt lợn cao nhưng chi phí sản xuất lớn, giá thành cao nên khó cạnh tranh. Tuy nhiên, về lâu dài, cần đổi mới quy hoạch ngành chăn nuôi. Quan trọng là phải giám sát được quy hoạch, bởi nếu không giám sát được sẽ lại xảy ra tình trạng khi giá cao thì sản xuất ồ ạt, đến khi giá giảm thì thiệt hại nặng nề”, ông Chinh khẳng định.

Cho đến thời điểm này, giá thịt lợn đang tăng dần trở lại, nhưng cũng chỉ mới dần tiệm cận với giá thành chăn nuôi (36.000 - 37.000 đồng/kg), do đó phần lớn người chăn nuôi chưa dám tăng đàn vào thời điểm này. Mặt khác, tuy bị thua lỗ nhưng các hộ gia trại và trang trại vẫn cố gắng duy trì hoặc giảm nhẹ quy mô đàn do chuồng trại và con giống có sẵn, chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ sau khi xuất chuồng bị thua lỗ mới giảm đàn.

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính số lượng lợn hiện tại của cả nước tăng khoảng 1,5-2% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng dư thừa trong dân vẫn rất lớn. Đối với sản phẩm gà công nghiệp lông trắng, vào thời điểm đầu năm giá giảm sâu do tăng đàn quá nhanh và Trung Quốc hạn chế nhập khẩu bởi e ngại dịch cúm A/H7N9. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3, giá mặt hàng này đã có dấu hiệu hồi phục do không phải cạnh tranh với gà nhập khẩu từ Mỹ (do nước này đang có dịch cúm gia cầm).

Để giải bài toán phát triển quá “nóng” cho ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu sang thị trường các nước.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Cục Thú y tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất chế biến thịt gà xuất khẩu để thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường các nước.

Diệp Linh
.
.
.