Ngành chăn nuôi đang trầy trật trên sân nhà

Chủ Nhật, 12/06/2016, 08:36
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa có hiệu lực mà thịt ngoại đã xâm nhập ồ ạt vào thị trường nội địa. Vậy, khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu thịt sẽ giảm dần về 0% thì liệu các sản phẩm chăn nuôi trong nước có cạnh tranh nổi với thịt ngoại nhập. Đây là những lo lắng của các doanh nghiệp trong nước khi đứng trước ngưỡng cửa hội nhập TPP.


Thời điểm gần cuối 2015, ngành chăn nuôi trong nước lại một phen khốn đốn khi thị trường Việt Nam ồ ạt nhập khẩu thịt gà với giá quá rẻ, chưa tới 20.000 đồng/kg. Các hộ chăn nuôi kêu cứu, Hiệp hội chăn nuôi vào cuộc. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã phát đi thông cáo giải thích về giá thịt gà nhập khẩu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan: Trong 6 tháng đầu năm 2015, thịt gà các loại nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Hoa Kỳ với trị giá 39,1 triệu đô la Mỹ, chiếm hơn 60% tổng trị giá nhập khẩu thịt gà các loại vào Việt Nam; nhập từ Brazil chiếm 16%; Hàn Quốc hơn 10%… Hiện nay, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) cánh gà là 20%; đùi gà 20%; gà nguyên con 40%; thịt gà khác 20-40%. Các sản phẩm này không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).

Ngành chăn nuôi đứng trước áp lực cạnh tranh hàng ngoại nhập. Ảnh: CTV.

Thực tế trên cho thấy, trong những năm gần đây thịt gà ngoại nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chủ yếu là gà có xuất xứ từ Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là một trong 12 nước tham gia Hiệp định TPP. Mặc dù TPP chưa có hiệu lực, các rào cản về thuế chưa dỡ bỏ, gà từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam vẫn còn chịu thuế nhưng giá gà ngoại nhập thấp hơn nhiều so với giá gà chăn nuôi trong nước.

Vậy, liệu đến khi Hiệp định TPP có hiệu lực, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, thuế nhập khẩu sẽ dần cắt giảm thì liệu thịt gà nội có đủ sức cạnh tranh với thịt gà nhập khẩu từ Mỹ? Cuộc tranh cãi về giá gà thật sự là hồi chuông cảnh tỉnh với ngành chăn nuôi trong nước trước ngưỡng cửa Hiệp định TPP.

Không chỉ thịt gà, ngành chăn nuôi trong nước hiện cũng đang đối mặt với không ít khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với các loại thịt nhập từ các nước thành viên TPP. Trong mấy năm gần đây, thịt bò Úc nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng tăng nhanh. Do giá thịt bò hơi tại Việt Nam khá đắt nên các doanh nghiệp đã đua nhau nhập bò Úc giá thấp về vỗ béo, mổ thịt bán cạnh tranh với thịt bò nội địa ngay tại “sân nhà”.

Chỉ mấy tháng đầu năm 2016, đã có 71.000 con bò Úc được nhập về Việt Nam. Còn với thịt bò Kobe, Hida, nguồn gốc từ Nhật Bản, mặc dù giá các loại thịt này cao ngất ngưởng lên đến vài triệu đồng/kg nhưng vẫn được khách hàng trung lưu tại Việt Nam ưa chuộng. Được biết, hai mặt hàng thịt bò và thịt lợn nằm trong số các loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nhật Bản được đưa ra thảo luận tại TPP. Khi TPP chính thức có hiệu lực thì sẽ cắt giảm mức thuế đánh trên mặt hàng thịt lợn và thịt bò.

Sản phẩm thịt heo của doanh nghiệp trong nước bán tại chợ truyền thống.

Trong khi đó, tại Việt Nam ngành chăn nuôi vẫn đang loay hoay với hàng loạt khó khăn, chưa ra giải pháp hiệu quả để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khi “sân chơi” TPP hoàn toàn mở cửa. Vấn nạn lo ngại nhất đó là tình trạng nhiều cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để tạo nạc.

Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đang nằm trong danh sách những nước giàu có về nguồn thực phẩm tươi sống, đứng vị trí thứ 4 thế giới về đầu con gia súc, đứng thứ 6 về sản lượng. Tuy nhiên khó khăn trước Hiệp định TPP hoàn toàn không nhỏ. Khi vào TPP, Việt Nam sẽ yếu thế ở lĩnh vực chăn nuôi hơn so với 11 nước còn lại.

Đặc biệt, Việt Nam thua 5 – 6 nước như: Hoa Kỳ, Australia, Canada, New Zealand…  là những nước có trình độ chăn nuôi cao hơn Việt Nam. Để có thể cạnh tranh tại sân nhà với các sản phẩm ngoại nhập, sản phẩm thịt nội địa phải đảm bảo chất lượng tốt, có giá thành cạnh tranh hợp lý. Và, yêu cầu cao hơn cả là làm sao phải đưa ra thị trường những sản phẩm thịt an toàn.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Phải bỏ chất cấm trong hoạt động chăn nuôi thì mới tính đến chuyện cạnh tranh với thịt ngoại nhập. Nếu tình trạng này không cải thiện thì khi hội nhập TPP, chắc chắn chúng ta sẽ mất thị phần ngay trên “sân nhà”.

Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, khi tham gia TPP, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ bị tổn thương nhiều nhất. Phần lớn ngành sản xuất chăn nuôi của ta còn manh mún, nhỏ lẻ nên không thể tạo ra được sản phẩm rẻ và an toàn. “Sẽ không thể kiểm soát nổi vấn nạn thực phẩm bẩn nếu chúng ta còn sản xuất manh mún”, ông Khánh khẳng định và đó cũng chính là lý do sản phẩm chăn nuôi của ta chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài.

Thúy Hà
.
.
.