Ngăn chặn nhiều vụ thực phẩm bẩn đã phân hủy từ biên giới

Thứ Hai, 13/06/2016, 09:22
Trong tháng 5 và đầu tháng 6-2016, các lực lượng chức năng ở Móng Cái đã ngăn chặn và bắt giữ kịp thời nhiều vụ thực phẩm bẩn đã bị phân hủy.

Mùa hè là thời điểm ngộ độc thực phẩm gia tăng khi thời tiết liên tục có những đợt nắng nóng đỉnh điểm. Các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, thực phẩm ôi thiu đã bị phân hủy tuồn qua biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) vào nội địa tiêu thụ. Trong tháng 5 và đầu tháng 6-2016, các lực lượng chức năng ở Móng Cái đã ngăn chặn và bắt giữ kịp thời nhiều vụ thực phẩm bẩn đã bị phân hủy.

Lợi dụng những ngày hè nắng nóng, để lọt qua các trạm kiểm soát vào nội địa, các đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn thường đi vào giờ giữa trưa hoặc chập tối. 

Giữa trưa, khi nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ C, các đối tượng chở hàng trên xe máy tăng bo qua Trạm Kiểm soát km15 – Bến tàu Dân Tiến để lọt qua sự kiểm tra, kiểm soát. Hoặc chập tối, chúng đóng thực phẩm nhập lậu vào các thùng xốp, cho vào cốp xe khách, xe giường nằm ngụy trang cùng hành lý của khách. 

Thịt động vật đã phân hủy bị lực lượng BĐBP thu giữ.

Mặt hàng thực phẩm nhập lậu gia tăng trong ngày hè là các loại hương liệu để pha sirô, nước giải khát, trà sữa; các loại hải sản và thịt, chân gà đông lạnh. Tuy nhiên, nhiều loại thực phẩm khi bị phát hiện, bắt giữ đã trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nếu không được phát hiện, chúng sẽ được đưa vào nhà hàng rồi sử dụng hóa chất để tẩy trắng, tẩy mùi hôi thối và trở thành món ăn của thực khách.

Điển hình nhất theo Thượng tá Lê Văn Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái thì vào ngày 9-6, đơn vị phối hợp với Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh phát hiện 420kg thịt động vật bốc mùi hôi thối nồng nặc đóng trong 16 thùng xốp trên xe ôtô khách. 

Chủ số hàng là Vũ Thị Liễu, trú ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng khai nhận vận chuyển thuê cho một phụ nữ mang số thịt trên về Hải Phòng tiêu thụ. Số thịt bị phân hủy này sau khi về Hải Phòng sẽ được tẩy rửa cho hết mùi hôi thối, sau đó “phù phép” thành các món thịt rán, nướng bán cho thực khách. 

Trước đó, vào ngày 7-6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng phát hiện 90kg lòng đã qua chế biến nhưng có màu đen đang phân hủy trên xe ôtô 16 chỗ.

Tình trạng “phù phép” thực phẩm ôi thiu, hôi thối thành tươi ngon để bán cho người tiêu dùng đang là vấn đề rất đáng lo ngại khi tiếp tục có những kẻ kinh doanh không còn lương tâm. Trong những ngày cuối tháng 5, Công an TP Móng Cái đã bắt quả tang một chủ hàng ở khu 5, phường Hải Hòa đang “biến” hơn 1 tấn thịt bò thối thành bò khô để bán cho khách. 

Theo Công an TP Móng Cái thì đây là cơ sở hoạt động trái phép của Đồng Thị Thu Thủy, khi trinh sát ập vào đã bắt quả tang Thủy đang chế biến 1,2 tấn thịt bò trong quá trình phân hủy bốc mùi hôi thối thành bò khô. 

Tại hiện trường, cơ quan Công an còn thu giữ 250kg phụ gia là những chất để tẩy rửa làm hết mùi hôi thối và tẩm ướp hương liệu để chúng trở thành những miếng bò khô khi ra thị trường bán với giá 400-500 nghìn/kg. Nếu không bị phát hiện thì không biết cơ sở trái phép này còn tuôn ra thị trường bao nhiêu tấn thịt bò thối làm hại người tiêu dùng nữa. 

Mùa hè là thời điểm thực phẩm rất dễ bị ôi thiu và phân hủy, nếu như người kinh doanh không có lương tâm thì họ sẵn sàng mua thực phẩm hôi thối với giá rẻ về chế biến cho ngon mắt để bán cho khách. 

Ngày 10-6, Đội Quản lý thị trường số 13, Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã tiêu hủy 217kg hải sản bốc mùi hôi thối. Số hải sản này thu giữ trên xe ôtô khách chạy tuyến Hải Phòng – Móng Cái. Lái xe Phạm Trường Giang sau khi trả khách tại Móng Cái đã mua số hải sản chết đang trong quá trình phân hủy đóng vào các thùng xốp, giấu trong cốp xe để qua mặt lực lượng chức năng mang về Hải Phòng tiêu thụ.

Không chỉ thịt bò khô mà món chân gà nướng cũng trở thành món ăn khoái khẩu của giới trẻ. Tuy nhiên, thực khách lại không phân biệt được chúng có nguồn gốc hay không, chân gà đó đã để bao lâu, có đảm bảo VSATTP hay không? 

Ngày 4-6, hơn 3 tấn chân gà cấp đông đựng trong các bao tải dứa không có hóa đơn chứng từ vận chuyển trên xe tải bị lực lượng Hải quan và BĐBP Quảng Ninh bắt giữ. Lái xe Nguyễn Văn Văn, trú tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình khai nhận được một người đàn ông thuê chở số chân gà trên từ chợ ASEAN phường Hải Hòa về phường Hải Yên, TP Móng Cái.

Theo Công an TP Móng Cái thì mùa hè là dịp các mặt hàng nước giải khát được tiêu thụ mạnh, do đó mặt hàng nhập lậu là các chất bột tạo màu thực phẩm, siro hương liệu tạo mùi rất nhiều. Công an TP Móng Cái vừa bắt giữ 600kg chất bột tạo màu thực phẩm do Trần Thị Nguyệt, trú tại phường Ka Long vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về nội địa. 

Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, đơn vị cũng đã thu giữ được nhiều gói nguyên liệu để pha trà sữa của Trung Quốc đều là nhập lậu. Những gói bột trà sữa này sau khi vào nội địa thường được tiêu thụ tại các quán giải khát với tên gọi trà sữa trân châu. Nguy hiểm hơn khi nó được pha lẫn với một số nguyên liệu không nguồn gốc bán ở các cổng trường học với giá rất rẻ, chỉ 5.000-7.000 đồng/cốc.

Thực phẩm bẩn nhập lậu đi vào nội địa phải qua nhiều vòng kiểm soát từ biên giới. Nếu các điểm chốt chặn lơi lỏng, thực phẩm bẩn dễ dàng tràn vào. Làm thế nào để người tiêu dùng sử dụng thực phẩm an toàn nếu vẫn tiếp tục tái diễn thủ đoạn biến thịt thối thành thịt tươi ngon? 

Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng, thiết nghĩ việc kiểm tra, bắt giữ phải được chốt chặt ở vùng biên, đặc biệt xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình phù phép thực phẩm đã phân hủy hoặc gia súc, gia cầm chết bệnh vào bán cho người tiêu dùng.

Tuấn Nguyễn
.
.
.