Loạn phân bón giả ở miền Tây

Thứ Ba, 14/06/2016, 10:06
Tại ĐBSCL, nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn nên tình trạng làm phân bón giả, kém chất lượng ngày càng nhiều. Thậm chí, họ dùng gạch, đất, đá ghiền pha trộn thành phân bón, rồi đóng bao bì của các nhà sản xuất có thương hiệu để lừa người dân.



Ngày 13-6, tại Cần Thơ, Cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) tổ chức hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống các vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh phân bón.

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), bắt giữ lượng lớn thuốc BVTV có nguồn gốc từ Trung Quốc đã hết hạn sử dụng tại huyện Tam Nông, Đồng Tháp.

Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trung bình mỗi năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra xử lý 3.000 vụ vi phạm, thu giữ 1.000 tấn phân bón các loại.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón, Việt Nam có 800 cơ sở sản xuất và hơn 1.600 công ty kinh doanh, 20.000 đại lý chuyên về phân bón. Còn qua thống kê của Bộ Công Thương, toàn quốc có 320 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón, trong đó có 270 DN đã được cấp phép. Nhu cầu tiêu thụ phân bón của 10 triệu hộ nông dân trên cả nước vào khoảng 11 triệu tấn/năm. Hiện nay, trong nước sản xuất khoảng 9 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu.

“Con số mà Hiệp hội Phân bón đưa ra thì theo quy định, tiêu chí để sản xuất phân bón của Bộ Công Thương, còn khoảng 500 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không đủ điều kiện. Trong 800 cơ sở nêu trên thì họ sản xuất phân bón với công nghệ đơn giản... Hơn một năm qua, khi kiểm tra xử lý phân bón kém chất lượng thì chủ yếu là các loại phân nhập khẩu do hàm lượng và phối trộn không đều”, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng phòng Quản lý Tiền chất (Cục Hoá chất, Bộ Công Thương) đánh giá. 

Lãnh đạo Chi cục QLTT TP Cần Thơ thừa nhận, thực trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay tràn lan, rất khó kiểm soát. Tại ĐBSCL, nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn nên tình trạng làm phân bón giả, kém chất lượng ngày càng nhiều. Thậm chí, họ dùng gạch, đất, đá ghiền pha trộn thành phân bón, rồi đóng bao bì của các nhà sản xuất có thương hiệu để lừa người dân.

Mới đây, kiểm tra hành chính tại kho sản xuất của Công ty TNHH MTV Hạnh Phát Hưng (ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai) do Nguyễn Thị Kim Hạnh làm chủ, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ đã niêm phong, tạm giữ 13.721 bao phân bón (50kg/bao).

Trong đó, 799 bao phân bón mang nhãn hiệu Hạnh Phát Hưng; 9.279 bao phân bón Trung Quốc, Na Uy, Isreal, Indonesia; 3.070 bao phân bón Việt Nam sản xuất và 573 bao phân bón các loại đã hết hạn sử dụng. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về hành vi kinh doanh trái phép. Qua điều tra xác định, Nguyễn Thị Kim Hạnh mua phân bón thành phẩm của các công ty, phân bón do Trung Quốc sản xuất rồi pha trộn, đóng gói nhãn hiệu Hạnh Phát Hưng bán cho các đại lý, thu lợi bất chính 3 tỷ đồng.

Bà Trần Thanh Tiệp, Phó Chi cục trưởng QLTT tỉnh Kiên Giang cho biết, phân bón phân phối trên địa bàn tỉnh hầu hết qua nhiều trung gian. Các địa bàn qua kiểm tra, phát hiện vi phạm thường là các huyện tập trung nhiều sản xuất nông nghiệp (chủ yếu trồng lúa).

Theo ông Nguyễn Hoàng Vân - Phó Chi cục trưởng QLTT tỉnh An Giang, từ đầu năm 2016 đến nay đã kiểm tra 207 trường hợp kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y đã phát hiện 84 trường hợp vi phạm. Lập biên bản, lấy 22 mẫu phân bón đi kiểm nghiệm đã có tới 7 mẫu vi phạm về chất lượng và 1 mẫu giả về chất lượng công dụng. Một nghịch lý hiện nay, mức xử phạt tiền trường hợp sản xuất phân bón giả từ 1 triệu đến 200 triệu đồng, trong khi phân bón kém chất lượng lại có mức xử phạt từ 80-180 triệu đồng. Mức phạt này, vô tình tạo điều kiện cho các cơ sở tăng cường sản xuất hàng giả.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT nhìn nhận, phương thức thủ đoạn sản xuất phân bón giả kém chất lượng ngày càng tinh vi, nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận bất chấp các quy định pháp luật, đạo đức để sản xuất, kinh doanh phân bón giả. Ông Lam cho rằng, cơ chế thực thi pháp luật đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả vẫn còn chồng chéo, chưa đồng bộ, nhận thức của cộng đồng trong việc đấu tranh chống hàng giả vẫn chưa cao.

Thời gian tới, tình trạng trên cần được khắc phục và các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó cần quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật.

Văn Vĩnh
.
.
.