Không xuất khẩu lao động chuyên ngành xã hội
- Những rào cản với xuất khẩu lao động trình độ cao
- Cơ hội cho xuất khẩu lao động trình độ cao
- Việt Nam sẽ "nhập" lao động trình độ cao
Theo ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành. Với tổng kinh phí 1.300 tỷ đồng, đề án đặt ra mục tiêu đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp thiếu việc làm có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức ở một số quốc gia cần lao động kỹ thuật.
“Phải khẳng định lại đối tượng đưa đi làm việc ở nước ngoài không phải là thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp. Dự án nhằm đưa lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có thể là lao động được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề, ĐH hoặc trình độ cao hơn, nhưng phải là lao động được đào tạo ở những lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật, không phải chuyên ngành xã hội”, ông Nam nhấn mạnh.
Dự thảo đề án được chia làm hai giai đoạn: Từ năm 2018 - 2020, dự kiến đưa 14.700 lao động đi Đức trong các ngành: Điều dưỡng, hộ lý, kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học. Cùng với đó, đề án cũng dự kiến đưa 1.500 lao động là điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh; Kỹ sư công nghệ thông tin và cơ khí sang Nhật Bản; Đưa 1.800 lao động là kỹ sư các ngành: Cơ khí, hàn, đầu bếp, công nghệ thông tin và điện tử và 150 người nhóm nghề dịch vụ gồm đầu bếp, khách sạn nhà hàng sang Hàn Quốc.
“Giai đoạn đầu tập trung xác định cụ thể ngành nghề thí điểm, nhu cầu của nước tiếp nhận với ngành đó. Trước mắt, lấy 10 tỉnh làm điểm, thực hiện thống kê lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phân theo ngành nghề, lĩnh vực đào tạo để hoạch định chính sách”, ông Nam nói. Từ năm 2021- 2025, đề án dự kiến tiếp tục đưa hơn 39.000 lao động đi làm việc tại 3 nước trên và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động.