Nghịch lý giá heo hơi tuột dốc, giá thịt ngoài chợ cao ngất ngưởng

Chủ Nhật, 23/04/2017, 07:13
Cho đến thời điểm này, có thể nói người chăn nuôi heo đã chịu hết xiết, bởi trong một thời gian dài (từ trước Tết Nguyên đán 2017) đến nay, giá heo tại các hộ chăn nuôi liên tục giảm mạnh. Nhiều hộ chăn nuôi không cầm cự nổi buộc phải phá sản. Bước đường cùng, họ đã cầu cứu đến Chính phủ để “giải cứu” ngành chăn nuôi heo. 


Trong khi đó, điều nghịch lý đang xảy ra là mặc dù người chăn nuôi đang điêu đứng vì giá heo hơi rớt thê thảm, chỉ còn 25.000 đồng/kg thì giá thịt heo bán tới tay người tiêu dùng (NTD) không hề giảm.

Ghi nhận giá thịt heo tại một số chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày 21-4: Thịt đùi, cốt lết giá 80.000-81.000 đ/kg, thịt ba rọi 85.000 – 86.000 đồng/kg, thịt nạc (dăm, vai đùi) 90.000 - 91.000 đồng/kg, thịt vai (74.000 -75.000 đồng/kg), sườn già heo 75.000 - 76.000 đồng/kg... trong khi giá heo tại các hộ chăn nuôi trong những ngày gần đây chỉ hơn 20.000 đồng/kg.

Chị Hòa – tiểu thương kinh doanh chợ thịt heo ở chợ Bà Chiểu khẳng định: “Chúng tôi cũng nghe thông tin giá heo ở các hộ chăn nuôi giảm sâu, trong đó có heo ở Đồng Nai nữa. Nhưng khi lấy hàng ở chợ đầu mối giá không giảm, thì làm sao chúng tôi có thể giảm giá bán ra được”.

Người tiêu dùng vẫn mua thịt heo với giá cao.

Một cán bộ ngành chăn nuôi ở Đồng Nai cho rằng, không chỉ thời điểm hiện nay mà vào tất cả các thời điểm giá heo của người chăn nuôi bị “rớt giá” thì người chăn nuôi và cả NTD đều bị thiệt hại, chỉ có khâu trung gian - tức là thương lái là hưởng lợi nhiều nhất, đó là điều rất bất hợp lý. 

“Mấy hôm nay, chúng tôi cũng nhận điện thoại từ Hà Nội gọi vào nói là tại sao ở siêu thị giá 1kg thịt heo 120.000 - 130.000 đồng mà người chăn nuôi đang bán giá 25.000 đồng/kg”, cán bộ này cho biết.

Tại Đồng Nai, địa phương có số hộ chăn nuôi heo với số lượng lớn nhất nước và đang bị ảnh hưởng nặng nề do heo mất giá. Riêng thịt heo từ Đồng Nai tuồn về TP Hồ Chí Minh chiếm đến 50% - 60% tổng lượng thịt heo cung cấp trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh. Từ nơi xuất bán là các hộ chăn nuôi cho đến nơi tập kết hàng là hai chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh (chợ Bình Điền và Tân Xuân), tất cả đều do thương lái thực hiện.

Chính vì vậy mà việc thương lái mua tại các hộ chăn nuôi với giá rẻ nhưng bán ra với giá cao, cho nên các tiểu thương lấy hàng ở chợ đầu mối về cũng bán lại với giá cao là điều dễ hiểu. 

Liên quan đến vấn đề giá thịt heo tại nhà sản xuất chênh lệch quá lớn so với giá bán khi tới tay NTD, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi cũng có đề nghị tới Bộ Công Thương để Bộ xem xét quản lý giá như thế nào”.

Qua tìm hiểu được biết, trước tình trạng trên, nhiều đơn vị cũng đã đưa ra một số giải pháp để rút ngắn khoảng cách giá thịt heo từ nơi sản xuất đến NTD. Cụ thể, thành lập các quầy “bán giá thật”, theo đó thương lái có mức lời vừa phải (khoảng 200-300.000 đồng/con heo). Tuy nhiên, giải pháp này khó khả thi vì hiện nay thương lái lời gấp 2-3 lần mức trên, nên họ sẽ không chấp nhận.

Để giải nguy cho ngành chăn nuôi heo, ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, quan trọng nhất là phải cắt giảm đàn nái. Hiện, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang thực hiện việc kêu gọi tất cả các trang trại giảm đàn nái từ 30-50% mỗi trang trại. Bởi vì, heo nái chửa (gần 4 tháng), nuôi thêm heo thịt 6 tháng nữa, như vậy phải gần 10 tháng thì heo mới tiêu thụ.

Vì vậy, khi cắt giảm con nái thì tổng đàn heo thịt mới giảm được. Tổng đàn heo thịt đang có hiện nay chính là hậu quả của thời điểm các tháng 7,8,9 của năm 2016, lúc đấy đàn heo đang phát triển rất mạnh. 

Như vậy, với giải pháp này, khoảng 4 tháng nữa thì đàn heo thịt mới giảm được. Ngoài ra, nếu Chính phủ, Bộ NN&PTNT, phái đoàn ngoại giao ta mà đàm phán để có thể xuất khẩu được thì đó cũng là giải pháp hiệu quả nhất.

Được biết, lượng heo của Đồng Nai xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 40% nhưng khi cửa đi Trung Quốc đã khép lại thì lượng hàng tồn đọng tại thị trường nội địa cũng tương đương hoặc lớn hơn. Vậy để giải quyết lượng hàng tồn này, một số ý kiến cho rằng nhờ các DN lớn “giải cứu” bằng cách dự trữ cấp đông. 

Nhưng theo các DN, do số lượng hàng tồn quá lớn nên kho lạnh cũng quá tải mà để bán được hết lượng hàng này phải mất 5-7 tháng nữa. Vì vậy, việc giải cứu hàng tồn cho các hộ sản xuất không phải là đơn giản.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, ngày 19-4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Công thương Đồng Nai cùng Sở Công thương TP Hồ Chí Minh để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, khai thông việc đưa heo thịt từ Đồng Nai vào thị trường thành phố.

Theo đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, với quy mô gần 10 triệu dân, hàng ngày thành phố tiêu thụ hơn 10.000 con heo thịt, trong đó riêng tỉnh Đồng Nai cung ứng khoảng 5.000 con. Ủng hộ đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo mang tính chiến lược mà TP Hồ Chí Minh đang làm, thời gian tới việc truy xuất nguồn gốc thịt heo cũng sẽ được tỉnh Đồng Nai cho triển khai tại TP Biên Hòa cùng các địa phương khác.

Phía TP Hồ Chí Minh cũng cam kết sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đeo vòng cho heo từ nay đến giữa tháng 9. Như vậy đã đến lúc người chăn nuôi và cả ngành nông nghiệp Đồng Nai phải thay đổi để thích ứng với những đòi hỏi cao hơn của nhu cầu người tiêu dùng. Nhất là trong việc tham gia chuỗi liên kết để đủ sức cạnh tranh với thị trường.                                                                            

Bảo Sơn

Thúy Hà
.
.
.