Giá thịt lợn tăng cao - người chăn nuôi lại lỗ

Thứ Tư, 30/03/2011, 10:57
Trong khi giá thịt lợn trên thị trường vẫn tiếp tục tăng cao thì hầu hết người chăn nuôi lại ngán ngẩm, không muốn đầu tư tiếp vào đàn lợn của mình. Nhiều chủ trang trại lớn đã phải nghĩ đến việc bỏ trống chuồng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, cộng với dịch bệnh liên miên đã làm họ càng nuôi càng lỗ.
>> Người thu nhập thấp chật vật lo bữa ăn
>> Nỗi khổ người chăn nuôi bò sữa

Nghịch lý hiện nay đang tồn tại trong ngành chăn nuôi là giá thịt lợn lên cao, người tiêu dùng phải mua đắt nhưng người chăn nuôi lại thua lỗ. Hơn 1 tháng nay, nhiều chủ trang trại đã phải giảm đàn, thậm chí tạm bỏ trống chuồng hoặc chuyển sang các loại vật nuôi khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) cho biết, trong 2 tháng trở lại đây, giá các loại thức ăn chăn nuôi (TACN) đã tăng khoảng 25-30%. Ngoài ra, các chi phí khác như phí thuê nhân công, giá thuốc thú y… cũng tăng. Các trang trại trong HTX hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, dịch bệnh thì hoành hành, lúc nào cũng có thể ập xuống. Ngay cả giá nhân công chăn nuôi lợn cũng lên đến 3 triệu đồng/người/tháng.

HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông hiện có hơn 500 trang trại chăn nuôi lợn và gà, với khoảng 150.000 đầu lợn và trên 500.000 con gà. Đây là một trong những HTX cung cấp thịt khá lớn cho thị trường. Với số lượng đàn lợn lớn như trên, giá TACN tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh. Dù không muốn nhưng đến thời điểm này, ông Chiến đã phải cho giảm số lượng lợn xuống 20-20%. Nhưng ông cũng lo lắng, với đà tăng như hiện nay, giá TACN sẽ còn tiếp tục "thẳng tiến". Vì thế, dù giá thịt lợn tăng nhưng thực tế người chăn nuôi lại thua lỗ.

Hiện nay, giá TACN đã tăng gấp 3 - 4 lần so với thời điểm cuối năm 2010. Mặc dù từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 116/2009 về việc đưa mặt hàng TACN vào danh mục bình ổn giá. Nhưng việc thực thi quyết định này gặp khó khăn. Ngoài ra, dù nước ta có ngành chăn nuôi phát triển nhưng phần lớn nguyên liệu TACN vẫn phải nhập nên phụ thuộc rất lớn vào các nước. Vì vậy, việc tăng giá TACN là khó tránh khỏi, bởi tỷ giá tăng, xăng dầu tăng kéo giá vận chuyển tăng.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi càng đầu tư càng thua lỗ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu TACN lại không được hỗ trợ về vốn, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian gần đây, đàn bị giảm đi, đặc biệt là chăn nuôi heo ở phía Bắc do nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ, không đầu tư vào đàn lợn.

Theo ông Dương, thực trạng tăng giá thịt lợn trên thị trường cũng một phần do các thương lái tạo ra tâm lý tăng giá bừa bãi. Và thực tế là giá thịt bán chênh lệch nhiều với giá thịt hơi. Hiện nay, giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng lên ở mức 51.000-52.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có chút lợi nhuận, song e cũng không bù lại được với đà tăng giá TACN tăng hằng tuần như hiện nay.

Ông Chiến lo lắng, nếu tình hình không có dấu hiệu khả quan hơn, các trang trại thuộc HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông sẽ phải tiếp tục giảm đầu vào để tránh thua lỗ. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đợt rét hại kéo dài 1 tháng vừa qua làm chết 65.000 gia súc, rồi dịch bệnh liên miên đã và đang gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Trong khi đó, chỉ trong tháng 3, giá một số nguyên liệu TACN như ngô, khô đậu tương… đã tăng từ 5-11%.

Bộ NN&PTNT nhận định, những yếu tố trên đang gây tác động đến hàng triệu người chăn nuôi trên cả nước, cộng với việc tăng giá xăng, điện... nên tâm lý người chăn nuôi sẽ không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô dẫn đến giảm về số đầu con.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương đánh giá, giá TACN chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất, vì vậy, cần phải bình ổn được giá TACN để người chăn nuôi có tâm lý tái đàn.

Để bình ổn giá thịt lợn, theo ông Dương, biện pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát dịch bệnh để khôi phục, đẩy nhanh tốc độ chăn nuôi, đặc biệt là lợn và trâu bò, nhất là lở mồm long móng và tai xanh. Việc thứ hai là các cơ sở giống cũng cần tăng cường  năng lực sản xuất và cung ứng giống lợn cho sản xuất. Thứ ba, là phải kiểm soát chất lượng và giá TACN, giá cao nhưng chất lượng phải tốt. Quản lý tốt công tác giết mổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả, chia sẻ lợi nhuận.

Ông Dương cũng lạc quan, trong quý II, tình hình sẽ khá hơn, tốc độ khôi phục đàn sẽ tốt hơn vì lý do khủng hoảng thịt lợn sẽ không nhiều, mùa xuân, mùa hè là mùa phát triển đàn lợn tốt. Quý II cũng là thời điểm có nhiều nguồn thực phẩm khác cung cấp cho xã hội như cá, vịt, gà đều nhiều hơn, sức ép lên thịt lợn giảm đi, tránh căng thẳng về giá.

Tuy nhiên, để có biện pháp dài hạn, theo ông Dương cần khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại để dễ quản lý, quy mô công nghiệp, giá thành hạ, chất lượng tốt, cũng tạo điều kiện chăn nuôi nông hộ chẳng hạn như hợp tác xã, tổ hợp tác. Bộ NN&PTNT cũng đang trình Thủ tướng phê duyệt về việc cho các cơ sở chăn nuôi trang trại được hưởng chính sách như một doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

"Chúng tôi đang muốn các trang trại chăn nuôi phát triển quy mô, chuyên nghiệp chứ không nhỏ lẻ như hiện nay. Để làm được điều này, mặt bằng, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho người chăn nuôi cần phải được chú trọng", ông Dương cho biết

Chi Linh
.
.
.