Đưa tác phẩm nghệ thuật lên sàn đấu giá Việt

Thứ Bảy, 01/04/2017, 09:38
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ hội cho thị trường đấu giá tài sản tự nguyện của Việt Nam là rất lớn bởi khá nhiều tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam được quốc tế công nhận, đánh giá cao, có giá trị nghệ thuật cũng như giá trị kinh tế.

Thời gian qua, nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật Việt đã bước đầu làm quen với mô hình đấu giá tài sản tự nguyện các tác phẩm nghệ thuật như tranh, gốm sứ, đồ cổ… Theo đó, nhiều món đồ “độc” lần lượt được đem ra đấu giá tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thu hút được sự quan tâm của giới sưu tầm nghệ thuật và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thực tế, thị trường Việt Nam còn quá nhiều khoảng trống cho đấu giá các tác phẩm nghệ thuật và hầu như chưa được định hình. Cho nên, việc triển khai mô hình Sàn đấu giá tài sản tự nguyện hoạt động vào mỗi thứ Bảy hàng tuần, Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt (Công ty Lạc Việt) kỳ vọng trở thành “người tiên phong” trong thúc đẩy thị trường đấu giá tự nguyện khi Luật Đấu giá có hiệu lực từ ngày 1-7-2017.

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh kỳ vọng là “người tiên phong” trong thúc đẩy thị trường đấu giá tự nguyện.

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt cho biết, mô hình sàn đấu giá tự nguyên trên thế giới rất nhiều và phổ biến. Rất nhiều nhà sưu tầm tranh và họa sĩ, các nhà đầu tư đã và đang tham gia rất nhiều tại các sàn đấu giá quốc tế với chi phí khá cao. Tuy nhiên, việc mở sàn đấu giá tự nguyện tại Việt Nam đang là mô hình mới và hiện chưa có doanh nghiệp nào tham gia vào mảng đấu giá tài sản tự nguyện, nhất là đấu giá nghệ thuật.

Để xây dựng được sàn đấu giá tự nguyện, Công ty Lạc Việt phải chuẩn bị được cơ sở hạ tầng và đội ngũ chuyên gia thẩm định, phân tích và đánh giá. Và quan trọng nhất theo bà Hạnh đó là niềm tin của những người có tài sản. Họ tin vào uy tín của Công ty để gửi gắm các tài sản của mình cho công ty mang ra đấu giá, thậm chí ký gửi. 

Bởi, Sàn đấu giá này được vận hành nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có tác phẩm nghệ thuật sử dụng hình thức bán đấu giá thay cho cách bán hàng phổ biến trước đây. Đồng thời, cũng tạo ra một sân chơi chung cho giới mê nghệ thuật của Việt Nam cũng như thế giới cùng gặp gỡ, trao đổi về nghệ thuật.

Có mặt tại sàn đấu giá Lạc Việt, chúng tôi khá bất ngờ. Với mặt sàn hơn 1.000m², rất nhiều sản phẩm với từng mã số khác nhau được người dân ký gửi tại sàn, từ những bức tranh, đồ gốm, sứ hay cả những bức tượng cổ… tới những sản phẩm thời trang có số lượng hạn chế dành cho giới siêu giàu. Bà Hạnh cho biết, những tác phẩm được đấu giá và những tác phẩm ký gửi tại sàn đều đã được Hội đồng thẩm định chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Góc đồ "độc" của Công ty CP Bán đấu giá Lạc Việt.

Từ phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5-2016 đến nay, Lạc Việt đã tổ chức được thêm 2 phiên đấu giá, các sản phẩm đều được đấu giá thành công. Đa phần khách mua là người Việt Nam, khách quốc tế hay một số quỹ có tham gia nhưng mới mang tính quan sát và nghe ngóng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ hội cho thị trường đấu giá tài sản tự nguyện của Việt Nam là rất lớn bởi khá nhiều tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam được quốc tế công nhận, đánh giá cao, có giá trị nghệ thuật cũng như giá trị kinh tế. Trong khi đó, giới nhà giàu Việt Nam cũng ngày một gia tăng, nhu cầu sưu tầm những mặt hàng độc, lạ, hay, có tính nghệ thuật của Việt Nam cũng như thế giới đang có xu hướng gia tăng. 

Theo một vị chuyên gia trong lĩnh vực phân tích, thẩm định thì cơ hội luôn song hành cùng rủi ro, đặc biệt, rủi ro đối với đấu giá tài sản tự nguyện là khá lớn do “phí dịch vụ không lớn, bởi theo quy định của pháp luật, bất kể giá trị tài sản giao dịch lớn thế nào thì mức phí cao nhất mà doanh nghiệp bán đấu giá được nhận đều nằm trong khung điều chỉnh của luật, chỉ khoảng vài trăm triệu đồng”. 

Trong khi đó, nếu doanh nghiệp sơ suất trong quá trình thẩm định, giám định tác phẩm nghệ thuật thì chi phí bồi thường thiệt hại cho người thắng đấu giá là rất lớn.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Hạnh cũng cho rằng nếu doanh nghiệp đấu giá không có sự hỗ trợ của một ê-kíp chuyên nghiệp thì rủi ro phải đền nhiều khi khá lớn, thậm chí khiến doanh nghiệp phá sản, phí thu được từ những phiên đấu giá trước không đủ bù đắp cho thiệt hại.

Lưu Hiệp
.
.
.