Cần tập trung tháo gỡ khó khăn của ngành hàng cá tra

Thứ Năm, 13/07/2017, 08:12
Ngày 10-7, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản gửi các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu cá bộ Siluriformes (cá tra, ba sa) sang Mỹ chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu nước này để tuân thủ quy định mới.

Cụ thể, tất cả lô hàng cá tra nhập khẩu vào Mỹ sẽ được Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức (i-house, các kho bảo quản được chỉ định) từ ngày 2-8, thay vì 1-9 như lộ trình đã thông báo trước đó.

Cụ thể, các DN lưu ý trong việc ghi nhãn sản phẩm phù hợp với quy định của FSIS từ tên sản phẩm, hướng dẫn bảo quản, thành phần… Nội dung kiểm tra của FSIS đối với các lô cá tra gồm: sự phù hợp của chứng thư kèm lô hàng, cảm quan, ghi nhãn, điều kiện bảo quản vệ sinh chung và lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất độc hại, định danh loài và vi sinh vật gây bệnh. Trong đó, riêng nhóm hóa chất, kháng sinh FSIS kiểm nghiệm đa dư lượng 108 chất nhóm thuốc bảo vệ thực vật, 89 chất kháng sinh, 17 kim loại và 4 chất nhóm thuốc nhuộm.

Cần nâng cao giá trị sản phẩm cá tra, xây dựng thương hiệu mạnh. Ảnh: Minh Khoa.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra xuất khẩu đi Mỹ bị sụt giảm trong các tháng đầu năm 2017 do khó khăn về thị trường. Trước đây, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chịu sự quản lý của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và chỉ bị lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên với tần suất khá thấp (khoảng 2%). Theo Đạo luật Nông trại của Mỹ, cá tra được chuyển sang Bộ Nông nghiệp Mỹ quản lý với các yêu cầu phải tương đương với cá da trơn của Mỹ trong khi điều kiện sản xuất 2 nước rất khác nhau. Trong thời gian chuyển tiếp quản lý, phía Việt Nam đã chủ động trong việc kiểm tra 100% lô hàng cá tra xuất khẩu đi Mỹ từ ngày 15-7-2016.

 Tại Hội nghị triển khai Nghị định 55/2017/NĐ-CP và bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra diễn ra ngày vừa qua tại Tiền Giang. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám chỉ đạo, nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực từ ngày 1-7-2017, thực hiện theo cơ chế kiểm tra giám sát là “hậu kiểm” và không có nội dung nào kéo dài thời gian. Do đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra trên lãnh thổ Việt Nam cần tự giác chấp hành, thực hiện lưu giữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc theo đúng quy định. 

Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản và các đơn vị thuộc Bộ cần rà soát các quy định, hướng dẫn liên quan; các cơ quan chuyên môn tại địa phương tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn người nuôi, doanh nghiệp thực hiện và tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm. 

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần kịp thời phản ánh về Tổng cục Thủy sản để cùng phối hợp tháo gỡ, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra. Về các giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu, cần tập trung tháo gỡ khó khăn tại thị trường Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. 

Công nhân chế biến cá tra.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, cần tiếp cận theo quan điểm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Đồng thời cần rà soát, tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Đối với thị trường EU, cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng thực hiện khi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU có hiệu lực. Đối với thị trường Trung Quốc, sản phẩm cá tra đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Đây là lợi thế của ngành hàng, tuy nhiên cần tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng. 

Đồng thời cần có giải pháp quản lý nhằm đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu tiểu ngạch. Đối với thị trường trong nước, cần nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Về giải pháp tổ chức lại sản xuất, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu cần đảm bảo sản xuất, cung ứng đủ nguồn giống chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phối hợp với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia chọn tạo cá tra bố mẹ, sản xuất cá tra giống có chất lượng cao. Đồng thời, giao Tổng cục Thủy sản khẩn trương tổ chức triển khai tốt các đề tài, dự án thuộc Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn, khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện cùng tham gia để tạo ra các sản phẩm cá tra chất lượng cao có giá trị khác biệt; nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu mạnh.

Hoàng Phạm
.
.
.