Đồng nhân dân tệ ‘ngồi mâm trên’, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng gì?

Thứ Tư, 02/12/2015, 17:37
Ngày 30-11, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) đã chính thức được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế. Là một nước có mối quan hệ giao thương trực tiếp và sâu rộng với Trung Quốc, kinh tế Việt Nam sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định.

Quyết định đưa CNY vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức của IMF, hiện tại gồm USD, Euro, đồng bảng Anh và Yên Nhật có hiệu lực từ ngày 1-10-2016. Tại thời điểm đó, theo IMF nhận định, đồng CNY sẽ chiếm tỉ trọng 10,92% trong giỏ tiền tệ, so với tỉ trọng của đồng USD là 41,73%, của đồng Euro là 30,93%, của đồng Yên là 8,33% và đồng bảng Anh là 8,09%. Dự báo, tỷ trọng của CNY có thể sẽ tăng dần lên 14-16%.

Việt Nam cần có chính sách tỷ giá linh hoạt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bằng việc xếp CNY vào giỏ tiền dự trữ, IMF cho rằng, đồng tiền quốc gia của Trung Quốc có đủ độ tin cậy để các quốc gia trên thế giới có thể sử dụng làm đồng tiền dự trữ cho khối ngoại tệ dự trữ của mình. Nếu như trước đây các nước trên thế giới thường sử dụng đồng USD, Euro, bảng Anh hoặc Yen Nhật, cùng một số tài sản vật chất khác như vàng để dự trữ khoản ngoại tệ của mình, thì giờ đây họ còn có thể tích trữ CNY mà không nhất thiết phải quy đổi ra các đồng tiền khác.

Tuy nhiên, các quan điểm và dự báo cũng đều cho thấy rằng việc này sẽ không có tác động quá lớn đến giá trị của đồng CNY trên thị trường quốc tế trong trung dài hạn. Việc đồng CNY được thêm vào giỏ tiền tệ của IMF có ý nghĩa biểu tượng hơn là về mặt giá trị. Nó cho thấy vai trò của Trung Quốc trên bản đồ kinh tế, thương mại thế giới, nâng vai trò của đồng CNY tương đương với các đồng tiền mạnh khác như Yên Nhật, Bảng Anh.

Hiện nay, dự trữ bằng các đồng tiền JPY, GBP cũng chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng lượng dự trữ của NHTW các nước. Do vậy, với mức dự báo dự trữ bằng tiền mặt và các tài sản dưới dạng đồng CNY vào năm 2020 khoảng 3%, thì nhu cầu đồng CNY cho mục đích dữ trữ cũng không quá lớn. Theo Standar Charter, năm 2016 nhu cầu dự trữ đối với CNY có thể tăng từ 50 – 140 tỷ USD, con số này quá nhỏ bé so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 330 tỷ USD/tháng của Trung Quốc. Đồng CNY nếu có tăng giá do sự kiện này cũng chỉ mang tính nhất thời.

Hơn nữa, trong năm 2016, áp lực giảm giá đối với CNY tiếp tục không nhỏ trên một số giác độ. Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc vẫn trên đà đi xuống và NHTW sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Thứ hai, xác suất USD tiếp tục tăng giá trên thị trường ngoại hối quốc tế là khá cao. Thứ ba, khi tham gia vào giỏ tiền tệ quốc tế dòng vốn vào Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng lớn khi nước này cam kết dần tự do hóa thị trường vốn. Nhiều khả năng dòng vốn sẽ tiếp tục chảy ra khỏi Trung Quốc, vấn đề nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải giải quyết trong những năm gần đây khi người dân nước này tìm mọi cách để chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư. Theo đó, tỷ giá USD/CNY có thể tăng thêm khoảng 3-5% trong năm 2016 lên 6,6-6,7.

Với nền kinh tế Việt Nam, vốn là một nước có quan hệ giao thương trực tiếp và sâu rộng, CNY “lên ngôi” chắc chắn có những tác động đa chiều. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng việc CNY vào giỏ tiền tệ quốc tế sẽ có tác động đến các vấn đề như xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, thậm chí là tỷ giá… của Việt Nam. Lâu nay, các hợp đồng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt với Trung Quốc chủ yếu đều được quy đổi theo USD, mà những hợp đồng này thường đã ký trước ngày 30-11, nên hiện tại chưa bị ảnh hưởng nhiều. Song trong thời gian tới, có thể trong quan hệ đối tác, Trung Quốc sẽ đề xuất thanh toán bằng đồng tiền của họ nhiều hơn, điều này đặt doanh nghiệp trước rủi ro của tỷ giá đồng CNY. Tuy nhiên, TS Lực cho rằng trước mắt, sự kiện CNY vào giỏ tiền tệ quốc tế sẽ tác động đến thị trường Việt Nam cơ bản là yếu tố tâm lý.

Phân tích sâu hơn về tỷ giá, khi đánh giá về những biến động trên thị trường tài chính đối với tỷ giá USD/VNĐ, các chuyên gia đến từ ngân hàng BIDV cho rằng năm 2016, thị trường ngoại hối Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục biến động khá phức tạp. Trong đó, yếu tố rủi ro lớn nhất tiếp tục đến từ diễn biến của USD cũng như CNY trên thị trường quốc tế. VNĐ có thể giảm giá thêm khoảng 3-4% so với USD và tỷ giá USD/VNĐ tăng vượt qua mức 23.000 đồng/USD. Trong khi đó, nhìn theo khía cạnh xuất nhập khẩu, chuyên gia kinh tế Nguyến Trí Hiếu cho rằng hiện nay CNY vẫn đang cao hơn so với giá trị thực, hơn nữa Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi vậy sắp tới Trung Quốc có thể tìm cách để phá giá đồng nội tệ của mình. Điều đó làm hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn và nhập siêu của Việt Nam lại tăng lên.

Để “đối phó” với tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải theo dõi sát diễn biến, tình hình thị trường, phải quan tâm nhiều hơn đến đồng tiền Trung Quốc vì chắc chắn trong tương lai, nợ nước ngoài của Việt Nam có liên quan đến đồng tiền này. Về tỷ giá, cần có chính sách tỷ giá linh hoạt, chủ động, cần tham vấn kinh nghiệm trước đây khi những đồng tiền lớn như bảng Anh, Yen Nhật được vào giỏ tiền tệ này thì nó tác động như thế nào để có cách ứng phó thích hợp.

Nhóm PV
.
.
.