Thị trường tài chính “phản ứng mạnh” khi đồng nhân dân tệ bị phá giá

Thứ Năm, 13/08/2015, 08:57
Sau động thái phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) ở mức 1,9% ngày 11/8, và tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu thêm 1,6% trong ngày 12/8 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), thị trường tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những phản ứng mạnh, cả tích cực và tiêu cực lên các rổ hàng hóa.

Sau “cú sốc” mang tên đồng CNY, giá vàng thế giới đã có cuộc đảo chiều tăng giá ngoạn mục, kéo theo giá vàng trong nước tăng theo. Cụ thể, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần, lên 1.117 USD/oz.

Còn giá vàng miếng trong nước sáng 12/8 đã tăng vọt lên 33,3 triệu đồng/lượng - phiên tăng mạnh nhất của giá vàng trong tuần qua, bứt khỏi vòng luẩn quẩn quanh vùng 33 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia và các tổ chức kinh tế, việc giá vàng đột ngột tăng này chỉ là phản ứng nhất thời, chứ không bền vững.

Theo Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), động thái của PBOC làm tăng bất ổn và rủi ro cho kinh tế toàn cầu, giúp giá vàng được hưởng lợi. Trong trung và dài hạn, các nhà phân tích không cho rằng, động thái của Trung Quốc sẽ đẩy giá vàng lên cao, vì sẽ kéo theo hành động tương tự của rất nhiều ngân hàng trung ương khác, khiến giá vàng đắt đỏ hơn đối với người tiêu thụ tại các nước này. Chưa kể, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng cho việc nâng lãi suất vào tháng 9 tới - khi đó, giá vàng có thể sẽ đối mặt với áp lực giảm trở lại.

Giá vàng được hưởng lợi khi CNY mất giá.

Ngược lại với giá vàng, giá dầu thô tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 6 năm qua. Trong phiên giao dịch sáng 12-8 tại Singapore, giá dầu WTI giao tháng 9 giảm tiếp 5 cent xuống còn 43,03 USD/thùng, còn giá dầu Brent giảm 35 cent xuống còn 48,83 USD/thùng.

CNY mất giá đã kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Vì thế, cùng với rổ các loại hàng hóa cơ bản, “hàn thử biểu” của nền kinh tế là thị trường khứng khoán (TTCK) đã ngay lập tức có phản ứng mạnh. Song, ngược lại với giá vàng được hưởng lợi tức thì, TTCK lại chịu sự tác động tiêu cực. Đa số các cổ phiếu lớn trên thị trường đều đã đồng loạt giảm giá.

Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG, ACB, MBB… đã giảm mạnh. Bên cạnh đó, tác động của việc giá dầu giao tháng 9 giảm gần 1% cũng khiến nhóm cổ phiếu dầu khí hứng chịu tác động, khép phiên ngập trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 604,24 điểm, giảm 8,81 điểm (-1,44%), chỉ có 64 mã tăng, 155 mã giảm và 89 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 1,09 điểm (-1,30%), đứng ở mức 82,75 điểm với 58 mã tăng, 132 mã giảm và 177 mã đứng giá.

Nhận định về động thái phá giá CNY của PBOC, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngoài nguyên nhân chính như PBOC đưa ra, còn có nguyên nhân từ việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

“Phá giá đồng CNY có tác động mạnh tới Việt Nam do chúng ta nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc đã rẻ nay lại càng rẻ hơn, nguy cơ tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Điều này cũng sẽ tác động làm gia tăng lạm phát. Việc NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2% là quyết định kịp thời, nhằm trung hòa tác động của việc Trung Quốc phá giá. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm, những áp lực lên tỷ giá vẫn còn, như thời điểm cuối năm nhu cầu về USD thường tăng cao… Việc điều chỉnh biên độ của NHNN có thể khiến đầu cơ USD gia tăng, do kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh” - TS Hiếu phân tích.

Lệ Thúy
.
.
.