Ngành lúa gạo Việt Nam trước giờ G của công cuộc đổi mới:

Bứt phá từ chính “luống cày cũ” (!)

Thứ Tư, 22/03/2017, 08:09
Ngành lúa gạo Việt cần một tầm nhìn mới - một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho nông dân trồng lúa ở trong nước cũng như các doanh nghiệp làm gạo…


Kỳ cuối: Tầm nhìn mới - dồn sức từ ngày hôm nay (!)

Phát biểu kết luận hội nghị tìm giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo ĐBSCL tổ chức tại An Giang hôm 15-3 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất. 

Do đó ngành lúa gạo Việt cần một tầm nhìn mới - một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho nông dân trồng lúa ở trong nước cũng như các doanh nghiệp làm gạo…

Khi nhắc đến các giải pháp để nâng cao vị thế, nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt, nhiều chuyên gia vẫn thường suy ngẫm đến cách làm của Thái Lan –quốc gia XK gạo lớn nhất thế giới, chiếm trên 20% tổng kim ngạch XK gạo toàn cầu tuy sản lượng chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng gạo thế giới.

Chính phủ Thái Lan luôn quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gạo.

Theo Tiến sĩ Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) thành công của hạt gạo Thái Lan trước tiên phải kể tới vai trò của Nhà nước trong xác định lấy ưu tiên phát triển nông nghiệp làm chiến lược cơ bản cho phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân. 

Từ 1982 đến năm 2000, Chính phủ Thái đã ban hành đến 3 chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia để phát triển nông nghiệp, trong đó có lúa gạo. Các bộ, ban ngành đều thành lập các “Ban thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và sản xuất lúa gạo”, thực hiện các chính sách về ưu đãi, nâng đỡ sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo với những biện pháp (trợ cấp giá, đầu tư, cho vay…) nhằm phát huy tối đa tính tích cực sản xuất lúa gạo của nông dân.

Trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, đặc biệt tạo vị thế cho hạt gạo vốn được chăm chút về chất lượng, Việt Nam càng cần suy ngẫm cách làm của Thái Lan. Tất cả các sản phẩm từ hạt thóc tại Thái Lan đều được sử dụng chế biến thành các sản phẩm có giá trị. Cạnh việc tạo ra sản phẩm chính là gạo trắng, thì các phần khác của gạo được tận dụng sử dụng vào các mục đích khác nhằm tăng thêm giá trị... 

Gạo được chế biến thành các giấy mỏng có thể ăn được dùng trong bao bì thuốc lá và bao bì bánh kẹo; gạo cũng được sử dụng để chế biến thành các đồ uống có cồn như rượu sake, vang và bia. Mỗi năm, Thái XK khoảng 150.000 tấn sản phẩm chế biến từ gạo đạt kim ngạch khoảng 78 triệu USD, tương đương với 0,5 triệu tấn gạo XK.

Tại Thái Lan, các cơ chế điều phối kinh doanh lúa gạo tập trung ở khu vực tư nhân. Chính phủ chỉ điều hành thương mại lúa gạo trong từng trường hợp cụ thể, và chỉ khi nó là cần thiết. Nông dân được hỗ trợ tín dụng, các tiến bộ kỹ thuật, vật tư đầu (giống, phân bón), tiếp cận thị trường. Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX đến nay, Thái Lan đã rất ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là thủy lợi, giao thông, điểm thu mua nông sản, kho chứa, bến bãi, cảng chuyên dùng,… phục vụ sản xuất và XK nông sản này.

Trông người rồi ngẫm đến ta. Sau Hội nghị tìm giải pháp để phát triển bền vững ngành lúa gạo ĐBSCL ngày 15-3 vừa qua, nông dân và DN rất phấn khởi trước phát biểu của Thủ tướng sẽ sớm điều chỉnh nhiều chính sách, quy định không còn phù hợp; trong đó có báo cáo Quốc hội xem xét sửa Điều 109 Luật Đất đai, trước hết là một số chính sách quy định phù hợp để mở rộng hạn điền - nền tảng rất quan trọng thực hiện cánh đồng lớn; khuyến khích đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp. 

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng Việt Nam muốn được cộng đồng thế giới đối xử như một quốc gia có nền kinh tế thị trường thật sự thì nên bỏ mức hạn điền và công nhận đất tư nhân, để người dân có toàn tâm đầu tư vào mảnh đất của mình sản xuất hiệu quả nhất.

Liên quan đến quy hoạch phát triển lúa gạo, nhiều chuyên gia cho rằng Quyết định 899/QĐ-TTg của Chính phủ cho phép chuyển đất lúa sang nuôi trồng cây con có giá trị cao hơn lúa. Quyết định này sắp “4 tuổi” nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến, nhất là tại các vùng đất ven biển của Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,…

“Đầu năm 2016, nhiều địa phương “kêu” bị thiệt hại thật ra là do tư duy cũ, bất chấp cảnh báo khoa học, không có nước ngọt trong mùa nắng vẫn chỉ đạo cho dân tiếp tục trồng lúa, rồi xin tiền để chống chọi bằng mọi cách do xem nước mặn như là “kẻ thù”, chứ không xem nước mặn là tài nguyên. Thực chất đó là sự coi thường chủ trương của Chính phủ. Cứ trăn trở, sốt ruột trước chuyện bị xâm nhập mặn, thực ra đó là chỉ nói đến khía cạnh cây lúa. Lẽ ra nếu làm nghiêm phải xử lý nghiêm các địa phương để dân trồng lúa trong điều kiện thiên nhiên, thời tiết không thích hợp. Còn tiếng nói, quyền lợi của người nuôi tôm Bạc Liêu, Cà Mau chưa được quan tâm dù họ phải vất vả “đấu tranh” với những nông dân trồng lúa quyết không cho nước mặn vào vùng ruộng. Rốt cuộc, cả lúa và tôm đều bị thiệt hại”, một chuyên gia nói.

Trước thực tế của biến đổi khí hậu và đặc biệt là nguồn nước từ dòng MeKong, các chuyên gia cho rằng cần sự công bằng trong đối xử với cây lúa – con tôm. 

"Tại vùng ven biển nhiễm mặn trong mùa khô, chúng tôi cũng đề xuất một vụ lúa cao sản trong mùa mưa. Khi dứt mưa, thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, cá kèo, cua… đạt lợi tức trên 3 lần lúa với nước mặn. Như thế chúng ta không cần chống mặn bằng những biện pháp quá tốn kém để cố trồng thêm vụ lúa. Và chỉ làm như thế mới mở ra cơ hội cho hàng trăm ngàn nông dân luôn muốn làm bạn với nước mặn để nuôi tôm, để tăng gia lợi tức thay vì chịu số phận nghèo mãi với cây lúa”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm chỉ nên tập trung trồng lúa tại các vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn bảo đảm có nước ngọt hoàn toàn quanh năm, và tránh các vùng ven biển nước ngọt rất bấp bênh. Tại các vùng nhiễm mặn nếu nuôi tôm bền vững thì Nhà nước nên xây dựng hệ thống vuông tôm có kênh thủy lợi kèm theo mới tránh được bệnh tôm như hiện nay. Vùng đất giồng cát ven biển thì Nhà nước có thể tổ chức cho nông dân trồng màu (củ hành, tỏi, sắn...) hoặc cây ăn trái (xoài, nhãn, vú sữa, chuối...) liên kết với các DN chế biến bảo quản các sản phẩm này đưa ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.

Để tăng giá trị cạnh tranh cho hạt gạo Việt, GS-TS Võ Tòng Xuân “hiến kế”: 

Phải làm thương hiệu gạo Việt để trước hết là cạnh tranh ngay trên “sân nhà”; phải phổ biến giống của Việt Nam mình. Phải làm theo chuỗi giá trị, liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - DN và nhà nông) để cùng sản xuất. Nông dân hợp tác với nông dân theo mô hình HTX kiểu mới. Có HTX kiểu mới rồi thì phải có DN đầu ra để gắn kết. 

Theo đó, cán bộ đồng ruộng của DN cùng với cán bộ khuyến nông của ngành Nông nghiệp sẽ tập huấn VietGAP (về sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt) cho nông dân. 

Có HTX kiểu mới thì chúng ta phải có những nông dân đổi mới, có tư duy mới, không tự làm, không tự ý mình theo kiểu “lão nông tri điền” mỗi người làm một kiểu không đồng nhất, gây khó quản lý và hiệu quả thấp hơn. Từ đó hướng nông dân theo quy trình VietGAP vừa ít tốn kém, vừa ít sâu bệnh, chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Khi mà nguyên liệu lúa được DN tiêu thụ với giá phải chăng, DN có nguồn nguyên liệu chất lượng, giá tốt, bảo đảm chất lượng, có nhà máy cơ sở chế biến, đóng gói bao bì hiện đại thì ngành lúa gạo Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh tốt hơn.

NHÓM PV
.
.
.