Ngành lúa gạo Việt Nam trước giờ G của công cuộc đổi mới:

Bứt phá từ chính “luống cày cũ” (!)

Thứ Ba, 21/03/2017, 08:24
Ba năm sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT mới có đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo và đề án này đang lại sắp phải điều chỉnh cho phù hợp với tư duy mới. Chậm vẫn còn hơn không; và biết lắng nghe, điều chỉnh là tín hiệu tích cực.


Kỳ 4: Xắn tay áo với “nông nghiệp sạch” (!)

Trong bối cảnh hạt gạo buộc phải thích ứng, đối mặt với những thách thức mới, theo các chuyên gia, việc nên tiếp tục “xông trận” là không hô hào nữa mà tập trung, quyết liệt thực hiện có hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; mạnh dạn “cởi trói” cho hạt gạo bằng hàng loạt chính sách và đặc biệt, gắn chặt với mục tiêu của một nền “nông nghiệp sạch”. 

Và trong cuộc cách mạng lần này, nông dân – doanh nghiệp (DN) giữ vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại của hàng loạt chính sách mà Chính phủ đã cầu thị, linh hoạt điều chỉnh.

Cánh đồng gạo hữu cơ của ông Võ Minh Khải (Cà Mau). Ảnh D.Việt.

Tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL ngày 15-3 vừa qua, khi nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “đặt hàng” trong 10 - 20 năm tới, hạt gạo do người nông dân và DN Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng một cách tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn phổ quát về dinh dưỡng và dược liệu, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất của thế giới, nhiều đại biểu chợt nhớ đến nhiều nông dân đất “chín rồng” đang tâm huyết sản xuất gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng và gạo sạch.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kể cho chúng tôi nghe chuyện ông Võ Minh Khải, sau thời gian “tha hương” đã về quê mình – xã Khánh An, huyện U Minh, bỏ ra hàng chục tỷ đồng để trồng trên 320ha lúa hữu cơ, chấp nhận năng suất chưa tới 1 tấn/ha. 

Thế nhưng sự miệt mài của ông Khải đã được đền đáp khi hạt gạo hữu cơ chức năng của ông không chỉ được biết dần trên thị trường mà còn được Tổ chức quốc tế BIO Organic trao chứng nhận và nhãn hiệu Gạo hữu cơ an toàn tuyệt đối có lợi cho sức khỏe (organic product) của Hoa Kỳ. 

Đây là lần dự án đầu tiên của Việt Nam cũng như vùng Đông Nam Á được cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho gạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Để sản phẩm được cấp chứng nhận gạo hữu cơ chức năng, ông Khải cho biết quy trình sản xuất cũng như sản phẩm phải đạt các yếu tố: không chứa các loại hormon, không chứa thuốc kháng sinh, không lưu tồn thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, không chứa thuốc trừ cỏ, không chứa phân bón hóa học, không bị biến đổi gen, không bị chiếu xạ tiệt trùng, không có hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản...

Tại Hội nghị quốc tế về thực phẩm hữu cơ, nhiều nhà dinh dưỡng học, hữu cơ học và cả các nhà kinh doanh thực phẩm hữu cơ cũng rất ngỡ ngàng về các sản phẩm gạo hữu cơ của ông Khải có khả năng hỗ trợ điều trị tốt một số loại bệnh (tiểu đường, tim mạch, ung thư, thiếu máu, béo phì) do có hàm lượng dinh dưỡng, khoáng chất vượt trội và họ cho đây là thực phẩm chức năng tuyệt vời cho tương lai.

Hôm về Thanh Bình (Đồng Tháp), chúng tôi gặp lão nông 65 tuổi Phan Công Chính (Bảy Lâu), hiện là Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình. Với hơn 50 năm “sống chết” với cây lúa, 2 vụ lúa vừa rồi, người ta biết đến lão nông này do ông mày mò từng quy trình, công đoạn trồng lúa hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc. 

Bảy Lâu kể ông bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ vụ Hè - Thu 2016, mỗi hécta Nàng hoa 9 của ông chỉ thu hoạch được 3,5 tấn (bằng một nửa theo lối sản xuất thông thường). Năng suất thấp nhưng đổi ngược lại, ông Bảy Lâu có được giá bán gạo cao gấp đôi (24.000 đồng/kg), hơn hết là có được sản phẩm gạo sạch, an toàn cho người tiêu dùng. 

Sau khi được hỗ trợ từ các chuyên gia ĐH Cần Thơ, ông tăng diện tích sản xuất lên 2ha và vụ Đông - Xuân rồi, toàn bộ diện tích đất 10ha của ông đều tập trung làm lúa hữu cơ. Giờ Bảy Thâu hứng chí mong muốn các thành viên trong HTX sẽ cùng làm theo mình, xem đó là một xu thế sản xuất tất yếu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cho hạt gạo.

Hôm đến huyện biên giới Hồng Ngự, Đồng Tháp, chúng tôi gặp thanh niên “9X” - Võ Văn Tiếng. Đứng trước Nông trại của Tiếng (ban đầu chỉ 1ha nhưng giờ đã lên gần 50ha, năng suất trung bình chỉ khoảng 4,5 tấn/ha), nhiều nông dân miền Tây suy ngẫm trước cái “cớ” anh tiên phong làm lúa sạch là “để cho người khác bỏ dần thói quen sử dụng quá nhiều phân thuốc hoá học để trồng lúa, gây ảnh hưởng trước tiên đến chính mình, sau đó làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng do ăn phải sản phẩm không an toàn”.

Khi được hỏi, Tiếng giải thích quy trình diệt sâu, rầy khá đơn giản mà không cần đến thuốc hóa học: vịt sẽ ăn bướm, sâu. Khi con vịt đi ngang thì cây lúa sẽ ngã xuống và những con sâu, rầy sẽ té xuống dưới nước, lúc đó cá sẽ ăn những con rầy, sâu đó. Hoặc nếu cá không ăn sâu, rầy thì khi bị tác động bởi con vịt, thì sâu, rầy sẽ cảm thấy không an toàn và di chuyển đi nơi khác. 

Với mô hình “cá – lúa – vịt”, không phân, không thuốc; dùng biện pháp canh tác đắp bờ bao lửng xung quanh, cho nước vào ruộng và thả cá, vịt để tiêu diệt các loại sâu bệnh, Tiếng đã “rinh” giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp năm 2016” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. 

Niềm động viên mà cũng là thành quả do “dám nghĩ, dám làm” của Tiếng chính là sản phẩm gạo sạch Tâm Việt có giá bán 32.000 đồng/kg và luôn trong tình trạng “làm không kịp bán”.

Điều chúng tôi tâm đắc nhất khi đến Đồng Tháp là sự truyền cảm hứng làm “nông nghiệp sạch”, “làm nông dân tử tế” chính từ lãnh đạo của địa phương đến nông dân. 

Trong rất nhiều lần gặp gỡ, tặng thiết bị kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, máy đo pH cho nông dân, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh này luôn lưu ý đến hai chữ “thiệt - hơn” với bà con khi làm nông sản. 

Ông Dương nói rõ sản xuất mà cứ lạm dụng phân bón, thuốc BVTV, giá thành sẽ tăng; và nếu sản xuất không sạch thì không chỉ nông dân đó phải gánh chịu thiệt hại (người tiêu dùng quay lưng với nông sản) mà còn làm ảnh hưởng xấu đến nông dân khác và “làm chết” cả một thương hiệu nông sản mà chúng ta dày công xây dựng.

Động viên những nhân tố mới, tích cực trên đồng ruộng như Tiếng, không chỉ vào mạng, viết email kêu gọi mua gạo sạch để ủng hộ chàng trai này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan bày tỏ quan điểm ủng hộ cách làm để cho ra sản phẩm gạo sạch. 

Theo ông Hoan, để có gạo sạch, nông sản sạch phải bắt đầu từ cái tâm, bởi “gạo ngon từ đất – gạo chất từ tâm”. Ông Hoan cho rằng như thế mới xây dựng được lòng tin từ người tiêu dùng, cùng đẩy lùi nông sản bẩn...

Không phải ngẫu nhiên mà trước khi chủ trì Hội nghị giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL ngày 15-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã… lội đồng, gặp nông dân và lắng nghe câu chuyện của Tập đoàn Lộc Trời. 

Nguyên nhân là do cách đi đúng hướng của nông dân, DN nơi đây, nhất là trong việc dày công xác lập mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giá trị kinh tế cao trên cơ sở phát huy những thành tựu của khoa học công nghệ; thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần củng cố vị thế hàng đầu của hạt gạo Việt trên thế giới. 

Người đứng đầu Tập đoàn này – Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn kể đội ngũ khoảng 1.300 kỹ sư của DN đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với khoảng 40 nghìn nông dân; từng bước chuyển giao công nghệ để nông dân làm chủ mô hình sản xuất gạo hữu cơ, gạo sạch, gạo chất lượng cao; hình thành vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị lúa gạo.

Nhóm PV
.
.
.