Bứt phá từ chính “luống cày cũ” (!)
- Chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam
- Lúa gạo Việt Nam chuyển mình với Đề án tái cơ cấu 7.000 tỷ đồng
Kỳ 1: Đằng sau ngôi vị “cường quốc”
Sau hơn 30 năm đổi mới, ngành lúa gạo Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng; hạt gạo Việt hiện đã có mặt tại 150 nước, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đứng trước thời điểm khó khăn nhất. Tại ĐBSCL, nơi cung cấp trên 90% lượng lúa gạo phục vụ XK, giúp Việt Nam nhiều năm “ngự trị” ở vị thế “cường quốc thế giới” về XK gạo, điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn xảy ra triền miên; hầu hết nông dân – chủ thể chính của nền nông nghiệp, vẫn còn nghèo.
Đất nước đang vào công cuộc đổi mới lần hai như là một mệnh lệnh. Hòa vào làn gió của cuộc đổi mới lần này, tranh thủ ứng dụng công nghệ cao vào đồng ruộng, nông dân nên bắt đầu một cuộc cách mạng trên chính “luống cày cũ”, góp phần xác lập nền nông nghiệp tri thức mà ở đó, hạt gạo và chủ thể trực tiếp làm ra nó được nâng tầm…
Ngồi cạnh đống lúa của vụ Đông – Xuân vừa mới thu hoạch, còn chưa kịp đổ vào bao, Sơn Nưl – người có hơn 50 năm gắn bó với ruộng đồng tỉnh Sóc Trăng nhớ lại những ngày ông khăn gói tìm đến các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang để học cách trồng lúa hiệu quả dù biết rằng “ruộng mình chẳng giống ruộng người”. Lão nông người Khmer gần 70 tuổi này đúc kết: “Càng ngày, làm ruộng càng khó”.
Ông kể nắng hạn, nước mặn xâm nhập sâu thời gian qua làm nông dân bị thiệt hại nhiều. Lúc gieo hạt thì lo chuyện sâu bọ và thời tiết thất thường. Đến khi thu hoạch thì lại lo giá, lo tìm người bán. Xong vụ, trừ mọi chi phí từ giống, nhân công làm đất, sạ lúa, phun thuốc, bón phân, gặt, tiền mua thuốc trừ sâu, phân bón, nhiên liệu, nhà nông còn chẳng bao nhiêu.
Sản xuất lúa gạo còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt. |
Sơn Nưl ứa nước mắt khi nhớ lại chuyện gần 20 năm trước, người vợ đồng cam cộng khổ với ông trên đồng ruộng, bị bệnh hiểm nghèo ra đi đột ngột, để ông vất vả cảnh gà trống nuôi 4 đứa con. Giờ không còn sức làm những việc nặng nhọc trên đồng do cơn tai biến nhẹ hai năm trước nhưng Sơn Nưl vẫn quyết giữ đất bởi “nghề nông đã ăn vào trong máu”.
Đội cái nắng tháng ba đánh đường nước mặt ruộng, chuẩn bị xuống giống vụ Hè - Thu sớm, ông Lê Minh Bào (49 tuổi, ngụ ấp Hoà Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) lộ vẻ băn khoăn trước sự bất thường của “ông trời”.
“Vụ rồi tôi làm giống IR50404 mỗi công (1.000 m²) được 35 giạ (giạ = 20kg), xong bán được 4.200 đồng/kg, trừ hết chi phí, 5 công còn được hơn 7 triệu đồng. Vụ tới này ráng 30 giạ là may lắm rồi”, ông Bào nói.
Theo lời ông Bào, phải đi làm thuê như vợ chồng ông vẫn còn may; nhiều người đất ít, làm không đủ sống đã phải sang bán, cầm cố rồi xa quê tìm kế sinh nhai. “Mỗi người mỗi cảnh khổ”, ông Bào nói.
Lão nông Đặng Minh Hoàng kể: “Đầu vụ, tôi mua thiếu giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Chủ cửa hàng vật tư cho nợ tới ngày thu hoạch mới trả với mức lãi 4-6%. Nếu chai thuốc mua tiền mặt là 38.000 đồng nhưng mua thiếu, xong vụ phải trả 45.000 đồng; bao phân 500.000 đồng thì đến vụ phải trả 560.000 đồng hoặc cao hơn, tuỳ theo hợp đồng với họ”.
Còn chuyện bị ép giá, ông Hoàng kể thường 20 ngày trước thu hoạch, thương lái đến đặt cọc 200.000 đồng/công. Đến ngày gặt, nếu lúa xuống giá khoảng 10.000 đồng/giạ thì thương lái bỏ cọc hoặc mua giá thấp hơn, còn khi giá lên thì thương lái hưởng, chứ không tăng tiền cho chủ ruộng. “Cứ như vậy hoài nên nhiều vụ liền tui chỉ chịu huề tới lỗ. Nhà nào làm dưới 1ha thì không đủ sống. Tui nuôi con học đại học nên dù nhịn nhụt vẫn luôn thiếu trước hụt sau” - ông Hoàng nghẹn ngào.
Nông dân lam lũ ngoài đồng nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. |
Khi rảo qua vùng trồng lúa trọng điểm của nhiều tỉnh, thành ĐBSCL, PV Báo CAND ghi nhận hình ảnh đáng ngại, đó là các vật dụng, chai lọ, bao bì các nhãn thuốc trừ sâu nằm vương vãi ngoài đồng, kênh mương; nhiều góc chỗ nước đọng ao tù còn bốc mùi thuốc trừ sâu nồng nặc.
Nông dân Trần Văn Kiệt (60 tuổi, ấp Đông Mỹ, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết, sau hơn 2 năm tham gia mô hình “cánh đồng mẫu”, dần thay đổi tập tính sản xuất, trong đó có giảm sử dụng thuốc BVTV nhưng nguồn lợi thủy sản dưới đồng và khu vực lân cận gần như không còn. “Trước đây, đặt vó mỗi đêm tôi được chục ký cá nhưng giờ thì nằm mơ”.
Ông Kiệt cho biết nhiều nông dân vẫn canh tác theo kiểu lạc hậu, thiếu hiệu quả kinh tế, gây ảnh hưởng môi trường. Chẳng hạn như để diệt chuột, có người không ngần ngại dùng thuốc chuột pha vô dầu nhớt cũ rồi đổ dung dịch này xuống mặt nước cả cánh đồng. Bị dính dung dịch vào lông, chuột sẽ chết vì liếm phải thuốc. Còn lượng nước diệt chuột tồn dư, người ta xả thẳng ra kênh rạch.
“Nhiều trường hợp do xài thuốc không đúng liều lượng, thuốc còn tồn dư trong hạt gạo nên sau thu hoạch, thương lái từ chối thẳng thừng vì hạt lúa không thể xay được, bể nát”, ông Kiệt kể.
Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL thời gian qua bộc lộ nhiều dấu hiệu không bền vững, dễ thấy nhất là hiệu quả chuỗi giá trị còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao; chất lượng gạo XK còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%; công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển; nông dân và DN không có hợp đồng tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh. Bên cạnh đó, sản xuất lúa gạo còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt. Ở ĐBSCL, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa được lợi nhuận 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan; 1,5 lần so với Indonesia và Philippines. Nguyên nhân được chỉ ra là do quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, cơ giới hóa khó khăn. Tại ĐBSCL, quy mô sản xuất trung bình của hộ trồng lúa là 1 ha/hộ, có hơn 48% hộ từ 0,5 - 2 ha. Diện tích cánh đồng lớn chiếm chưa được 5% diện tích canh tác lúa. Liên kết trực tiếp nông dân với DN đã hình thành nhưng còn chậm, chiếm chưa đến 4% tổng sản lượng lúa thu hoạch hàng năm. Chính sách đất đai chưa tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích quá trình tích tụ, tăng quy mô sản xuất. Đặc biệt, nông dân – chủ thể chính làm nên hạt gạo đang hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. |