Bộ Tài chính vẫn không làm rõ được cơ sở nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:36
Tăng trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên gấp đôi nhưng Bộ Tài chính vẫn cho rằng, chính sách sẽ không có tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội.

Mặc dù tính toán việc tăng trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên gấp đôi (8.000 đồng/lít) sẽ mang lại cho ngân sách gần 108.000 tỷ đồng, cao gấp 270% con số thu 40.211 của năm 2016, nhưng Bộ Tài chính vẫn cho rằng, chính sách sẽ không có tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội.

Thậm chí sau khi Bộ Tư pháp góp ý rằng, Bộ Tài chính “cơ bản đều cho rằng không có tác động tiêu cực của giải pháp chính sách mới là chưa chính xác”, đề nghị Bộ này có báo cáo đánh giá tác động rõ hơn, nhưng Bộ Tài chính vẫn không làm rõ được gì thêm về cơ sở cho đề xuất này.

Lý do để Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì đã rất rõ: Bộ muốn có thêm dư địa để điều hành công cụ này trong trường hợp hụt thu ngân sách trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo cam kết quốc tế. Tuy nhiên, cơ sở khoa học cho việc đề xuất tăng gấp đôi mức trần lại hoàn toàn không có.

Bộ Tài chính không hề bám theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để tăng thuế môi trường bù lại, mà hoàn toàn ngẫu nhiên lựa chọn mức tối đa là 8.000 đồng/lít.
Đề xuất một thay đổi lớn đối với xăng dầu nhưng Bộ Tài chính chưa có tính toán kỹ càng.

Theo tính toán của Bộ này, nếu thuế xăng ở mức sàn là 3.000 đồng/lít như hiện nay, với sản lượng hơn 7,075 tỷ lít/năm (tạm tính theo sản lượng tiêu thụ xăng dầu của năm 2016), mức thuế ngân sách thu được sẽ là 21.225 tỷ đồng. Nếu thuế ở mức trần là 8.000 đồng/lít, mức thuế thu vào ngân sách sẽ là 56.600 tỷ đồng.

Tương tự, với nhiên liệu bay, mức thuế tương đương theo mức thu sàn/trần lần lượt sẽ là 2.130 tỷ đồng và 4.260 tỷ đồng; đối với diesel lần lượt là 15.607 tỷ đồng và 41.620 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm xăng dầu (trừ etanol) ở mức trần sẽ là 107.948 tỷ đồng.

Con số này trên thực tế sẽ cao hơn, bởi lượng xăng dầu tiêu thụ mỗi năm đều có tăng trưởng. Đáng chú ý là mức thu nếu áp dụng thuế ở mức trần sẽ cao hơn gần 270% so với mức thu năm 2016.

Thu ngân sách tăng là từ chi phí của doanh nghiệp và người dân. Mặc dù mức chi phí này trên lý thuyết sẽ được bù lại từ phần thuế nhập khẩu giảm (hoặc có thể giá giảm...), nhưng Bộ Tài chính đã không hề đưa ra một con số minh họa nào cho sự bù lại đó.

Trong trường hợp xăng sinh học được bổ sung vào đối tượng chịu thuế, mức thuế tối đa, tối thiểu của xăng E5 và E10 bằng 80% và 70% mức thuế tương ứng của xăng khoáng.

Về phần tác động tiêu cực, Bộ này chỉ đưa ra việc “Phát sinh kinh phí nghiên cứu, xây dựng quy định trong Luật”; còn về chi phí của người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, đây mới chỉ là điều chỉnh khung chứ chưa đề xuất tăng mức thuế cụ thể, nên “tác động cụ thể đến kinh tế - xã hội sẽ phụ thuộc vào việc điều chỉnh mức thuế cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định”.

Tuy nhiên, theo 1 chuyên gia, khi luật hóa điều này nghĩa là Quốc hội đã đại diện cho nhân dân trao đi thẩm quyền điều chỉnh trong khung đó cho một cơ quan khác (ở đây là Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Việc điều chỉnh này sẽ gây tác động nhiều chiều đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân, nên đó không thể là một thẩm quyền được trao dễ dàng dựa trên lý luận à uôm là do chưa tăng ngay nên chính sách này không tác động đến kinh tế - xã hội.

Văn bản góp ý của Bộ Tư pháp cũng cho rằng Bộ Tài chính chưa nêu được cơ sở khoa học điều chỉnh biểu khung thuế như hiện nay, nên để đảm bảo tính khả thi của chính sách, đề nghị cần phải có đánh giá tác động theo phương pháp định tính cũng như định lượng.

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính cần nêu rõ tác động của thuế suất này sẽ khuyến khích tăng được tỷ lệ dùng xăng sinh học dự báo trong thời gian tới như thế nào. Riêng về khung thuế, do nó sẽ có tác động lớn đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nên cần phải cẩn trọng trong việc xây dựng chính sách này, cần cân nhắc thêm về lộ trình nâng mức thuế tối thiểu và tối đa cho hợp lý, khả thi (có thể tương ứng với lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế của Việt Nam).

Tuy nhiên, tại văn bản giải trình, Bộ Tài chính không làm rõ thêm được nội dung nào trong các vấn đề Bộ Tư pháp góp ý.

Vũ Hân
.
.
.