Bán mớ, 4kg thịt heo chợ quê chỉ có giá… 100.000 đồng
- Thịt lợn rớt giá vì Trung Quốc ngừng mua
- Chưa xuất khẩu được thịt lợn chính ngạch sang Trung Quốc
- Mở điểm bán thịt giá rẻ giải cứu heo tồn đọng cho nông dân
Chị chủ quầy thịt heo ở góc chợ ngã tư An Định, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) sáng 2-5 cho biết, thịt đùi tại sạp chị bán còn được 35-40 ngàn đồng/kg nhưng thịt nọng mấy ngày rồi đã tuột xuống còn 25 ngàn đồng/kg và cũng giống như nhiều chợ quê khác của Bến Tre, bà con đã chuyển sang bán mớ với giá 100 ngàn đồng/4kg.
So với nhiều địa phương vùng ĐBSCL, tổng đàn heo của Bến Tre không lớn (chỉ khoảng 700.000 con), tập trung nhiều nhất tại huyện Mỏ Cày Nam. Tại nhiều vùng quê của tỉnh này, heo là nguồn thu nhập chính của người dân, cạnh cây chủ lực truyền thống là dừa.
Cũng như tình cảnh chung tại nhiều địa phương khác, người dân nuôi heo của xứ Dừa đang điêu đứng khi giá heo hơi ngày 3-5 chỉ còn 2 triệu đồng/tạ (100kg) trong khi giá thành vẫn ở mức 3,5 triệu đồng/tạ.
Chị chủ quầy thịt heo tại góc chợ ngã tư An Định nói thịt heo đã được bán mớ với giá rất bèo từ nhiều ngày nay. |
Dọc theo QL57, hướng từ thị trấn Mỏ Cày về Thạnh Phú bỗng xuất hiện hiều điểm bán thịt heo mà theo PV tìm hiểu, trước đó họ chính là những người nuôi heo.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Trung – nơi có tổng đàn heo khoảng 19.700 con, xác nhận chuyện “người nuôi heo tự mổ heo đem đi bán” và cho biết thêm sở dĩ bà con mình làm như thế là do giá heo hơi rớt kỷ lục và hiện rẻ nhất thế giới, trong khi giá thịt heo ngoài chợ vẫn chênh lệch nhiều.
“Bán kiểu này, có hôm bà con bán được giá ngang với chủ quầy thịt chuyên nghiệp ngoài chợ nhưng phổ biến hơn vẫn ở mức 25 - 30 ngàn đồng/kg. Và do nôn nóng bán cho xong nên nhiều bà con chấp nhận bán mớ 100 ngàn đồng/4kg”, ông Thanh kể.
Anh Nguyễn Bảo Quốc kể gần nhà anh - chợ Đình, xã Cẩm Sơn, nhiều người dân cũng tự làm heo rồi mớ đem ra chợ bán, mớ chia lại cho bà con chòm xóm.
“Làm vậy mà có lời, bèo nhất cũng được 500 ngàn, trúng hơn thì cũng được 1,5 triệu đồng/tạ”, anh Bảo nói.
Thật ra chữ “lời” mà người dân nhận được từ cách làm này là so với cách bán heo hơi cho thương lái với giá 2 triệu đồng/tạ; còn nếu so với giá thành (để nuôi được con heo 100kg, theo cách bỏ công làm lời, người nuôi phải chi phí khoảng 3,5 triệu đồng - PV), người nuôi vẫn còn lỗ ít nhất 500 ngàn đồng 1 con bởi bình quân con heo 1 tạ sau khi làm xong, chỉ còn khoảng 80kg thịt thương phẩm.
“Đâu phải chỉ ngồi ngáp dài, ngáp vắn ở lề đường, còn phải tranh bán với bạn hàng thịt chuyên nghiệp. Hết buổi nhóm chợ mỗi sáng, nếu còn tồn nhiều thì chuyển qua bán mớ, bán tháo bán đổ. Có trường hợp bị ganh tị bắn thông tin rằng đó là heo bệnh coi như ôm nguyên con!”, anh Hùng, người bán thịt “bất đắc dĩ” gần chợ Thành Thới B, kể thêm.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Tân Trung, do bị nhà máy “siết dữ quá” nên một số đại lý thức ăn thông báo chính sách đặc biệt dành cho “con nợ” - người nuôi heo, chỉ cần trả 80% sẽ được xóa dứt nợ.
“Thời điểm này, người nuôi heo đã thật sự kiệt quệ; sổ đỏ, sổ hồng đều nằm trong ngân hàng hoặc thế chấp vay nóng bên ngoài. Nên chủ đại lý thức ăn có chính sách đặc biệt gì đi nữa cũng khó có thể thu hồi đủ tiền từ người nuôi. Cơn bão tuột giá heo đợt này khiến nhiều nông dân nuôi heo không phải chỉ trắng tay mà còn đối mặt với cảnh ngập ngụa trong nợ nần”, ông Thanh băn khoăn.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Văn Khê, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, dù có thông tin giá heo nhích lên 3 ngàn đồng/kg nhưng giá thực mua từ thương lái tại các vùng quê của Bến Tre vẫn thấp tệ hại, khiến người nuôi lỗ từ 1 - 1,5 triệu đồng/tạ.
“Bến Tre đã ký kết với TP Hồ Chí Minh về truy xuất nguồn gốc thịt heo. Nếu quy trình nuôi theo đúng tiêu chuẩn VietGap, trong đó có cam kết không sử dụng chất cấm (tạo nạc), những cơ sở chăn nuôi 100 con lợn trở lên được ưu tiên tham gia truy xuất nguồn gốc; còn nếu hộ nuôi dưới 100 con chưa được tham gia thì Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện tạo tổ hợp tác, hợp tác xã để thành lập một mã code chung.
Hiện việc này đã triển khai đều khắp các huyện. Đã có nhiều cơ sở giết mổ và người nuôi heo tham gia. Tín hiệu vui chưa trọn vẹn thì cơn bão tụt giá lại diễn ra, kéo dài ngày càng thê thảm. Tình hình thế này chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nuôi heo nói riêng, kinh tế của tỉnh nói chung”, ông Khê bộc bạch.