Thêm nhiều khuyến nghị quan trọng phục hồi kinh tế, thương mại trong đại dịch COVID - 19

Thứ Tư, 18/05/2022, 18:21

Ngày 18/5, Trường Đại học (ĐH) Thương mại tổ chức Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2021 với chủ đề chuyên sâu về "Phát triển kinh tế trong đại dịch COVID- 19", với sự tham gia của các trường đại học, các diễn giả, nhà khoa học và các cơ quan báo chí.

Giáo sư Đinh Văn Sơn, chủ biên Báo cáo Thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2021 cho biết, năm 2021, mặc dù còn vô số những thách thức nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong chiến lược về vaccine phòng COVID - 19, kinh tế Việt Nam vẫn đạt một số điểm nổi bật về tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát; tăng trưởng xuất, nhập khẩu có nhiều khởi sắc ấn tượng; đầu tư phát triển còn nhiều dư địa cho tăng trưởng trung hạn.

Tuy nhiên, Báo cáo chỉ ra, khu vực doanh nghiệp bị tác động nặng nền do đại dịch COVID - 19... Những tác động của đại dịch tiếp tục làm suy thoái kinh tế, là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và làm suy yếu sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

thương mại 1.jpg -0
Đông đảo các diễn giả, nhà khoa học tham dự lễ công bố Báo cáo thường niên về Kinh tế và Thương mại.

Tại Việt Nam, dịch bệnh kéo dài làm kiệt quệ sức lực của nhiều doanh nghiệp trong nước. Có 119.828 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể trong năm 2021. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có tới 54.960 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh để chờ đợi thời điểm thích hợp tìm kiếm cơ hội kinh doanh. 

Về tăng trưởng xuất, nhập khẩu năm 2021 có nhiều khởi sắc ấn tượng, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại đã duy trì sản xuất và xuất khẩu, với tổng kim ngạch kỷ lục là 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020...

Báo cáo cũng dự báo năm 2022, các hoạt động thương mại nội địa, xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ và đầu tư tại Việt Nam đều khởi sắc hơn năm 2021. Các chính sách của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là cơ sở và động lực để đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và kinh tế - xã hội về trạng thái bình thường, dần phục hồi và phát triển".

thương mại 2.jpg -0
Giáo sư Đinh Văn Sơn, chủ biên Báo cáo thường niên giải đáp câu hỏi của các nhà khoa học.

Báo cáo đề ra nhiều giải pháp chính sách để khôi phục kinh tế và thương mại, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách đảm bảo an sinh xã hội như: Tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục; phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chăm sóc tại nhà cho người có nguy cơ hoặc bị nhiễm COVID - 19...

Trả lời báo chí, GS Đinh Văn Sơn cho biết, Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam được nghiên cứu dựa trên những số liệu và minh chứng có chọn lọc từ các tổ chức cung cấp dữ liệu chính thống và tin cậy, khách quan. Đây cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.

Thu Phương
.
.
.