“Mổ xẻ” nguyên nhân hộ nghèo không muốn thoát nghèo

Thứ Hai, 30/10/2023, 13:42

Các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu “Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”.

Ngày 30/10, Quốc hội dành toàn bộ thời gian ngày làm việc để tiến hành phiên giám sát tối cao việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau khi nghe báo cáo của Đoàn giám sát và xem video clip về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường.

điều hành.jpg -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025  được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước (có 48 tỉnh sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). Đây cũng là một nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong thảo luận tại hội trường.

Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu về giảm nghèo cao hơn so với các giai đoạn trước, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững nhưng địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào các “lõi nghèo” khó khăn nhất của cả nước. Do vậy, các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu “Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

“Mổ xẻ” nguyên nhân người dân tái nghèo

Phát biểu tại hội trường, một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là tình trạng tái nghèo. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu  (Bình Định), ngoài nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan là do thiết kế nội dung dự án cấu thành chương trình chưa có dự án cụ thể nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khoẻ người dân ở địa bàn khó khăn.

đb.jpg -0
Các đại biểu tại phiên họp.

Đại biểu phân tích, một nguyên nhân phổ biến gây tái nghèo là gia đình có người ốm đau, thậm chí cả họ dồn sức, tiền của chăm sóc rồi lại tái nghèo. Các bệnh lý phổ biến như huyết áp, đái đường... cần chăm sóc thường xuyên nhưng nguồn lực y tế cơ sở hạn chế nên tỷ lệ biến chứng rất cao ở các vùng quê nghèo. “Nhà có người bệnh lên thành phố chữa trị là tiền của ra đi, thậm chí phải vay nợ, ra viện về không lao động được lại trở thành gánh nặng cho gia đình chăm sóc” – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh (đồng thời đề nghị, quan tâm việc chăm sóc sức khoẻ người già, trẻ nhỏ để tránh tình trạng như báo cáo giám sát đánh giá là giảm nghèo nhưng chưa được nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cho rằng công tác tuyên truyền chưa tốt, nhận thức người dân còn hạn chế nên có hiện tượng chưa muốn thoát nghèo, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng,  “Người dân chưa muốn thoát nghèo vì từ cách làm đến chất lượng chương trình chưa thực sự làm cho người dân tin, chưa có sự bền vững hoặc tính bền vững chưa cao. Nó là ranh giới, hết chương trình, hết dự án thì nghèo lại hoàn nghèo. Cách làm và chất lượng các chương trình đảm bảo bền vững cao thì người dân không ai muốn quay lại nghèo” – đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Làm thế nào để giảm nghèo bền vững?

“Hiến kế” về việc giảm nghèo bền vững cho người dân, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến khác nhau nhưng đều cho rằng, việc quan trọng là nhà nước có chính sách hỗ trợ thoả đáng, tập trung về cơ sở và có biện pháp tuyên truyền phù hợp.

tạ văn hạ.png -0
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo đó, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, phải tăng cường xây dựng, ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, nhất là cấp tỉnh. “Địa phương tập trung làm nhà ở rồi thì tiền dự kiến cho làm nhà đó cho người ta giải quyết nước sạch, chứ thay đổi một chút lại Trung ương xin điều chỉnh, phê duyệt thì rất mất thời gian, nhiêu khê. Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, chỉ tiêu làm sao đạt được, còn cách làm thế nào để tỉnh chủ động” – đại biểu đề xuất.

Cũng cho rằng cần giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhất trí với việc Đoàn giám sát chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn tới những hạn chế của Chương trình gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành; đồng thời, đề nghị trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thời gian tới cần đặc biệt quan tâm hơn tới việc hoàn thiện cơ chế chính sách bởi hiện nay đang có quá nhiều điểm nghẽn về chính sách do không phù hợp thực tiễn, không thể triển khai được, thậm chí có những chính sách xung đột với nhau về quy định giữa bộ này với bộ khác mà trong báo cáo kết quả giám sát đã nêu rất chi tiết. “Nếu không tháo gỡ ngay thì sẽ không thể tiến hành tiếp Chương trình và các giải pháp còn lại cũng không thể phát huy hiệu quả”  - đại biểu  Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

quang-minh01-1698641602642.jpg -0
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) thì đề xuất cần phát huy kênh bảo trợ xã hội.

Còn đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) thì đề xuất cần phát huy kênh bảo trợ xã hội với những hỗ trợ căn bản nhất để đưa những người nghèo không có khả năng thoát nghèo vào diện này. Vì cứ để trong đối tượng hộ nghèo sẽ làm khó trong quá trình thực thi, thậm chí xảy ra tình trạng miễn cưỡng, hình thức khi xét ra khỏi hộ nghèo trong khi thực sự chưa thoát được nghèo chứ chưa nói đến thoát nghèo một cách bền vững. Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vì khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi, hiệu quả mang lại mới thực sự bền vững và lâu dài.

Còn đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thì cho rằng, việc tăng cường y tế về cơ sở cũng là một trong những biện pháp hạn chế tái nghèo vì có được khám chữa bệnh kịp thời tại cơ sở mới giảm được bệnh tật, tránh phải đi lên tuyến trên tốn kém…

Phương Thuỷ
.
.
.