Kiểm toán về việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19: Phải đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch

Thứ Năm, 20/01/2022, 08:07

Ngày 19/1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức hội thảo để lấy thêm ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhất là ý kiến của các lực lượng tuyến đầu chống dịch về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương thức tổ chức cuộc kiểm toán nhằm hoàn thiện Đề cương, trước khi trình Tổng KTNN ban hành.

Những bất cập về hàng hỗ trợ

Mở đầu buổi hội thảo, TS Vũ Văn Họa, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN), cho hay, mục tiêu cuộc kiểm toán nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, nhằm báo cáo kịp thời với Quốc hội, Chính phủ, thông tin kịp thời cho công luận và xã hội. Việc kiểm toán được tiến hành tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và các bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...

Tuy nhiên, chuyên đề này không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại tất cả các đơn vị. Nội dung này, theo ông Vũ Văn Họa, do Thanh tra chính phủ thực hiện. KTNN chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị. Ông Họa cho biết, Thanh tra Chính phủ ngày 19/1 cũng công bố tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế tại Bộ Y tế và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 16/1, Thanh tra Chính phủ và KTNN đã thành lập một ban chỉ đạo để thống nhất nội dung triển khai, tránh sự trùng lắp.

Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đặc biệt lưu ý việc kiểm toán cần đặt trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc", với nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ. Do đó, theo ông Cường, kiểm toán cần làm rõ sai phạm do yếu tố khách quan trong bối cảnh chống dịch và các sai phạm có yếu tố trục lợi.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH, cho hay, dịch bệnh diễn biến bất ngờ, phức tạp, công tác phòng, chống dịch hết sức cấp bách, với nhiều cơ chế, chính sách ban hành khác quy định và chưa có tiền lệ. Vì vậy, kiểm toán cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh bất thường, đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng, minh bạch, làm rõ hiệu quả các cơ chế chính sách cũng như làm rõ xem có việc cài cắm, trục lợi hay không.

Theo Bộ Tài chính, năm 2021, cả nước đã huy động được gần 145 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch, trong đó có 125.450 tỷ từ NSNN; 19.247 tỷ huy động từ đóng góp của các tổ chức, DN, cá nhân trong và ngoài nước. Các quốc gia tổ chức cũng tài trợ, đóng góp nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, kít test xét nghiệm,... Cái khó hiện nay, ông Nguyễn Xuân Lựu, Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội, chỉ ra rằng, cần có cơ chế để định mức, định giá hiện vật thuộc sở hữu toàn dân. Ông cho hay, rất nhiều tổ chức, DN cá nhân ngoài tiền mặt còn hỗ trợ trang thiết bị - điều mà các địa phương mong muốn để đỡ phải mua, tránh sai sót khi bị thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, vấn đề là giá xác định tài sản viện trợ này theo giá của nhà tài trợ hay giá của nhà sản xuất, vì việc hạch toán sẽ ảnh hưởng liên hoàn sau này. Như Hà Nội tiếp nhận 39 xe ôtô, mỗi đơn vị tài trợ có mức giá khác nhau. Rồi kít test, vật tư, dịch phẩm thì có xác nhận sở hữu toàn dân không? Ngoài ra, một số DN đã tài trợ bằng tiền, sau đó thay đổi muốn rút ra mua hiện vật để hỗ trợ thì nội dung này cũng cần được quy định cụ thể.

kt.jpg -0
Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại tất cả các đơn vị. Ảnh minh họa

Không quá lo ngại về sự chồng chéo, trùng lắp

 Về phía Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nói rằng, một số ý kiến đề nghị Bộ Y tế mua sắm tập trung để đảm bảo tính thống nhất trên cả nước. Do đó, ông đề xuất các địa phương thực hiện mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ”; công khai giá bán, kết quả lựa chọn nhà thầu mua  sắm vật tư; kê khai giá trang thiết bị, đưa một số mặt hàng vào danh mục hàng bình ổn giá.

Trong quá trình thanh tra, kiểm toán, vị Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, các đoàn cần xem xét tính chất khách quan bản chất của sự việc. Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nêu một số khó khăn mà ngành Y tế gặp phải trong giai đoạn cao điểm chống dịch COVID-19. Thực tế vừa qua, có thời điểm dịch bùng phát khiến số lượng bệnh nhân điều trị COVID-19 tăng mạnh nên ngành Y tế không đủ nhân lực, thời gian để bóc tách chi phí…

Bộ Y tế đã kiến nghị Bộ Tài chính cho phép Bộ được sử dụng ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện để trả số tiền trên, thu về một đầu mối, tránh chồng chéo. Khép lại hội thảo, ông Vũ Văn Họa thừa nhận, đây là chuyên đề khó, dự kiến không có trong kế hoạch kiểm toán của ngành trong năm 2022.

Việc tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 cùng cùng thời điểm với Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc mua sắm thiết bị, kít xét nghiệm tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, theo ông Họa, để hai bên sớm thống nhất, đưa ra các nhận định, như đặt nội dung kiểm toán vào thời điểm nào, vận dụng theo quy định pháp luật ra sao,... cho phù hợp. Các đơn vị được kiểm toán cũng không quá lo ngại về sự chồng chéo, trùng lắp hay thời gian kiểm toán.

Đặng Nhật
.
.
.