Hoàn thiện pháp lý, chủ động ứng phó thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh

Thứ Tư, 26/10/2022, 14:52

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra

Chiều 26/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Nhiều biện pháp chưa được luật định nhưng phát huy hiệu quả

Trình bày tờ trình, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn. Cụ thể: Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các cấp độ về phòng thủ dân sự làm cơ sở để xác định các biện pháp ứng phó. Thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thời gian qua, nhất là đối với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, quy mô lớn cho thấy nhiều biện pháp đã được quy định nhưng chưa đủ, chưa phù hợp và hiệu quả.

Hoàn thiện pháp lý, chủ động ứng phó thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh -0
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình.

"Nhiều biện pháp chưa được pháp luật quy định nhưng do yêu cầu cấp thiết đã được áp dụng và phát huy hiệu quả, như: giãn cách xã hội, bắt buộc sơ tán người, tài sản để bảo đảm an toàn, lực lượng phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nguồn lực, chính sách an sinh xã hội, khôi phục kinh tế...", Bộ trưởng Phan Văn Giang dẫn chứng. Thực tiễn cũng đòi hỏi phải có những biện pháp có tính chuyển tiếp trước khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp (giai đoạn tiền khẩn cấp) cần được luật hóa để có cơ sở pháp lý và thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Ngoài ra, một số loại thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh có diễn biến nhanh, đòi hỏi phải huy động lực lượng và tổ chức ứng phó kịp thời, khẩn trương; những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng chuyên môn của cơ quan trong các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, quy định về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của lực lượng chuyên trách, của chính quyền chưa thực sự rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Từ các lý do nêu trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra. Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 71 điều.

Xác định rõ cấp độ phòng thủ phù hợp để kích hoạt được ngay khi cần

Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) nhất trí về sự cần thiết ban hành với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ; đồng thời cho rằng, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

"Ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22 "Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo" đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là "Xây dựng Luật phòng thủ dân sự". Đây là căn cứ chính trị quan trọng để xây dựng Luật phòng thủ dân sự" - Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới thông tin.

Hoàn thiện pháp lý, chủ động ứng phó thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh -0
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra.

Về cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 21), UBQPAN cho rằng, việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự gồm 4 cấp độ là nội dung quan trọng, nhằm phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố tại các luật chuyên ngành. Chẳng hạn, Luật Phòng, chống thiên tai quy định 5 cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai và được gắn với một màu đặc trưng; Luật Bảo vệ môi trường phân chia thảm họa, sự cố theo cấp hành chính (sự cố cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia); Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm chia theo nhóm bệnh truyền nhiễm (Nhóm A, Nhóm B và Nhóm C); Luật Năng lượng nguyên tử phân thành 5 nhóm tình huống để làm cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó...

Trên cơ sở phân loại cấp độ này để điều chỉnh thống nhất hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố. "Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, làm rõ cơ sở lý luận, pháp luật, thực tiễn và khoa học, quy định cả phạm vi xảy ra thảm họa, sự cố và hậu quả thiệt hại do các tình huống này gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự cho phù hợp, khi cần thiết sẽ vận hành, kích hoạt được ngay các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng, có tính khả thi", Chủ nhiệm UBQPAN nêu.

Ví dụ, nếu thảm họa, sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ xảy ra ở một địa bàn hẹp (thôn, bản..) thuộc xã, phường hoặc xảy ra trên địa bàn rộng vài huyện, vài tỉnh nhưng gây thiệt hại không lớn thì xác định cấp độ phòng thủ dân sự nào cho phù hợp...

Quỳnh Vinh
.
.
.