Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở huyện đảo Trường Sa

Hiện thực hoá các luật, nghị quyết của Quốc hội bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế, xã hội (Bài cuối)

Thứ Tư, 29/11/2023, 07:12

Lời Toà soạn: Kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội khoá XV diễn ra sôi nổi với nhiều phiên chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành, được cử tri cả nước quan tâm, trong đó, các đại biểu thay mặt cử tri đã chất vấn những vấn đề liên quan đến triển khai các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo dựng môi trường hoà bình để phát triển đất nước để giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm ANTT.

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà đã trả lời phỏng vấn Báo CAND về những đổi thay trong phát triển kinh tế, xã hội, cũng như vai trò của chính quyền huyện đảo trong giải đáp những kiến nghị của cử tri; đồng thời là cầu nối phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, HĐND. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

truong sa 2 b.jpg -0
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa với các cháu học sinh ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. 

PV: Thưa Chủ tịch, mỗi kỳ họp Quốc hội thì cử tri ở huyện đảo Trường Sa quan tâm đến các kỳ họp thế nào và kỳ vọng gì ở các kỳ họp?

Chủ tịch Lê Đình Hải: Cử tri huyện Trường Sa rất quan tâm tới kết quả của các kỳ họp. Diễn biến, kết quả của các kỳ họp được các cử tri theo dõi qua hệ thống truyền hình, truyền thanh, qua các báo cáo, tài liệu và các buổi tiếp xúc cử tri. Cử tri huyện Trường Sa luôn bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động của Quốc hội và điều hành của Chính phủ; bày tỏ phấn khởi, đánh giá cao về sự tích cực, trách nhiệm, hoạt động có hiệu quả của Quốc hội tại các kỳ họp. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã kịp thời phản ánh nguyện vọng của cử tri, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân và dân huyện đảo. Cử tri huyện Trường Sa luôn kỳ vọng vào Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn nữa để huyện đảo ngày càng vững mạnh, xây dựng Trường Sa “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về tình quân, dân”.

PV: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri và nhân dân tới Quốc hội và HĐND ở huyện đảo thường tập trung vào vấn đề gì và họ có đóng góp thế nào trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND?

Chủ tịch Lê Đình Hải: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri Trường Sa luôn quan tâm đến kết quả hoạt động của Quốc hội, kiến nghị một số vấn đề như các chính sách, thu hút nhân lực đến công tác tại huyện Trường Sa. Ngoài ra, cử tri huyện Trường Sa rất quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường biển và phát triển bền vững cho huyện đảo trong tương lai; kiến nghị hỗ trợ thêm một số trang thiết bị y tế để bảo đảm trong điều trị, phát triển công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho quân, dân huyện đảo.

Cử tri huyện Trường Sa có đóng góp rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND, bởi vì thông qua các buổi tiếp xúc cử tri đại diện lãnh đạo các  cơ quan chức năng, các đoàn ĐBQH, HĐND đã được lắng nghe, tiếp thu và làm rõ các nội dung cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền; đồng thời, tổng hợp các ý kiến đầy đủ chuyển đến các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết trong thời gian tới theo đúng quy định; tiếp tục là cầu nối giữa ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp với cử tri và cơ quan nhà nước. Đây là một trong những hoạt động rất quan trọng, đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp báo cáo kết quả hoạt động của mình, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và nghe cử tri trình bày tâm tư nguyện vọng, kiến nghị về những vấn đề diễn ra tại các địa phương, đơn vị. Đây là hoạt động theo quy định của pháp luật, vừa là hoạt động thực tiễn quan trọng của ĐBQH  và HĐND các cấp.

Bên cạnh đó, thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, đưa ra các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, điển hình như: cần nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị các báo cáo tại mỗi buổi tiếp xúc, cung cấp những thông tin cần thiết cho cử tri trước các buổi tiếp xúc để cử tri nắm rõ những vấn đề cần trao đổi, kiến nghị; giải quyết những vấn đề của cử tri từ cấp cơ sở; nội dung báo cáo trước cử tri phải được các ĐBQH, HĐND chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; cần nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng tổng hợp giải trình, tiếp thu của các đại biểu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

PV: Chủ tịch có thể cho biết, thời gian qua, huyện đảo Trường Sa đã có những giải pháp sáng tạo nào trong tổ chức, triển khai các Quyết nghị của Quốc hội vào cuộc sống, công tác, chiến đấu ở huyện đảo và có đổi mới gì các phương thức hoạt động của HĐND?

Chủ tịch Lê Đình Hải: Trong những năm qua, huyện đảo Trường Sa đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo trong tổ chức, triển khai các Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống. Công tác quốc phòng, an ninh của huyện được chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện; thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển và xây dựng khu vực phòng thủ xã, thị trấn vững chắc. Huyện Trường Sa luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có sức chiến đấu cao, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để giữ vững vùng biển, đảo được giao.

Quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn tích cực học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị, nhiệm vụ, giáo dục tinh thần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến; phát huy tốt vai trò các tổ chức trong giáo dục nhiệm vụ... bảo đảm cho quân, dân huyện đảo luôn nhận thức đúng tình hình, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc, chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.

PV: Thưa Chủ tịch, việc triển khai các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo dựng môi trường hoà bình để phát triển đất nước để giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh, trật tự ở Trường Sa thời gian qua được thực hiện thế nào? Đặc biệt là triển khai các hoạt động để xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế văn hoá, xã hội trên biển của cả nước và là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc?

truong sa 2d.jpg -0
Tác giả (ngoài cùng bìa phải) trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ và người dân trong chuyến đi công tác tại đảo Trường Sa, tháng 1/2023.

Chủ tịch Lê Đình Hải: Với vị thế địa chiến lược của huyện đảo Trường Sa, việc định hướng xây dựng, phát triển huyện Trường Sa thành “Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước” thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn mới của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện mục tiêu này không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp cho nhân dân huyện đảo Trường Sa mà còn cho cả nước. Huyện đảo Trường Sa và vùng biển bao quanh có tiềm năng bảo tồn biển cao, có cảnh quan nổi và ngầm dưới đáy biển của các quần thể rạn san hô rất đẹp với nguồn lợi thủy sản giàu có và đa dạng... Đó là tiền đề cho phát triển các ngành, nghề kinh tế biển dựa vào bảo tồn, như: Du lịch, khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển, điện mặt trời và điện gió ngoài khơi… Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển ngư nghiệp và những ngành nghề kinh tế biển mới cho huyện đảo là một nhu cầu thực tiễn khách quan để đạt được mục tiêu kép: “Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở huyện Trường Sa cần mở rộng và nâng cấp để đạt được “mục tiêu kép”, trong đó cần gắn công trình dân sinh với yêu cầu phòng thủ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn quán triệt sâu sắc về mục tiêu xây dựng huyện đảo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần nghị quyết của Trung ương. Trên cơ sở đó, xác định và phân công trách nhiệm của các ban, ngành và đơn vị của huyện trong việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể; trong đó, nhận diện đúng và tập trung vào các ngành, lĩnh vực và dự án ưu tiên phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của huyện đảo. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống của quê hương cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia, quyết tâm xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trên cơ sở luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trước hết là tập trung cho hậu cần nghề cá; ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trên huyện đảo và củng cố quốc phòng, an ninh trên biển.

Huyện Trường Sa tập trung triển khai và làm tốt các nhiệm vụ, nêu cao ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường, phát huy nội lực, chủ động sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên biển, xử lý đúng đối sách theo đúng quan điểm của Đảng. Thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, giúp đỡ, bảo vệ ngư dân của Việt Nam vươn khơi bám biển.

Có thể thấy rõ Trường Sa hôm nay đang được đổi thay từng ngày, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Quân đội và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Sự “thay da đổi thịt” được thể hiện rõ nét khi các đảo thuộc huyện đảo đã có điện năng lượng mặt trời, các công trình dân sinh, trường học, trạm y tế, bệnh xá, các ngôi chùa, âu tàu, làng chài, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật ở các đảo… giúp bà con làm ăn, sinh sống dài ngày trên biển, trên đảo. Chương trình “Xanh hoá Trường Sa” đã được triển khai trong những năm qua với sự đóng góp, đồng hành của cả nước, đặc biệt của các tỉnh, thành phố, tổ chức chính trị- xã hội, các mạnh thường quân… đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Quân chủng Hải quân triển khai Chương trình nhằm hướng đến phủ xanh toàn bộ diện tích trên các đảo, tạo cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp; đồng thời, tạo nguồn rau xanh, thực phẩm tươi cải thiện, nâng cao đời sống quân và dân trên đảo.

Quân và dân huyện đảo đang ngày đêm bám biển, bám đảo, tiếp tục phát huy nghị lực, ý chí tự lực tự cường, bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển,  với tinh thần “ Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”; quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Lê Đình Hải!

Anh Hiếu - Duy Bá (thực hiện)
.
.
.