Đổi mới sáng tạo, tìm lối đi riêng để Phú Yên phát triển xanh và bền vững

Chủ Nhật, 03/03/2024, 11:08

Với chủ đề “Phú Yên - Khát vọng phát triển”, Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024 đã được tổ chức tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) sáng nay 3/3 với sự tham dự của hơn 650 đại biểu. Đến dự có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; các bộ, ban, ngành Trung ương cùng một số địa phương và các nhà đầu tư.

Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, tạo ra khung pháp lý cao nhất để định hướng không gian phát triển, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); tỉnh Phú Yên chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học… để hoàn thiện quy hoạch.

Đổi mới sáng tạo, tìm lối đi riêng để Phú Yên phát triển xanh và bền vững -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên và tặng hoa cho Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: BTC

Theo đó, quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023. Đây là cơ sở để tỉnh khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư, huy động nguồn lực, triển khai thực hiện các định hướng phát triển KT-XH nhanh và bền vững.

Quy hoạch tỉnh Phú Yên dựa trên “1 mũi nhọn: phát triển du lịch; 2 hành lang: ven biển Bắc – Nam, Đông - Tây; 3 trụ cột: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch; 4 nền tảng, đột phá: nguồn nhân lực, văn hóa và con người tỉnh Phú Yên, đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối hiện đại, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; 5 nhiệm vụ trọng tâm: huy động nguồn lực; liên kết phát triển, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trên cơ sở đó, Phú Yên hướng đến mục tiêu năm 2030, phát triển hiện đại và bền vững; đến năm 2035 Phú Yên tự cân đối ngân sách và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và là một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung bộ.

Đổi mới sáng tạo, tìm lối đi riêng để Phú Yên phát triển xanh và bền vững -0
Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cùng các nhà đầu tư vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư và bản ghi nhớ cho các nhà đầu tư. Ảnh: BTC

Cùng với việc công bố danh mục hơn 70 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh Phú Yên đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án, chấp thuận điều chỉnh 9 dự án và trao bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư 8 dự án.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng Phú Yên hội tụ đầy đủ các điều kiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, phù hợp xu thế toàn cầu để trở thành một trong những trung tâm về kinh tế biển xanh với các ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp động lực gắn với hệ sinh thái năng lượng xanh. Quy hoạch tỉnh Phú Yên được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt về các nguồn lực tài nguyên và văn hóa, cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, thể hiện khát vọng Phú Yên xanh, thịnh vượng, hạnh phúc.

Đổi mới sáng tạo, tìm lối đi riêng để Phú Yên phát triển xanh và bền vững -0
Một góc đô thị Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thế Phong.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Phú Yên mở ra những cơ hội, không gian phát triển với các trụ cột: kinh tế số, công nghiệp - năng lượng xanh; du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Phú Yên rút kinh nghiệm phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư, cống hiến và trải nghiệm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã chỉ ra 4 nội dung trọng tâm, đề nghị Phú Yên bám sát trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ nhất, với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, Phú Yên cần có tư duy, giải pháp đột phá thu hút, thúc đẩy đầu tư các lĩnh vực luyện kim, lọc, hóa dầu, vận tải biển; kèm với đó là tập trung phát triển hệ thống dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa, kết nối với các đô thị lớn và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Thứ hai, cần triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và huy động của các nguồn lực của nền kinh tế; chú trọng huy động nguồn lực từ quy hoạch thông qua đầu tư phát triển hệ sinh thái  kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ gắn với các công trình hạ tầng hướng tuyến; phát triển các dự án có tính chất động lực, lan tỏa. Chú trọng phát triển kinh tế đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc và có môi trường đáng sống, coi đây là động lực quan trọng phát triển KT-XH nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 06 NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, nhất là dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ để thu hút, giữ chân nhân tài, tạo sức hút hấp dẫn cho lao động.

Thứ ba, để đưa du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần phải đổi mới cách làm, liên kết các ngành dịch vụ phụ trợ; thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển các tổ hợp du lịch đẳng cấp quốc tế; khai thác tiềm năng di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch xanh trong xu thế hội nhập. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong du lịch để quảng bá, hình ảnh, nét đẹp thiên nhiên, văn hóa trên môi trường số. Đặc biệt cần có chiến lược quảng bá “Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” qua điện ảnh, văn học, nghệ thuật và các nền tảng truyền thông đa phương tiện.

Thứ tư, Phú Yên cần chủ động tích hợp các kịch bản thích ứng  trong các quy hoạch; chú trong phát triển hệ thống hạ tầng đa mục tiêu cùng các giải pháp công trình và phi công trình; thực hiện tốt khảo sát địa chất, thủy văn, thiết kế các khu dân cư, công trình hạ tầng… Tăng cường tuyên truyền, bảo vệ, sử dụng hiệu quả các tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản, rừng, cảnh quan; phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản, phòng chống khai thác bất hợp pháp; đẩy mạnh đầu tư bảo tồn, phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái…

         

Hữu Toàn
.
.
.