Bảo vệ người tiêu dùng giữa sự bủa vây của những thông tin giả

Thứ Sáu, 26/05/2023, 12:46

Các đại biểu đề nghị quy định thêm trách nhiệm của các đơn vị chức năng trong bảo vệ người tiêu dùng.

Sáng 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Cần có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu rõ, một trong những vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa. “Trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò to lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch, tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ...” – đại biểu cho biết và nhấn mạnh rằng, giữa sự bủa vây của những thông tin giả, người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người “tiền mất tật mang” vì những thông tin sai lệch.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông về ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch, mạo danh trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ.  

tô văn tám.png -0
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu ý kiến.

Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường, chất lượng, an toàn như đã cam kết theo quy định. Nữ đại biểu này cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0 của thế giới phẳng, việc giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số, qua không gian mạng là tất yếu. Với thực trạng hiện nay, tình trạng quảng cáo cũng như các vấn đề liên quan đến quảng cáo trên các nền tảng số, dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định có liên quan kịp thời và phù hợp. 

huỳnh thị phúc.png -0
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu quan điểm tại phiên thảo luận.

Quy định rõ ràng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá

Phát biểu nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho rằng, trong thực tế, việc xử lý các hành vi lừa dối người tiêu dùng còn bất cập; đề nghị quy định cụ thể tiêu chí đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không, dựa trên khả năng nhận thức, nhận dạng của người tiêu dùng thông thường. Cụ thể, cần quy định rõ phương pháp xác định dựa trên thời gian, phương thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, mức độ sai lệch, thiếu sót của thông tin so với thực tế, mức độ ảnh hưởng của thông tin sai lệch hoặc thiếu sót dẫn đến quyết định của người tiêu dùng.

thu phước.png -0
Đại biểu Trần Thị Thu Phước phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cũng nêu ý kiến, luật sửa đổi lần này cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại…

Đại biểu nhấn mạnh, nước ta đang phấn đấu trở thành một nước văn minh. Để đạt được điều đó, cần rất nhiều yếu tố như nguồn lực văn hóa, con người, pháp luật. Theo đại biểu, hai luật có tác động trực tiếp nhất, thúc đẩy để nước ta trở thành một nước văn minh đó là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, hành vi đi lại và hoạt động kinh doanh, mua bán, ăn uống, vui chơi giải trí được thực hiện thường xuyên nhất. Tại các nước văn minh phương Tây, họ rất tôn trọng quyền cá nhân. Tại nước Nhật, họ xem việc không làm phiền toái đến người khác như một nét văn hóa đặc trưng. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng bị người khác chen lấn khi sử dụng dịch vụ; ăn mặc, nói năng không phù hợp; đem theo vật nuôi, có hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục. 

cảnh bđ.png -0
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, người tiêu dùng đều được bảo vệ quyền lợi như nhau.

“Có lẽ ai cũng gặp phải nhiều lần vấn đề này dù không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ, chức vụ, điều kiện kinh tế. Nhiều người tiêu dùng nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế. Nhưng những người tiêu dùng khác cũng là thượng đế và được bảo vệ quyền lợi”, - đại biểu nói và cho rằng, Hiến pháp và quy định pháp luật hiện hành cũng quy định mọi công dân có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Đại biểu đoàn Bình Định đề nghị dự luật quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác.

Phương Thuỷ
.
.
.