Nhật Bản và tham vọng J.League hóa của CLB Sài Gòn

Thứ Bảy, 27/02/2021, 09:45
Trong những ngày V-League tạm hoãn, thông tin CLB Sài Gòn gửi hai cầu thủ sang Nhật Bản thi đấu tạo ra sức hút kỳ lạ. Tham vọng J.League hóa của Chủ tịch Trần Hòa Bình (bầu Bình) đang được thực hiện một cách bài bản và đầy hứa hẹn.

Bước đi tiên phong

Sau khi công bố kế hoạch đưa Cao Văn Triền và Trần Danh Trung sang Nhật Bản khoác áo CLB Ryukyu, Chủ tịch Trần Hòa Bình thường xuyên nhắc lại tham vọng “J.League hóa” và khẳng định CLB Sài Gòn đang đi tiên phong, đi tắt đón đầu ở V-League.

Không phải đến bây giờ, người ta mới nhìn thấy sự tương đồng giữa cầu thủ Việt Nam và cầu thủ Nhật Bản. Các cầu thủ Việt Nam cũng ít khi có lợi thế thể hình, nhưng bù lại là sự chăm chỉ, khéo léo và có tốc độ tốt như cầu thủ Nhật Bản - cho dù đẳng cấp và trình độ thấp hơn một bậc.

CLB Sài Gòn có thể trở thành thế lực mới của V-League nếu chiến lược “J.League hóa” thành công.

Sự tương đồng dễ thấy đó có thể giúp cầu thủ Việt Nam tăng thêm khả năng thích nghi, tỏa sáng khi sang Nhật Bản thi đấu ở một cấp độ phù hợp. Với bầu Bình, ở đây là J.League 2, tương đương giải hạng Nhì Nhật Bản.

Tuy nhiên, Cao Văn Triền không phải người đầu tiên đến J.League 2. Trước đây, hai ngôi sao của HAGL, Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Tuấn Anh từng chơi cho Mito Hollyhock và Yokohama theo dạng cho mượn. Cho dù không thành công, họ vẫn là những cầu thủ Việt Nam đầu tiên thử sức ở Nhật Bản. Vậy, bước đi tiên phong mà bầu Bình và Cao Văn Triền nhắc đến có ý nghĩa gì?

Đầu tiên, cần làm rõ phương thức chuyển nhượng cầu thủ trong các thương vụ này. Nếu như Công Phượng, Tuấn Anh được Mito Hollyhock, Yokohama chiêu mộ vì sức hút của bản thân họ thì Cao Văn Triền cũng như Trần Danh Trung đi Nhật Bản theo dạng du học đúng nghĩa. Nói cách khác, Văn Triền và Danh Trung (nếu đi) sẽ được CLB Ryukyu đảm bảo số lượng trận đấu, thời gian thi đấu nhất định, theo thỏa thuận cụ thể của đôi bên. Nó khác hoàn toàn một vụ chuyển nhượng thông thường, và đương nhiên không mang đậm tính thương mại như Mito Hollyhock hay Yokohama đã làm.

Ở đây, CLB Sài Gòn mới là người “cầm đằng chuôi”. Không phải CLB Ryukyu chọn cầu thủ họ muốn có mà ngược lại, CLB Sài Gòn được chọn người họ muốn phát triển. Đó là sự khác biệt rất lớn.

Một yếu tố nữa trong sự tiên phong của CLB Sài Gòn là chia sẻ “học bổng”, trao cơ hội cho cầu thủ tài năng ở các CLB khác. Trần Danh Trung của CLV Viettel được chọn theo định hướng này. Đáng chú ý, cả Cao Văn Triền và Trần Danh Trung đều không thực sự là ngôi sao của bóng đá Việt Nam hiện nay. Văn Triền dù xuất sắc, nhưng anh chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự ít được người hâm mộ chú ý. Trong khi đó, Danh Trung mới tròn 20 tuổi và chủ yếu xuất hiện ở các giải trẻ.

Cách làm của CLB Sài Gòn tạo ra cú hích rất lớn cho các cầu thủ, đặc biệt là các cầu thủ trẻ. Cơ hội xuất ngoại, đến giải đấu hàng đầu châu lục sẽ đến với bất cứ ai, miễn là họ có tài năng và chí tiến thủ. Đó là điều mà chưa CLB hay ông bầu nào từng làm trong quá khứ.

Tham vọng “J.League hóa”

Đưa cầu thủ sang Nhật Bản du học chỉ là một phần trong tham vọng “J.League hóa” của bầu Bình với CLB Sài Gòn. Song song với đó, ông đã mời một loạt chuyên gia nổi tiếng ở Nhật Bản về sân Thành Long làm việc. Mới nhất là việc bổ nhiệm cựu Giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Nhật Bản, Masahiro Shimoda làm HLV trưởng thay ông Vũ Tiến Thành.

Khi còn làm việc cho JFA, công việc chính của ông Masahiro Shimoda là sàng lọc tài năng, theo dõi và phát triển họ. Đây vừa hay cũng là điều mà CLB Sài Gòn đang chú trọng. Cao Văn Triền sẽ có thêm 4 tháng làm việc với ông Masahiro Shimoda để làm quen với bóng đá Nhật Bản (văn hóa, khối lượng tập luyện, lối chơi) trước khi khởi hành sang CLB Ryukyu. Đó là bước đệm giúp Văn Triền có thêm cơ hội thành công ở J.League 2, đồng thời cho thấy kế hoạch chỉn chu của CLB Sài Gòn.

Đến lúc này, khó ai có thể nói bầu Bình và ban lãnh đạo CLB Sài Gòn làm việc tùy hứng, giống như cách họ để chủ tịch Vũ Tiến Thành kiêm chức HLV mùa trước, hay thay thế hơn 20 cầu thủ trước mùa giải này.

Trong thời gian tới, CLB Sài Gòn sẽ tiếp tục gửi cầu thủ sang Nhật Bản ở cả các hạng đấu thấp hơn để đào tạo. Bầu Bình rõ ràng không quá ảo tưởng về “gà nhà”. Ông thậm chí nói thẳng J.League 3 mới là hạng đấu phù hợp nhất với các cầu thủ Việt Nam hiện tại. Ngay cả với Văn Triền, Danh Trung, nếu không chơi tốt ở J.League 2, bầu Bình sẵn sàng gửi họ xuống J.League 3 để cải thiện trước khi đưa họ lên hạng cao hơn. Nếu thuận lợi, CLB Sài Gòn hoàn toàn có thể có một bộ khung cầu thủ chất lượng từng thi đấu thực sự ở Nhật Bản trong khoảng 2 đến 3 mùa giải nữa.

Tất nhiên, để nói CLB Sài Gòn sẽ thành công hay thất bại, chỉ có thời gian mới đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Dù vậy, những gì CLB Sài Gòn đang làm cho thấy họ đã có kế hoạch bài bản, chiến lược dài hạn và họ không hề quá lời khi liên tục nhắc về bước đi tiên phong ở V-League hay tham vọng “J.League hóa”.

Tạo điều kiện tốt nhất cho cầu thủ đi du học

Cao Văn Triền không còn trẻ. Tiền vệ này sẽ tròn 28 tuổi trước khi sang Nhật Bản và thời gian thi đấu đỉnh cao của anh không còn quá nhiều. Ở V-League, rất ít cầu thủ có thể duy trì phong độ khi ngoài 30 tuổi. Đi Nhật Bản vì thế là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức với Cao Văn Triền. Không ai biết anh sẽ thành công hay thất bại, và điều gì chờ đón anh vào năm sau. Với một cầu thủ đang ở giai đoạn gần cuối sự nghiệp, nhất là với các cầu thủ Việt Nam, việc lo lắng cho tương lai là điều không tránh khỏi.

Nắm bắt được tâm tư đó, bầu Bình và CLB Sài Gòn đã có những hành động cụ thể để giúp Văn Triền yên tâm đi “du học”, bao gồm từ việc lớn như ký hợp đồng trọn đời với tiền vệ này, tăng lương, cấp nhà, cấp xe cho anh bên Nhật Bản cho đến việc nhỏ như thay đổi giáo án, chế độ dinh dưỡng giúp anh cải thiện thể lực.

“Tôi vừa ký hợp đồng trọn đời với CLB. Điều đó giúp tôi an tâm tập luyện, thi đấu và cống hiến. Dù sau này giải nghệ, tôi cũng theo con đường huấn luyện ở CLB Sài Gòn”, Văn Triền nói với báo giới. “Còn hiện tại, CLB đã bố trí giáo án riêng và chế độ dinh dưỡng đặc biệt để tôi cải thiện thể lực. CLB cũng sắp xếp cho tôi giáo viên dạy tiếng và văn hóa Nhật Bản để tôi không bỡ ngỡ khi sang đó”.

Đơn Ca
.
.
.