Vì sao Mourinho cần Monchi để thành công tại Manchester United

Thứ Tư, 01/06/2016, 10:02
Nếu bạn có mặt tại sân Stamford Bridge trong nửa sau mùa giải 2015-16 vừa qua, không khó để nhận ra cái tên Michael Emenalo. Vị giám đốc kỹ thuật của Chelsea thường xuyên bị các cổ động viên bêu rếu và kêu gọi từ chức. Thái độ của người hâm mộ rất rõ ràng: Emenalo mới là người phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề tại Chelsea, chứ không phải Jose Mourinho, hay các cầu thủ.

Góc nhìn này của các CĐV Chelsea bắt đầu xuất hiện kể từ thời điểm Jose Mourinho bị sa thải, vào tháng 12-2015. Khi ấy, chính Giám đốc Emenalo đã xuất hiện trên sóng kênh truyền hình của CLB Chelsea và nói về “một mối bất hòa giữa các cầu thủ với HLV”. 

Cesc Fabregas lập tức đáp trả khi khẳng định trên sóng kênh Sky Sports rằng, tất cả các cầu thủ Chelsea đã tận tâm cống hiến cho Mourinho và CLB đến ngày cuối cùng. Các cổ động viên cũng chẳng tin Emenalo. Kể từ đó đến nay, những biểu ngữ kêu gọi Emenalo từ chức xuất hiện đều đặn trên sân đấu và các trang mạng xã hội.

Thế nhưng, Emenalo vẫn không hề bị đụng đến. Lý do rất đơn giản: ông ta là cánh tay mặt của Roman Abramovich. Emenalo như một con rối trong tay tỉ phú người Nga. Sự có mặt của vị giám đốc này chỉ nhằm hiện thực hóa và bảo đảm những chính sách mà Abramovich đưa ra.

Michael Emenalo (trái) đã không hỗ trợ Jose Mourinho một cách tốt nhất tại Chelsea 3 năm qua.

Sự ngoan ngoãn, biết vâng lời này có thể là lý do chính khiến cho Emenalo thăng tiến như diều gặp gió kể từ khi gia nhập Chelsea vào năm 2007. Khi ấy, ông còn đang sống ở Mỹ, làm việc cho Học viện Bóng đá Tucson. Avram Grant – cũng lại là một gương mặt tin cậy của Abramovich – chính là người đã mời Emenalo đến Chelsea. Cựu tuyển thủ quốc gia Nigeria lập tức đồng ý và trở thành một tuyển trạch viên của CLB thành London.

Chẳng bao lâu sau, khi Grant được bổ nhiệm làm HLV trưởng (thay Jose Mourinho) của Chelsea, Emenalo cũng được đôn lên chức trưởng nhóm trinh sát. Cuối mùa năm ấy, Abramovich cho Grant ra đi, nhưng khi ấy Emenalo đã là một nhân vật thân tín của ông chủ người Nga. Chính Abramovich đã giới thiệu Emenalo làm trợ lý cho Carlo Ancelotti vào năm 2010. Một năm sau, Emenalo nhảy vọt lên chức giám đốc kỹ thuật của Chelsea.

Trong vai trò này, Emenalo đã đáp ứng gần như toàn bộ những mong muốn mơ hồ của Abramovich: mang về thật nhiều tài năng trẻ, đầu tư thật lớn vào công tác đào tạo cấp học viện. Nhưng điều cốt lõi mà Abramovich bỏ quên, còn Emenalo cũng chẳng để ý là liệu các cầu thủ ấy có phù hợp với đội một hay không?

Trong khi Mourinho đòi hỏi có những cầu thủ đóng góp ngay cho đội một Chelsea, thì Emenalo chỉ mải mê tìm kiếm những tài năng trẻ. Lần duy nhất ông thực sự đáp ứng nhu cầu cầu thủ của Mourinho là vào hè 2014, sau một năm trắng tay của CLB. Nhưng chỉ ngay sau đó, khi Chelsea vô địch Premier League, Emenalo lại “phủi tay” với Mourinho và cho rằng đội ngũ của The Blues không cần cải thiện, mà chỉ cần được duy trì. Bất đồng đẩy lên thành mâu thuẫn, mối quan hệ giữa Emenalo và Mourinho vỡ vụn.

Không bất ngờ khi ngay trong ngày đầu tiên chính thức làm việc tại Manchester United, một tin đồn liên quan tới Monchi lại xuất hiện. Monchi, tên đầy đủ là Ramon Rodriguez Verdejo, là một trong những nhà chuyên môn được kính nể nhất châu Âu hiện tại. Ông hiện là giám đốc kỹ thuật của Sevilla. Trong 10 năm qua, chính Monchi được coi là tác nhân mang tới 9 danh hiệu cho đội bóng áo trắng nước Tây Ban Nha. Cũng chính vị giám đốc này là người trực tiếp giúp Sevilla sở hữu những tài năng lớn như Dani Alves, Sergio Ramos, Jose Antonio Reyes, Freddie Kanoute, Julio Baptista, Ivan Rakitic, Enzo Maresca...

Nhà báo uy tín Graham Hunter mô tả Monchi một cách ngắn gọn rằng: “đó là người làm nên Sevilla mà chúng ta biết tới”. Không hề quá lời. Và giờ, Mourinho muốn Man United đưa Monchi về sân Old Trafford để làm việc với ông.

Monchi sẽ mang tới những gì? Một sự thanh lọc nhân sự kỹ thuật. Những cải tổ và cải tiến cho hệ thống đào tạo trẻ. Những bản hợp đồng chuyển nhượng phù hợp. Và quan trọng hơn cả, Monchi hiểu thành công chỉ đến nếu ông gắn bó chặt chẽ với ban huấn luyện. “Công việc của tôi là tạo điều kiện tốt nhất cho các HLV, qua đó mang đến vinh quang” – đó là khẳng định của chính Monchi vào tháng 1 vừa qua.

Bóng đá hiện đại đề cao vai trò của giám đốc kỹ thuật, đơn giản bởi các HLV trưởng không còn đủ thời gian để bao quát toàn bộ các vấn đề tại đội bóng nữa. Rafael Benitez là HLV hiếm hoi vẫn giữ mong muốn toàn quyền, và chức danh phải là “manager” (nhà quản lý). Phần lớn còn lại là những “head coach” (trưởng ban huấn luyện), và đi liền với họ là một giám đốc kỹ thuật.

Bayern Munich nổi tiếng với Matthias Sammer. Borussia Dortmund có Michael Zorc. Andoni Zubizarreta đứng sau thành công của Barcelona 2 năm qua. Juventus có thể tin tưởng Fabio Paratici.

Và điều đáng nói nhất là gì? Sau khi nhận lời dẫn dắt Chelsea, HLV Antonio Conte đã yêu cầu bổ nhiệm một giám đốc kỹ thuật mới, thậm chí giới thiệu Walter Sabatini – người đang là giám đốc kỹ thuật của AS Roma – vào vai trò này. Có lẽ, ở đâu đó, Jose Mourinho đang mỉm cười, còn Michael Emenalo thì run rẩy.

Tranh nhau... giám đốc

Sau khi Monchi khẳng định muốn rời khỏi Sevilla để tìm kiếm thử thách mới, hàng loạt CLB tại Anh đã đánh tiếng mời ông. Trong đó phải kể tới Liverpool và Tottenham Hotspur. Hai CLB này đều đã chia tay giám đốc kỹ thuật cũ và thực sự mong muốn tìm kiếm những nhân tài cho vai trò quản lý này. Nhưng khi họ đều chưa thể thuyết phục Monchi thì Manchester United đã bước vào.

Đây không phải trường hợp duy nhất được “giành giật” trong thời gian qua. Tại Đức, Christian Heidel cũng rất được quan tâm. Heidel cũng được coi là một nhà chiến lược đại tài. Chính ông là người đã trình làng những tên tuổi huấn luyện trẻ và tài năng như Juergen Klopp hay Thomas Tuchel. Mới đây, ông đã nhận lời về Schalke 04, và dù còn chưa chính thức làm việc, Heidel đã kịp ghi dấu ấn khi giúp Schalke chiêu mộ thành công Naldo – đội trưởng của Wolfsburg.

Dũng Lê
.
.
.