Về hội làng xem bóng chuyền đỉnh cao

Thứ Tư, 24/02/2016, 07:58
Hội làng thông Ninh Giang (Ninh Hiệp, Hà Nội) được xem là một trong những giải bóng chuyền hội lang cuối cùng mà các đội nổi tiếng góp mặt trước khi bước vào tập luyện cho giải đấu đỉnh cao. Giải diễn ra các ngày 23, 24-2 và chỉ cần chậm chân tới muộn thôi, người xem không thể chen chân giành một chỗ đứng theo dõi.


Hội còn vui hơn giải quốc gia

Từ những ngày sau Tết tới giờ, nhiều giải bóng chuyền hội làng ở miền Bắc đã tổ chức. Tính chất từng giải khác nhau nhưng chung một điểm là thưởng cao và người xem đông đảo, còn cầu thủ có thể được cầm tiền luôn tận tay. Vào giải theo dõi, khán giả dễ gặp ngay những tấm băng rôn to treo trước sân đấu chính nhằm quảng bá nhiều CLB tên tuổi góp mặt. Tất cả họ đều là CLB tiếng tăm nhất nhì của nữ như Thông tin lienvietpostbank, Ngân hàng Công Thương hay về nam là Tràng An Ninh Bình, Biên phòng, Thể Công, Sanest Khánh Hòa...

Đội nổi tiếng góp mặt, đồng nghĩa là cầu thủ tên tuổi không thiếu. Trên sân bóng hội làng Ninh Giang (Ninh Hiệp), khán giả ngồi sát vạch được tận mắt thấy những Phạm Thị Yến, Hà Thị Hoa, Đinh Thị Trà Giang, Nguyễn Linh Chi, Phạm Kim Huệ (nữ) và Nguyễn Hữu Hà, Ngô Văn Kiều, Từ Thanh Thuận ra sức đập bóng. Điều ấy, chỉ những người vào nhà thi đấu trong các giải vô địch quốc gia mới được chứng kiến.

Cũng chính vì sức hút ấy, mức thưởng của hội làng rất cao. Có giải, thưởng lên tới trăm triệu đồng. Như giải ở Ninh Giang (Ninh Hiệp) vẫn luôn tạo được tiếng lành đồn xa là thưởng cao nhất nhì lúc này. Năm nay, tấm băng rôn treo danh gần 130 nhà tài trợ lớn nhỏ khác nhau cho giải. Tất cả họ đều là người hâm mộ địa phương sẵn lòng chi tiền thưởng mong xem pha bóng đẹp.

Chức vô địch nữ là 20 triệu đồng còn nam nhận 40 triệu đồng. Tất nhiên, ai cũng biết, khoản trên chỉ là tiền thưởng cố định. Ngay trong từng tình huống thi đấu, khán giả là những người hâm mộ sẵn sàng móc túi đưa tiền mặt vài triệu đồng nếu một cầu thủ đánh chuẩn xác những mốc treo. Do thế, một cầu thủ như chủ công Phạm Thị Yến (Thông tin lienvietpostbank) luôn có được tiền thưởng liền tay không dưới chục triệu đồng (người theo dõi bóng chuyền hội làng vẫn gọi là khoản “thưởng tươi dắt quần” được Mạnh Thường Quân trao ngay sân).

Tính chất hội làng khác bóng chuyền đỉnh cao từ sân bãi cho tới sức hút cổ vũ. Nhưng rõ ràng, không đâu tạo được sự rộn ràng như kiểu sau khi cầu thủ vừa kết thúc chuẩn xác một quả đập ghi điểm từ vạch 3 mét, tiếng loa của ban tổ chức thông báo tạm dừng trận ngay để có người ra thưởng nóng 5 hoặc 10 triệu cho cầu thủ đó.

Trên thực tế, thi đấu hội làng đang mang lại một khoản thu nhập đáng kể với những VĐV bóng chuyền. Nếu thi đấu đủ các giải hội ở miền Bắc từ sau Tết tới hết tháng Giêng âm lịch, một cầu thủ có thu nhập trên dưới 20 triệu đồng. So với thi đấu giải vô địch quốc gia, mức thưởng của một người như vậy là rất đáng kể.

Giải hội làng Ninh Giang (Ninh Hiệp) luôn nức tiếng vì số người cổ vũ đông, thưởng cao.

Đừng sa đà

Có mặt tại giải bóng chuyền hội làng ở Ninh Giang (Ninh Hiệp) ngày 23-2, chúng tôi vô tình bắt gặp chuyên gia người Nhật Bản Koichi Shuto. HLV này từng là HLV trưởng đội bóng chuyền nữ trẻ Việt Nam và bây giờ đang huấn luyện đội nữ Hải Dương.

Lần đầu tới một giải hội làng khá đặc trưng của bóng chuyền miền Bắc, ông Koichi bảo: “Tôi hoàn toàn bất ngờ vì không nghĩ giải hội tính chất phong trào lại thu hút đông tới vậy”. Tuy nhiên, dưới con mắt chuyên môn, vị chuyên gia Nhật Bản bảo rằng, mình hoàn toàn không đồng tình việc VĐV chuyên nghiệp ra thi đấu giải hội như vậy. Điều này dễ hiểu do sân đấu của giải hội làng luôn chỉ là những sân cứng nền xi măng không phải trải thảm trong nhà thi đấu. Mặc khác, thi đấu ngoài trời và theo tính chất hội nên cầu thủ đánh rất tự do không theo kỹ thuật cơ bản. Chấn thương hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Tại Nhật Bản, chúng tôi không có những giải như vậy. Nhưng tôi biết, các giải hội làng bóng chuyền của bạn có mức thưởng cao nên VĐV vẫn góp mặt xem như một nguồn thu nhập. Tại Nhật Bản, giải thưởng ở các giải chuyên nghiệp rất cao nên VĐV tự tin về thu nhập và chỉ tập đúng chuyên môn chuyên nghiệp chứ không thi đấu nhỏ lẻ như thế này”. Vẫn biết đó là điều bất cập nhưng điểm mấu chốt nằm hoàn toàn ở thu nhập VĐV nên nhiều cầu thủ đỉnh cao như Hữu Hà, Văn Kiều, Phạm Thị Yến, Kim Huệ... luôn biết dễ gặp chấn thương nhưng họ vẫn phải bỏ mặc làm ngơ.

Giới chuyên môn từng lên tiếng, cầu thủ dự bóng chuyền giải hội làng không cấm nhưng tránh sa đà để mất đi sự nghiệp lâu dài vì chấn thương không đáng có. Xem ra, để thay đổi từ tư duy tới thực hiện phải từ nhiều phía chứ không thể riêng ở VĐV.

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia sẽ thi đấu tháng 4

Ban tổ chức giải bóng chuyền VĐQG 2016 đã bốc thăm và công bố lịch thi đấu trong ngày 23-2. Năm nay, giải có 10 đội nữ và 11 đội nam. Các đội được bốc thăm làm 2 bảng nam, 2 bảng nữ thi đấu theo thể thức lượt đi – về.

Lượt đi diễn ra từ ngày 2-4 tới 9-4 tại các điểm ở Hải Dương và Yên Bái. Hiện tại, bóng chuyền là môn tập thể được người hâm mộ Việt Nam theo dõi đông đảo thứ nhì sau bóng đá. Mặc dù đã có chia sẻ rằng xem xét về nâng tầm giải thưởng nhưng tại giải năm nay, các đội vô địch (nam, nữ) vẫn chỉ nhận thưởng 100 triệu đồng. Lãnh đạo liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho biết, sau khi rà soát đăng ký VĐV của các đội thì năm nay không có cầu thủ nào bị cấm thi đấu.

Đại diện duy nhất của bóng chuyền CAND tại giải VĐQG 2016 là đội nam Công an TP Hồ Chí Minh. Đây là đội mới thăng hạng và đang do cựu tuyển thủ nổi tiếng một thời Lê Hồng Hảo huấn luyện. 

DP

Diệu Phương
.
.
.