Khi doanh nghiệp hết tiền “chơi” thể thao

Thứ Sáu, 08/01/2016, 08:51
Doanh nghiệp đầu tư làm thể thao rồi vì khó khăn kinh tế hoặc lý do khác đã đứt gánh giữa đường không còn mới ở thể thao Việt Nam. Buồn cho bóng chuyền và tình cảnh chung của thể thao chúng ta, trong ngày 6-1 vừa qua, đội bóng chuyền Đức Long Gia Lai tuyên bố giải thể sau khi doanh nghiệp chủ quản khó khăn kinh tế và hết mặn mà.


Còn đâu động lực

Tính thêm trường hợp của đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai thì trong ba năm trở lại đây, bóng chuyền Việt Nam đã chứng kiến 4 đội bóng do doanh nghiệp đầu tư, quản lý phải giải thể. Trước đội bóng phố Núi, những CLB từng bị giải thể có CLB nam Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, CLB nữ Vietsov Petro, CLB nữ Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương. Bây giờ, Đức Long Gia Lai là trường hợp tiếp theo.

Trong lịch sử bóng chuyền nước nhà, trước 4 cái tên trên, ở những giai đoạn của các năm 1990, nhiều đội bóng do doanh nghiệp quản lý phải giải thể. Điển hình nhất trong số ấy là thương hiệu bóng chuyền nam Seaprodex vang danh một thời. Đội bóng này từng vô địch quốc gia, sở hữu nhiều hảo thủ trong đội hình nhưng không thể tồn tại lâu dài.

Trong chia sẻ với báo giới, ông chủ đội bóng chuyền Đức Long Gia Lai là doanh nhân Bùi Pháp cho biết vì những khó khăn kinh tế nói chung nên phải nói lời tạm biệt. Hình thành từ năm 2009, sau gần 7 năm, đội bóng này giờ chính thức xóa tên. Họ chỉ là một điển hình trong sự vận động phát triển của môn bóng chuyền đang hướng dần tới chuyên nghiệp.

Khi ngành Dầu khí còn mặn mà về thể thao, nhiều chục tỷ đồng dốc vào đầu tư cho các đội bóng chuyền nhưng đổi lại họ chưa một lần có chức vô địch quốc gia nào. Trong tình cảnh khó khăn chung về kinh tế cũng như siết chặt đầu tư ngoài ngành, Dầu khí chia tay với thể thao (đặc biệt là bóng chuyền) hoàn toàn dễ hiểu.

Việc rút lui dần của các doanh nghiệp với thể thao đã phải đặt ra câu hỏi là trước những ví dụ cụ thể như vậy liệu có doanh nghiệp mới nào muốn làm bóng chuyền?

Bóng chuyền Đức Long Gia Lai mất gần 7 năm (họ giành chức vô địch quốc gia năm 2013, 2 lần đứng thứ nhì giải vô địch quốc gia năm 2012, 2014) rồi sôi hỏng bỏng không. CLB Seaprodex trước kia có 10 năm tạo dựng hình ảnh nức tiếng từ Bắc tới Nam rồi cũng giải thể vì khó khăn kinh tế. Công cuộc đầu tư vào bóng chuyền hoàn toàn không dễ dàng và ổn định như nhiều người kỳ vọng.

Khi CLB nam Đức Long Gia Lai giải thể, hiện tại ở giải vô địch bóng chuyền Việt Nam, chỉ còn 2 đội do doanh nghiệp đầu tư quản lý. Đó là các đội nữ Ngân hàng Công Thương và nữ VTV Bình Điền Long An. Họ đang là các đơn vị đầu tàu từ đào tạo VĐV trẻ đến đội hình tuyến 1 thi đấu đạt thành tích. Tuy nhiên, tính bền vững phụ thuộc hoàn toàn ở tài chính doanh nghiệp nên không thể nói trước điều gì.

Đội bóng chuyền Đức Long Gia Lai đã không tồn tại sau 7 năm duy trì.

Bóng đá chung tình cảnh

Bóng đá Việt Nam đã có các CLB do doanh nghiệp đầu tư quản lý nhưng không tồn tại vì nhiều lý do khác nhau. Điển hình là CLB Hà Nội ACB và CLB Hòa Phát Hà Nội trước kia.

Thời điểm còn thi đấu tại V-League, CLB Hà Nội ACB sở hữu trong đội hình những cái tên rất nổi trội là Lê Công Vinh, Phạm Thành Lương. Thế nhưng, họ chưa một lần lên ngôi vô địch cao nhất của V-League. Đồng thời, trong biến cố của ông chủ đầu tư trực tiếp, đội bóng này giải thể là điều không tránh khỏi. CLB Hòa Phát Hà Nội tồn tại không được lâu và sau khi phong độ không ổn định, doanh nghiệp đầu tư cho đội bóng đã nói lời từ biệt. Đấy là các trường hợp đáng nói nhất khi nhắc về cơ chế thị trường của bóng đá. Ngoài họ, một số thương hiệu bóng đá (trước đây) dù nằm trong sự quản lý của đơn vị nhà nước nhưng vẫn khó tồn tại.

Hai CLB bóng đá có tiếng một thời là Thể Công và Quân khu 4 là các ví dụ. Từng giai đoạn, dù mỗi đội bóng có thăng trầm khác nhau nhưng đúng là nếu không bền vững về kinh tế thì rất khó tồn tại lâu dài.

Đầu tư phải mang lại tiếng vang

Doanh nghiệp dốc tiền đầu tư cho một phiên hiệu ở lĩnh vực thể thao chắc chắn họ muốn thương hiệu của mình tạo dựng được hình ảnh. Chính vì thế, khi thể thao Việt Nam ở nhiều môn lúc bước sang thể thao thị trường, nhiều đội bóng phải gắn tên cùng doanh nghiệp để hình thành phiên hiệu mới. Sự bền vững và dài lâu chưa thật nhiều. Trong đầu tư, các doanh nghiệp mong muốn được hiệu quả mình mang về. Họ rất muốn tạo dựng hình ảnh và thói quen nhận biết tới người hâm mộ.

Mới nhất, giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2015 do Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức, ở hạng mục Quả bóng vàng nam, 3 vị trí đứng đầu là Nguyễn Anh Đức (Quả bóng Vàng), Nguyễn Văn Quyết (Quả bóng Bạc), Lê Công Vinh (Quả bóng Đồng) đều đang là cầu thủ ở đội bóng do doanh nghiệp đầu tư. Như thế, cầu thủ góp phần mang lại tiếng vang cho doanh nghiệp của mình. Đơn cử, bóng đá Gia Lai trước đây không có vị thế trong các giải quốc nội.

Khi doanh nhân Đoàn Nguyên Đức chung tay đầu tư, đội bóng phố Núi mới tạo dựng được hình ảnh và thu hút người hâm mộ cùng giới truyền thông nhiều hơn. Hoàn toàn dễ hiểu, thể thao cần kinh phí để đầu tư và phát triển bền vững còn doanh nghiệp muốn phát triển hơn thương hiệu nên sự chung sức đôi bên (trong khuôn khổ pháp luật) là hợp lý.                 

D.P.

Diệu Phương
.
.
.