Vấn đề của V.League 2016: Dồn bóng cho cầu thủ ngoại!
- Cầu thủ ngoại trên sân bóng VN: Đâu là tình yêu? Đâu là tiền bạc?
- V.League: Ai thẩm định cầu thủ ngoại?
- “Nội hoá” cầu thủ ngoại: Không chống nhưng không vỗ tay
Đội đầu bảng Hải Phòng là một ví dụ điển hình. Sau 6 vòng, Hải Phòng ghi được 14 bàn thì riêng cặp tiền đạo ngoại Stevens - Fagan đóng góp tới 8 bàn.
Từ năm ngoái tới năm nay, Hải Phòng sử dụng một bài trung thành là tổ chức số đông con người chơi chặt chẽ trước gôn nhà, rồi có bóng là cố gắng phát cao lên tuyến đầu cho cặp tiền đạo ngoại người Jamaica đua tốc độ. Phải thừa nhận, đấy là những tiền đạo có thể lực sung mãn và những pha dứt điểm quyết đoán ở rất nhiều góc dứt điểm khác nhau.
Trận đấu Hải Phòng thắng Hoàng Anh Gia Lai cách đây hai vòng chẳng hạn, từ một pha bóng dài được phất lên từ hàng hậu vệ, cầu thủ ngoại Hải Phòng mặc dù bị kẹp cứng bởi 2 hậu vệ đối phương vẫn có thể dùng sức mạnh rướn lên, đưa bóng xuống góc hẹp, và từ góc hẹp dứt điểm ghi bàn.
Đá với Hải Phòng bây giờ, ai cũng hiểu bắt chết Stevens - Fagan là một nhiệm vụ hàng đầu, nhưng làm thế nào để có thể bắt chết lại là một điều không đơn giản. Ở đây cần mở thêm một cái ngoặc để nhắc lại rằng, ở mùa giải năm ngoái, khi gặp hạn với hết tiền đạo ngoại này đến tiền đạo ngoại khác, HLV trưởng HA.GL thời điểm đó là Guillaume Graechen từng bày tỏ ước ao: "Ước gì đội bóng của tôi có được những cầu thủ như Stevens, Fagan...".
Một đội bóng khác trong nhóm dẫn đầu V.League là FLC Thanh Hoá cũng đang sử dụng hiệu quả cặp tiền đạo ngoại Firer và Omar. Nếu Firer là một cái tên mới thì Omar là một cái tên quen thuộc, đã chơi bóng ở Thanh Hoá từ nhiều năm nay.
Cái hay của Omar không chỉ là khả năng tác chiến độc lập trên hàng công, mà ngay cả khi được kéo xuống đá tiền vệ thì sự hiệu quả mà cầu thủ này tạo ra vẫn là rất lớn. Mặc dù không chơi đơn giản và đơn điệu theo kiểu cứ thế phất bóng lên tuyến đầu cho cặp tiền đạo ngoại như Hải Phòng, nhưng cũng phải thừa nhận sức mạnh của FLC Thanh Hoá trong những vòng đấu vừa qua phụ thuộc rất nhiều vào cặp bài Fier - Omar.
Với cánh chim đầu đàn Omar, FLC Thanh Hoá đang bay bổng. Ảnh: H.M |
Sông Lam Nghệ An, đội bóng láng giềng của Thanh Hoá hiện tại cũng đang có một cặp tiền đạo "ăn người" là Odad và Baba. Với khả năng tỳ đè và dứt điểm tốt của cặp tiền đạo này, HLV Ngô Quang Trường thường xuyên bày ra một thế trận phòng ngự phản công với những miếng công nhắm theo từng bước chạy của tiền đạo ngoại. Ở chỗ này thì lối chơi của Sông Lam có một nét gì đó khá gần gũi so với lối chơi của Hải Phòng.
Câu hỏi đặt ra, rất nhiều đội bóng V.League khoán trắng nhiệm vụ ghi bàn cho "Tây", và nhiều đội bóng sử dụng thứ bóng đá tối giản nhưng hy vọng có thể mang tới hiệu quả cao là cứ thế phất bóng từ tuyến 3 lên tuyến 1 cho "Tây" tranh chấp ghi bàn rồi sẽ tạo ra những tác động gì? Có thể trả lời ngay, nó sẽ giết chết sức sống của ĐTQG và ĐT U.23 QG.
Ai cũng biết, kể từ khi trở thành tân HLV trưởng của hai ĐTQG này, và chấp nhận gánh vác những mục tiêu rất lớn tại đấu trường Đông Nam Á, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã nói đi nói lại về một lối chơi mang màu sắc Tiqui - taca, với những pha ban bật nhỏ, nhuyễn, giàu kỹ thuật. Nhưng HLV trưởng ĐTQG sẽ rất khó xây dựng một lối chơi như thế khi ở CLB, các cầu thủ lại chơi theo một dạng hoàn toàn khác.
Vì hiểu được và hiểu rõ những tác động trái chiều của các cầu thủ ngoại lên ĐTQG nên mùa bóng năm nay, VFF, VPF đã quyết định giảm số lượng ngoại binh trong một trận đấu từ 3 người xuống 2 người, nhưng với những gì đã phân tích thì có vẻ phương án này vẫn chưa thể tạo ra những hiệu quả như mong muốn. Có thể, trong một thời gian rất dài tới đây, chúng ta vẫn sẽ phải chứng kiến hai bộ măt khập khiễng từ cấp độ các CLB V.Legue đến cấp độ ĐTQG.
Sự đồng bộ giữa CLB và ĐTQG: có nên không? Ở những nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới rất ít khi sự đồng bộ giữa lối chơi của các CLB với lối chơi của ĐTQG được đặt ra, và coi như một yêu cầu sống còn với sự phát triển của ĐT. Chẳng hạn như ở Anh, Chelsea có thể chơi theo cách của Chelsea, Arsenal chơi theo cách của Arsenal..., nhưng khi các cầu thủ của các CLB này lên khoác áo ĐTQG thì họ lại có thể dễ dàng chơi theo cách của ĐT. Nhưng đấy là câu chuyện ở những nền bóng đá có trình độ, đẳng cấp cao. Còn với những nền bóng đá thấp kém như Việt Nam thì sự đồng bộ là điều cực kỳ quan trọng. Theo lời kể của cố trợ lý chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, chuyên gia Nhật Bản Tanabe thì ở thời kỳ đầu của bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản, LĐBĐ nước này đã phải thuyết phục các CLB khác nhau cùng chơi bóng với một bản sắc giống nhau để giúp cho ĐTQG có thể phát triển một cách tốt nhất. Ngọc Anh |