V.League: Ai thẩm định cầu thủ ngoại?

Thứ Tư, 03/03/2010, 10:10
BTC V.League có một tiểu ban y tế kiểm tra tình trạng sức khỏe của các cầu thủ. Nhưng những mùa giải gần đây, trong số những trường hợp bị kiểm tra, không trường hợp nào được phát hiện là có biểu hiện dương tính với ma túy.

Rõ ràng là trong một bối cảnh mà công tác y tế của VFF còn rất mỏng và rất yếu thì các CLB cần thiết phải có những kiểm tra y tế nghiêm túc đối với tất cả những cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ ngoại không rõ nguồn gốc mà mình muốn ký kết hợp đồng.

Tối muộn ngày thứ bảy tuần vừa rồi, cả làng bóng Việt Nam kinh hoàng trước thông tin tiền vệ Molina người Argentina đang khoác áo CLB Becamex Bình Dương đã đột tử tại một khách sạn ở TP HCM vì sốc ma túy. Câu chuyện đau lòng này buộc người ta phải đặt ra hàng loạt dấu hỏi liên quan đến công tác kiểm tra y tế cũng như việc quản lý, giáo dưỡng cầu thủ ở sân chơi V.League.

Thật ra Molina không phải là cầu thủ ngoại đầu tiên đột tử ở Việt Nam. Cách đây vài năm, một cầu thủ ngoại đang thử việc ở Đồng Nai cũng đột tử bất ngờ. Và cách đây một năm, một ngoại binh khác của QK4 (giờ đổi tên thành Navibank Sài Gòn) cũng đã chết ngay trên sân tập.

Nhưng nếu như cầu thủ ở Đồng Nai trước đây chết vì lý do tự tử còn cầu thủ ở QK4 chết vì trụy tim thì Molina lại chết với một lý do đáng trách hơn nhiều: dùng ma túy. Nó đáng trách tới mức trong trận đấu HA.GL - Bình Dương diễn ra vào ngày hôm sau, khi BTC sân Pleiku đề nghị các khán giả đứng lên, thực hiện một phút mặc niệm với Molina thì rất nhiều người đã phản đối ra mặt với lý do: không việc gì phải đi mặc niệm một ngoại binh chết vì ăn chơi sa đọa.

Ở đây, nói Molina ăn chơi sa đọa kể cũng không quá lời. Bởi ngay từ khi còn khoác áo SHB Đà Nẵng, cầu thủ này đã bị HLV trưởng Lê Huỳnh Đức hơn một lần "tuýt còi" kỷ luật, và đỉnh cao là việc, Huỳnh Đức đã quyết định tống khứ cầu thủ này khỏi đội. Nhưng ở một nền bóng đá mà những nhân tài ngoại như lá mùa thu thì một cầu thủ có chút ít tài năng (và có rất nhiều dấu hỏi về nhân cách) đi khỏi một đội thì lập tức đã được các đội khác thi nhau trọng dụng. Trong trường hợp này, đội trọng dụng Molina là Becamex Bình Dương, và cuối cùng thì đội bóng của HLV Mai Đức Chung đã phải trả một cái giá quá đắt cho sự trọng dụng này.

Nhưng nếu nhìn lại suốt cả một chiều dài V.League, người ta có thể dễ dàng thấy rằng không riêng gì Bình Dương, có nhiều lắm những CLB Việt Nam đã phải "ăn trái đắng" cầu thủ ngoại.

Cách đây vài năm, CLB Đà Nẵng trình làng một cầu thủ người Uganda có cái tên Musisi đá bóng cũng giỏi, mà ăn chơi cũng tài. Musisi ăn chơi đến nỗi về sau rất nhiều thành viên Đà Nẵng đã không dám ở cùng phòng với anh.

Hồi ấy người ta nghi ngờ là Musisi sau khi là bạn thân của vũ trường và sàn nhảy đã dính HIV. Thực hư không rõ thế nào, nhưng Musisi sau đó về nước rồi không quay trở lại. Mới đây, một đồng hương của Musisi đang chơi ở V.League đã xác nhận một sự thật kinh hoàng: Musisi đúng là đã chết vì HIV.

Ngoại trừ hai trường hợp điển hình là Musisi và Molina, V.League trong khoảng chục năm trở lại đây còn chứng kiến hàng loạt những "tay chơi thứ thiệt" khác như Achilefu, Iddi Batambuze, Blessing, Jone Wole, Anienka…

Mới đây, khi nghe tin Molina chết vì sốc ma túy, một trong những cầu thủ gốc ngoại (giờ đã nhập tịch Việt Nam) có thâm niên nhất ở V.League là Trần Lê Martin của Hòa Phát.Hà Nội đã nói lên một sự thật: Không riêng gì Molina, hiện nay có rất nhiều ngoại binh chơi bóng ở Việt Nam đang dùng ma túy.

Tất cả những hiện trạng trên đây nói lên cái gì? Nó nói rằng ngoại binh bên cạnh những mặt tích cực rõ ràng đang bộc lộ vô số những mặt trái, liên quan đến lối sống và phong cách sống. Nó còn nói rằng các đội bóng khi ký hợp đồng với các ngoại binh dường như chỉ căn cứ vào những yếu tố chuyên môn, chứ không căn cứ vào những biểu hiện sống, hoặc những "mầm bệnh" của ngoại binh đó.

Ở đây, có một sự thật là các ngoại binh chỉ được ra sân chơi bóng ở V.League khi có được giấy chứng nhận sức khỏe, gửi lên VFF. Nhưng với thực trạng một cầu thủ đột tử vì ma túy và rất nhiều cầu thủ khác đã được tố cáo là bạn trung thành của ma túy thì phải chăng cái giấy kiểm tra sức khỏe của phần lớn các ngoại binh đang chơi bóng ở Việt Nam đều không thật sự đáng tin cậy?

Đã đến lúc phải gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về việc chúng ta đang dễ dàng quá mức và phóng túng quá mức trong việc ký kết hợp đồng lao động với những cầu thủ nước ngoài. Bởi bất luận vì lý do gì đi nữa thì một cầu thủ nước ngoài đột tử ở V.League không ít thì nhiều cũng sẽ làm V.League bị bôi đen.

Trưởng ban Kỷ luật và tư cách cầu thủ VFF Nguyễn Hải Hường: Để cầu thủ nghiện ma túy, đó là trách nhiệm của CLB

Sau vụ tiền đạo Molina (B. Bình Dương) đột tử trong khách sạn Sao Nam (quận 1, TP HCM) ngày 26/2 vừa qua, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng ban Kỷ luật (TBKL) và tư cách cầu thủ của VFF:

- PV: Việc Molina chết vì ma túy đang khiến nhiều người nghi vấn, phải chăng vấn đề quản lý ngoại binh của chúng ta hiện nay còn lỏng lẻo?

- TBKL Nguyễn Hải Hường: Để cầu thủ nghiện ma túy là trách nhiệm của CLB. Hiện nay, để ganh đua thứ hạng, nhiều CLB ồ ạt nhập ngoại binh, dẫn tới không quản lí được. Nhiều cầu thủ ngoại xuống cấp đạo đức, mắc nhiều tệ nạn: cờ bạc, rượu chè, mại dâm, ma túy... dẫn tới không quản lý được.

- PV: Theo ông, còn những cầu thủ nào có dấu hiệu sử dụng ma tuý vẫn đang chơi ở giải hạng Nhất, V-League?

- TBKL Nguyễn Hải Hường: Trước mỗi giải đấu, các CLB phải gửi danh sách các cầu thủ và bản kiểm tra sức khỏe của từng cầu thủ để Ban tổ chức xét duyệt. Tuy nhiên, khó có thể xác định cầu thủ nào sử dụng ma tuý.

- PV: Các cầu thủ sử dụng ma tuý, cách xử lý của VFF như thế nào để đảm bảo sự nghiêm minh?

- TBKL Nguyễn Hải Hường: VFF sẽ tuân thủ đúng luật pháp của FIFA. Theo đó sẽ có từng khung xử phạt riêng cho những vi phạm cụ thể.
- PV: Xin cảm ơn ông!

Hà Ly (thực hiện)

Diệp Xưa
.
.
.