Vấn đề V.League: Học "tây" - "tây" học
- Ông Thắng vừa xem V..League vừa lo Đội tuyển?
- Trọng tài Serie A suýt bị đánh và câu chuyện V-League
- Vấn đề V.League: Quân cờ trọng tài & Cuộc chơi quyền lực
- Vấn Đề V.League: Nhà tài trợ đang nghĩ gì?
Mặc dù sau trận đấu, chính "nạn nhân" Tiến Duy đã thanh minh cho đối thủ, rằng: "Oseni không cố tình vào bóng ác ý với tôi, có thể do sân trơn, bóng ướt, nên cậu ấy không làm chủ được tốc độ của mình", nhưng với quan sát của ông trọng tài chính - người trực tiếp có mặt trong cái hoàn cảnh "sân trơn bóng ướt" ấy, và với những người xem trận đấu qua truyền hình thì đấy rõ ràng là một pha bóng mà Oseni hoàn toàn có thể tránh được. Thành thử, thẻ đỏ và án phạt nguội (nếu có) dành cho Oseni không phải là vấn đề đáng tranh cãi.
Điều đáng nói ở đây là trong suốt thời gian dài vừa qua, chuyện các cầu thủ ngoại hoặc ngoại nhập tịch phạm lỗi thô bạo cứ lặp đi lặp lại. Vậy thì phải chăng, họ đang trở thành "tấm gương xấu" cho các cầu thủ nội, hay ngược lại, chính họ mới bị ảnh hưởng bởi cái xấu của sân chơi này?
Oseni rời sân sau pha vào bóng thô bạo với Tiến Duy. |
Gần hai chục năm về trước, khi chuyện "có nên để cầu thủ ngoại đá V.League?" được đưa ra bàn tán thì nhiều người trả lời là "có" với lý do: Sự xuất hiện của các cầu thủ ngoại sẽ giúp cầu thủ nội được va chạm nhiều hơn, qua đó trưởng thành hơn, và tự tin hơn mỗi khi lên Đội tuyển Quốc gia đá các giải khu vực và châu lục.
Quả thật, ở cái thời mà bóng đá Việt Nam ít khi được cọ xát quốc tế, cái thời mà mỗi một dịp xuất ngoại hiếm hoi lại là cơ hội để một bộ phận không nhỏ các tuyển thủ đi... buôn chuyến thì khi phải đối đầu với các đội bóng nước ngoài, các tuyển thủ thường xuyên rơi vào trạng thái cóng chân. Sau này, khi được va chạm hằng tuần với các cầu thủ ngoại ở V.League, điểm yếu này đã được khắc phục rõ ràng.
Những cái thua của chúng ta trước những đối thủ ở khu vực hay châu lục thường chỉ là những cái thua về chuyên môn, chứ không phải là những cái thua về tâm lý như trước nữa. Và đấy là mặt tích cực mà làn sóng ngoại đem tới cho bóng đá Việt Nam.
Nhưng ở góc độ ngược lại, đến thời điểm này chúng ta lại thấy một bộ phận không nhỏ cầu thủ ngoại sau khi "thành tinh" ở V.League cũng nhanh chóng nhiễm các "đặc sản" V.League. Vòng 3 V.League năm nay, Hoàng Vũ Samson vào bóng triệt hạ một cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai theo đúng cái phong cách mà dân bóng đá hay gọi là "phong cách Sông Lam".
Trước đó vài năm, khi còn chưa nhập tịch, và khi đấu với một Sông Lam chính hiệu thì cũng chính cầu thủ này đã khiến "trung vệ thép" Sông Lam là Nguyễn Huy Hoàng phải lên cáng, đi viện tức thời.
Đấy là một pha va chạm mà người Sông Lam đã vào "ác" trước, nhưng không ngờ Samson do quá hiểu V.League và quá hiểu Sông Lam nên đã "ác" hơn, và khiến người gieo cái "ác" phải trả giá đắt.
Ở vòng 2 V.League năm nay, một cầu thủ ngoại khác là Omar - át chủ bài của FLC Thanh Hoá cũng chơi xấu với cầu thủ đối phương, sau đó, khi bị đuổi khỏi sân còn thực hiện một hành vi phản ứng rất khó coi với khán giả Nha Trang.
Chứng kiến những điều xấu này, cựu HLV Thanh Hoá - Lê Thụy Hải chia sẻ với người viết: "Ngày xưa, chính tôi là người nhận Omar về Thanh Hoá, và tôi nhớ là thời ấy nó ngoan lắm. Nhưng đá V.League, thấy cầu thủ mình không ngại phạm lỗi, không ngại phản ứng trọng tài nên dần dần nó cũng không ngại phạm lỗi, không ngại cãi trọng tài".
Rồi ông Hải khái quát: "Chẳng riêng gì Omar đâu, nhiều cầu thủ ngoại, đặc biệt là những cầu thủ châu Phi bị nhiễm cái xấu V.League rất nhanh. Và chính những cầu thủ ấy bây giờ lại cho thấy "đặc sản" V.League rõ hơn ai hết".
Hoá ra là thế! Ta học "tây", mà "tây" cũng học ta. Học cả cái tốt lẫn cái xấu của nhau. Thành thử những pha xấu chơi kiểu như Oseni, Samson, Omar... bây giờ đã trở nên bình thường như tất nhiên phải thế. Và cứ với cái đà này, đừng bất ngờ nếu những vòng V.League tới đây sẽ còn nhiều "đặc sản" V.League được tái hiện qua đôi chân của những cầu thủ ngoại đã bị V.League hoá.
Có bao giờ những cầu thủ này thức tỉnh và chợt thấy hối hận vì đã dấn thân vào cái chợ trời V.League này không?
Long An không lối thoát Thua Sài Gòn FC 0-4 trong trận đấu sớm vòng 11, Long An tiếp tục giậm chân ở vị trí đội sổ, với chỉ 4 điểm, kém đội xếp trên mình là Cần Thơ 2 điểm. Điều đáng nói là với trận thua này, Long An đã để thua tổng cộng 9 trận liên tiếp, lập kỷ lục mới dành cho đội có số trận thua liên tiếp nhiều nhất từ trước đến nay. Trước đó, ở V.League 2010, Nam Định đã để thua 8 trận liên tiếp ở giai đoạn 2, và sau đó đã gục đầu xuống hạng. Rất có thể bi kịch của Nam Định sẽ xảy ra với Long An mùa này, bởi cùng với những thất bại liên tiếp, cầu thủ Long An đã cho thấy một thái độ, một tinh thần thi đấu kém cỏi chưa từng thấy. Ngọc Anh |