V..League và những trận đấu thiếu tích cực

Thứ Ba, 01/12/2020, 08:29
Việc đối phó với những trận đấu thiếu tích cực ở V.League là một trong những vấn đề mà VPF sẽ phải đưa ra biện pháp trong thời gian tới.

Sau Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2020-2023, một trong những vấn đề mà giới truyền thông đặt ra cho Hội đồng quản trị mới của VPF là làm sao xử lý được các vấn đề liên quan đến các trận đấu thiếu tích cực như đã diễn ra ở V.League. Điển hình như 6 trận thua liên tiếp của HAGL, chính tiền vệ Nguyễn Văn Toàn đã nói rằng việc đội bóng phố Núi lọt top 8 và sớm giành vé trụ hạng là một trong những nguyên nhân khiến các cầu thủ mất động lực thi đấu.

Hay trận đấu cuối cùng giữa Than Quảng Ninh và Hà Nội tại Cẩm Phả. Đó là trận đấu mà Than Quảng Ninh đã thua Hà Nội một cách dễ dàng đúng như dự đoán khi họ không còn  mục tiêu. Trận đấu giữa Đà Nẵng và Quảng Nam ở giai đoạn 2 cũng diễn ra trong hoàn cảnh tương tự.  Đó là một trong những vấn đề bất cập mà V.League diễn ra theo thể thức nào cũng tồn tại.

Tân Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc đã chia sẻ rằng: “Ở mùa giải năm ngoái, một số trận đấu có liên quan đến các câu lạc bộ vốn đã hết mục tiêu ở mùa giải không có được tính cạnh tranh cao. VPF đang tính đến quỹ thưởng cho các câu lạc bộ ở các trận đấu hay thứ hạng chung cuộc để tăng thêm sức hút cho giải đấu”.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú bổ sung rằng: “Số tiền mà VPF dành cho các câu lạc bộ chưa nhiều, nhưng chúng tôi muốn làm cái gì đó để các câu lạc bộ cố gắng hơn. Giống như con gà tức nhau tiếng gáy. Sự chênh lệch trong tiền thưởng từ VPF có thể tạo nên tính cạnh tranh tích cực và động lực ở các câu lạc bộ”.

Nhìn những giải pháp mà VPF chỉ mang tính hạn chế tiêu cực chứ chưa có tính răn đe. Điều này khiến nhiều người nhớ lại mùa giải 2013, VPF từng thành lập Ban Tư vấn đạo đức để phòng chống tiêu cực tại các giải chuyên nghiệp quốc gia. Nhiệm vụ của Ban là phối hợp phòng chống và ngăn ngừa tiêu cực bằng việc tư vấn cho VPF và Ban tổ chức giải về các trận đấu nhạy cảm, các sự việc liên quan đến đạo đức của các đối tượng là thành viên của giải có thể nảy sinh trong quá trình thi đấu.

HAGL có 6 trận thua liên tiếp ở giai đoạn 2 V.League 2020. Ảnh: VPF

Ban Tư vấn đạo đức cũng tập trung theo dõi và có hướng xử lý các thông tin qua từng trận đấu, từng vòng đấu để có đánh giá tương đối đầy đủ về các biểu hiện phi thể thao, đề nghị cách giải quyết các sự cố lên Ban Kỷ luật của VFF.

Vụ xử điểm đình đám nhất của Ban Tư vấn đạo đức là dành cho trường hợp Xuân Thành Sài Gòn với trận thua bất thường trước Kiên Giang ở vòng 19 V.League. Trước  khi trận đấu này diễn ra, nhiều ý kiến dư luận đã dự báo Xuân Thành Sài Gòn sẽ không thi đấu tích cực. Cụ thể họ đưa ra lý do cho nghỉ một loạt cầu thủ trụ cột và chỉ mang tới Kiên Giang lực lượng mỏng với 17 cầu thủ.

Những diễn biến trong trận đấu đúng như dự đoán trước, CLB Xuân Thành Sài Gòn thi đấu nhạt nhoà và để thua trận một cách khá dễ dàng 1-3. Điều đáng nói là những thông tin nhắn từ số lạ gửi đến Ban tư vấn đạo đức trùng hợp với kết quả diễn ra trên sân.

Cũng vì thế đã dẫn đến việc Ban Kỷ luật VFF sau đó đã ra quyết định kỷ luật đối với Xi măng Xuân Thành Sài Gòn do có thái độ thi đấu "thiếu tích cực": trừ 4 điểm do vi phạm trách nhiệm của câu lạc khi tham gia giải đấu. Đây giống như giọt nước tràn ly Xuân Thành Sài Gòn có lý do để tuyên bố nghỉ và sau đó giải thể.

Nhắc lại câu chuyện này để thấy được rằng, tình trạng thi đấu “thiếu tích cực” không phải chỉ là hiện tượng của mùa giải 2020. Đó là câu chuyện đã diễn ra từ rất lâu ở các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Những trận đấu đáng chú ý ở V.League nhờ sự quan tâm của truyền thông mới có thể đặt ra nghi vấn, còn các trận đấu ở hạng Nhất Quốc gia thì lại là một vấn đề nan giải.

Cũng vì những vấn đề nổi cộm nêu trên mà tất cả đặt ra một vấn đề rằng, VPF có nên khôi phục lại Ban Đạo đức để bóng đá trở lại trật tự?  Thực tế, đây là vấn đề nhạy cảm mà chính người được xử và người bị xử cũng khó đưa ra được sự thuyết phục. Thế nhưng, đã đến lúc, VPF cần mạnh tay hơn nữa với những trận đấu được cho là “thiếu thuyết phục”. Đặc biệt, những cuộc chuyển nhượng bất thường giữa mùa giải theo dạng “hỗ trợ” lẫn nhau cũng là vấn đề khiến dư luận nghi vấn đề tính minh bạch trong cuộc chơi ở V.League.

VPF lỗ 7 tỉ đồng

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của VPF, năm 2018 tổng thu 100,4 tỉ đồng, tổng chi 97,6 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 2,8 tỉ đồng, năm 2019 tổng thu 111,4 tỉ đồng, tổng chi 111,1 tỉ đồng, lợi nhuận là 305 triệu đồng. Đến năm 2020 VPF đặt ra chỉ tiêu tổng nguồn thu đạt 111,5 tỉ đồng nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho kế hoạch này không hoàn thành.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng các nguồn thu dự kiến của VPF đạt được khoảng 93,2 tỉ đồng, trong khi đó dự kiến tổng chi phí trong là 100,15 tỉ đồng. Đây sẽ là bài toán lớn của HĐQT VPF trong nhiệm kỳ mới. Ước tính Công ty VPF sẽ lỗ khoảng 7 tỉ đồng trong năm tài chính 2020. Vì vậy, theo VPF, dự kiến việc chi hỗ trợ cho các CLB chỉ thực hiện được 50% so với kế hoạch đề ra (khoảng 9 tỉ đồng).

Chia sẻ khó khăn với VPF, VFF đã hỗ trợ VPF 7 tỉ đồng trích từ tiền hỗ trợ của FIFA cho các liên đoàn bóng đá thành viên bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Chỉ tiêu kinh doanh của VPF trong năm 2021 là đạt tổng thu 103,8 tỉ đồng, tổng chi 103,7 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 100 triệu đồng.

H.H

Hưng Hà
.
.
.