Truyền hình thể thao: Cuộc chơi không đơn giản

Thứ Tư, 13/01/2016, 09:33
Các cuộc đàm phán với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để độc quyền phát sóng các giải đấu trong vòng 20 năm đã diễn ra. Miếng bánh quyền lợi bị ảnh hưởng, các đơn vị làm truyền hình khác đã ngồi lại để tranh cãi về sự độc quyền. Hợp đồng độc quyền của AVG với VFF đã không thành hiện thực.


Không dễ dàng

Khi ra mắt năm 2010, một trong những mũi nhọn để AVG hướng đến là làm truyền hình về thể thao. Dấu ấn để mọi người nhớ về công ty này là việc họ tuyên bố muốn mua độc quyền bản quyền truyền hình nhiều môn thể thao trong nước. Một trong số ấy là bóng đá. Giữa bối cảnh các nhà đài khác lao vào cuộc chiến bản quyền bóng đá quốc tế, đơn vị này đi theo hướng nội địa.

Các cuộc đàm phán với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để độc quyền phát sóng các giải đấu trong vòng 20 năm đã diễn ra. Miếng bánh quyền lợi bị ảnh hưởng, các đơn vị làm truyền hình khác đã ngồi lại để tranh cãi về sự độc quyền. Hợp đồng độc quyền của AVG với VFF đã không thành hiện thực. Song hành với đàm phán cùng VFF, đơn vị này đã tiếp xúc với nhiều bộ môn, liên đoàn thể thao các môn thể thao khác tại Việt Nam.

Những môn như điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, cầu mây, quần vợt… vốn chỉ được xem là thứ yếu về bản quyền truyền hình lần đầu có đơn vị tiếp xúc mua. Tất nhiên, sự thành bại của việc ký kết nằm ở giá trị hợp đồng. Nhiều môn thể thao lắc đầu ký kết do tiền bản quyền ít. Đồng thời, trong quản lý chung, Tổng cục TDTT vẫn là đơn vị quản lý cao nhất. Vì thế, được độc quyền bản quyền truyền hình từng môn hay không, đơn vị này có ý kiến quyết định.

Không có được những hợp đồng từng môn riêng và đặc biệt ở bóng đá nên mũi nhọn về bản quyền truyền hình thể thao của AVG đã dang dở. Theo tìm hiểu, qua 5 năm hoạt động, sự tác động của AVG trên thị trường truyền hình trả tiền với các nhà đài khác chưa thật nổi bật.

Mặc dù, họ có tiềm năng khi vừa thành lập. “Làn gió mới” này đã khiến các nhà đài khác phải ý thức về bản quyền truyền hình thay vì khai thác miễn phí. Lúc này, những đơn vị sản xuất chương trình thể thao trong nước của VTV, SCTV, VTVCab, VTC, HTV TP Hồ Chí Minh… với từng đơn vị khác nhau đều tham gia trực tiếp V-League. Họ có hình thức trả bản quyền dài hơi trong môn bóng đá tại V-League khác nhau.

Chương trình sẽ được phát sóng trực tiếp, đổi lại nhà đài bán được quảng cáo truyền hình với đối tác là Ban tổ chức V-League. Vì thế, tạo ra tính độc quyền rằng chỉ một đơn vị cụ thể thâu tóm bản quyền riêng biệt là khó. Ở các môn thể thao khác, điều ấy lại càng chưa thể. Về chuyên môn, sự hơn thua từng nhà đài được cho là trong chất lượng sản xuất chương trình. Điều này rất khó phân định. Từng đơn vị có định hướng và cách làm riêng nhưng tiêu chí trên hết phải là thu hút được người xem. Vì thế chuyện hơn kém nhau chỉ ở mức một 9 một 10.

Lionel Messi là cầu thủ nổi tiếng nên bản quyền truyền hình tăng giá vùn vụt.

Ý thức được giá trị

AVG có thể sẽ không còn xuất hiện. Phải khẳng định, đơn vị này đã đánh thức nhà quản lý các môn thể thao ở Việt Nam thấy giá trị của môn đó. Sự tranh chấp về bản quyền truyền hình phản ánh thực tế là nhiều đơn vị đều muốn mình có “của riêng”. Trong một chia sẻ trước đây, Trưởng bộ môn quần vợt (Tổng cục TDTT) - ông Đoàn Quốc Cường cho biết, môn này rất kỳ vọng có đơn vị hợp tác mua bản quyền truyền hình. Điều này tạo lợi thế để phát triển. Trước đây AVG đã đề cập điều đó, đôi bên đã không đi tới thống nhất vì chi phí quá rẻ. Truyền hình cáp Việt Nam VTVCab từng chi phí để độc quyền một số giải của quần vợt nhưng rất nhỏ lẻ và không dài lâu theo cả năm. Rất nhiều môn thể thao đã và đang thành lập liên đoàn, hiệp hội thể thao.

Tổ chức xã hội trên sẽ đứng ra giải quyết các vấn đề về bản quyền truyền hình và kiếm thêm tài chính đầu tư hoạt động. Thế nhưng, điểm quan trọng là phải ý thức được giá trị mà môn thể thao của mình với người hâm mộ. Tất nhiên, phải có đơn vị truyền hình mặn mà muốn ký hợp đồng làm bản quyền thì giá trị mới có sức nặng.

Đơn cử rất cụ thể, tại Việt Nam, những môn võ như karatedo, judo, taekwondo, wushu, vật… có quá ít người hâm mộ đến xem thi đấu. Sức hút ít, nhà đài không thể bỏ núi tiền để làm những môn này. Hai môn tại Việt Nam đang có tiến triển tốt về quảng bá, đồng thời tương lai sẽ có hợp đồng bản quyền truyền hình giá trị là bóng rổ và boxing. Cách làm của liên đoàn các môn thể thao này khá bài bản, chuyên nghiệp nên nâng tầm giá trị thương hiệu rất lớn.

Gala vinh danh vận động viên tiêu biểu toàn quốc bán được bản quyền?

Trong ngày 12-1, cùng lúc tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Ban tổ chức cuộc bầu chọn HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc 2015 và HLV, VĐV thể thao người khuyết tật xuất sắc toàn quốc 2015 đã phát phiếu tiến hành bầu chọn. Đây là cuộc bầu chọn thông lệ hằng năm. Các HLV, VĐV được nằm trong danh sách từ đề cử lẫn danh sách cuối cùng ở các hạng mục đều được những nhà báo, phóng viên thể thao và người làm chuyên môn ghi nhận nỗ lực tập luyện thi đấu trong một năm của họ.

Đêm vinh danh các HLV, VĐV ở danh sách HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc 2015 và HLV, VĐV thể thao người khuyết tật toàn quốc 2015 được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình. Chưa ai nói ra nhưng ngành Thể thao cũng mong chờ, trong tương lai, những buổi gala như vậy là sự kiện để các nhà đài mua bản quyền, phát sóng trực tiếp thay vì lúc này Ban tổ chức phải chủ động mời và mua sóng của đơn vị truyền hình mới được trực tiếp.

D.P.

Ngôi sao làm tăng giá trị bản quyền truyền hình

Lionel Messi đã đi vào lịch sử làng bóng đá thế giới với Quả bóng vàng 2015 - Ballon d'Or 2015 (danh hiệu dành cho cầu thủ xuất sắc nhất thế giới). Trong buổi gala vinh danh giải thưởng Quả bóng vàng 2015 tổ chức tại Thụy Sĩ vào rạng sáng 12-1-2016 (theo giờ Việt Nam), tiền đạo người Argentina đã chiến thắng ở hạng mục quan trọng nhất. 

Xếp sau Lionel Messi là Cristiano Ronaldo (Quả bóng bạc) và Neymar (Quả bóng đồng). Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) từng công bố, mỗi buổi gala trao thưởng Quả bóng vàng từng năm đều gia tăng tỉ lệ người xem qua truyền hình. Năm nay, việc có 3 ngôi sao tấn công hàng đầu thế giới là Messi, Ronaldo, Neymar trong danh sách rút gọn thì bản quyền truyền hình đêm gala đã tăng hơn năm ngoái. Ngoài bản quyền truyền hình, FIFA còn thu lại nhờ các gói quảng cáo cho đêm trao giải. 

Ban tổ chức giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha (La Liga) thông báo họ đã đạt được thoả thuận về bản hợp đồng truyền hình trong nước có giá trị tối thiểu 2,65 tỷ euro (tương đương 1,86 tỷ bảng Anh) cho 3 mùa giải tới. 

Trong số này, việc sở hữu các ngôi sao hàng đầu là Messi và Ronaldo thì 2 CLB Barcelona, Real Madrid được hưởng không dưới 50% giá trị gói bản quyền truyền hình. 

Diệu Phương
.
.
.