Bi hài vấn đề bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam

Thứ Năm, 08/08/2013, 09:53
HTV Hà Nội, HTV TP HCM và một số đài truyền hình cáp đã sở hữu gói thứ 3 bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh (EPL) 2013 - 2016, sự thực là như thế đấy! Sự thực là cho đến ngày mồng 1/8, nghĩa là chỉ cách đây mấy ngày, khi cùng ngồi chung hội chung thuyền dưới sự lèo lái của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, tất cả các đài này vẫn hô hào sẽ “đấu” chuyện Đài truyền hình K+ sở hữu độc quyền các trận đấu sớm ngày thứ bảy và các trận đấu ngày chủ nhật EPL tới cùng, và một trong những biện pháp “đấu tới cùng” là kiên quyết không mua gói thứ 3 EPL mà K+ chừa lại. Thế mà…

Trước hết, phải nói một cách hình ảnh rằng, nếu gói bản quyền thứ nhất và thứ hai EPL (bao gồm tất cả những trận đấu hay nhất, ở những khung giờ đẹp nhất giải Ngoại hạng Anh) giống như những món sơn hào hải vị thì gói thứ ba (gồm toàn những trận đấu lởm khởm) chỉ giống như râu tôm, ruột bí. Và ngay từ đầu, khi IMG - đơn vị sở hữu EPL mới chỉ phong thanh chào hàng, tất cả các đài truyền hình Việt Nam đều muốn được sở hữu những món sơn hào hải vị, chứ chẳng ai muốn sở hữu râu tôm ruột bí. Đến khi IMG thông báo cái món sơn hào hải vị đó đã thuộc về K+ và chỉ có K+ thì tất cả các đài lại muốn K+ chia sẻ món ngon này.

Lúc đó, các nhà đài Việt Nam sử dụng mọi lý lẽ và tận dụng mọi nguồn lực để lên án chuyện K+ ăn sơn hào hải vị một mình. Nào là “ăn” như thế sẽ tiếp tục tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, nào là “các đối tác nước ngoài sẽ được thể làm cao, và quan trọng hơn cả: K+ có 51% cổ phần của VTV, nên khi đài này mất rất nhiều tiền để ăn, và không cho người khác ăn thì cũng có nghĩa tiền thuế của người dân đã bị tiêu xài một cách hoang tàn, phí phạm.

Thực ra thì những lý lẽ này đều đúng cả, và vì nó đúng nên ở nhiều vòng đấu V.League vừa qua, trên rất nhiều SVĐ khác nhau từ Bình Dương ra Nghệ An, từ Thanh Hoá vào Thống Nhất, người ta thấy rất nhiều các CĐV bóng đá đã giăng những bandrone chống lại chuyện K+ độc quyền.

Như thế có nghĩa gì? Như thế có nghĩa, trong cuộc chiến với K+, các nhà đài Việt Nam không đơn thương độc mã, mà có được sự ủng hộ mạnh mẽ, nhiệt thành của những fan hâm mộ bóng đá nước nhà.

Nếu các đài truyền hình làm được như mình nói…? Ảnh: H.M.

Người viết bài này tin rằng những fan hâm mộ bóng đá chân chính không dễ dàng bị dắt mũi, cũng không đơn thuần hành động theo sự kêu gọi của một cá nhân nào đó, vì những đặc quyền đặc lợi nào đó. Những phản ứng với K+ có thể bắt nguồn trước tiên từ những kêu gọi như vậy, nhưng cái chính là người ta hiểu chuyện độc quyền sẽ khiến quyền lợi của mình – những khán giả truyền hình bị ảnh hưởng trước tiên, và người ta tin một khi tất cả các nhà đài Việt Nam cùng ngồi lại với nhau để chống độc quyền tới cùng thì cuộc đấu ấy dù thắng hay bại cũng sẽ tạo ra một cột mốc đầy sáng sủa, đầy hy vọng trong lịch sử truyền thông nước nhà.

Trong trường hợp chiến thắng, cuộc chiến ấy sẽ giúp những người xem truyền hình được đảm bảo quyền lợi một cách trực tiếp, tức thời. Trong trường hợp thất bại, cuộc chiến ấy vẫn khiến cho các đối tác nước ngoài nhìn rõ và hiểu rõ chí khí của các nhà đài Việt Nam, để từ nay về sau, mỗi khi chào bán bản quyền truyền hình một giải đấu quốc tế tầm cỡ nào đó ở Việt Nam, những đối tác này không thể dễ dàng ép giá như đã và đang ép giá.

Thế nhưng thất vọng thay và hài hước thay, bây giờ thì gần như tất cả các đài truyền hình nằm trong liên minh chống K+ như HTV Hà Nội, HTV TPHCM, VTVcab, SCTV lại đồng loạt thông báo đã sở hữu gói thứ 3 EPL mà K+ chừa lại, cho dù trước đó tất cả đều lớn giọng tuyên bố để chống chuyện K+ độc quyền, các nhà đài sẽ không mua, thậm chí là không quan tâm tới cái món “râu tôm, ruột bí” này.

Việc phần lớn những thành viên của một liên minh quay ra chống lại lý tưởng của liên minh và lý tưởng của chính mình sẽ để lại những hậu họa gì?

Thật nực cười khi đọc lại những cam kết đầy chí khí trong công văn này.

Thứ nhất, nó khiến niềm tin vào một liên minh, và niềm tin vào những con người được kỳ vọng là những người “đấu tranh cho công lý” tan ra như bong bóng xà phòng. Từ nay về sau, tất cả những liên minh tương tự (nếu có) chắc chắn sẽ không nhận được sự ủng hộ của các fan hâm mộ chân chính.

Thứ hai, nó khiến cho những fan hâm mộ đã làm mọi cách để ủng hộ liên minh bị tổn thương nghiêm trọng. Như đã nói, đáp ứng lý tưởng của liên minh, các CĐV bóng đá cả nước đã có nhiều biểu hiện lên án chuyện K+ độc quyền. Vậy thì bây giờ những người trong liên minh có thể nói gì, giải thích gì với những CĐV này?

Thứ ba, khi chống chuyện K+ độc quyền, các nhà đài luôn bấu vào cái lý lẽ, làm như thế sẽ có một lượng ngoại tệ phí phạm chảy vào túi nước ngoài. Vậy thì bây giờ, với việc những đài truyền hình quảng bá như HTV Hà Nội và HTV TP Hồ Chí Minh (những đài được duy trì nhờ một phần không nhỏ tiền thuế của nhân dân) mua gói thứ 3 của EPL, chẳng phải một lượng ngoại tệ lớn – một lượng ngoại tệ phí phạm cũng đã bị đổ vào túi nước ngoài đó sao?

Thứ tư, qua vụ việc này, các đối tác nước ngoài rồi sẽ “cười vào mũi” các đài truyền hình nhà ta. Và từ nay về sau, mỗi khi sang Việt Nam chào hàng bản quyền truyền hình các giải đấu tầm cỡ quốc tế, chắc chắn người ta sẽ biết phải làm gì để phá vỡ những liên minh (nếu có), và phải làm gì để tiếp tục ép giá như đã và đang ép giá...

VNPayTV bất lực?!

Là tổ chức được các Đài tin tưởng tín nhiệm nhờ đứng lên giữ mối dung hòa và quyền bình đẳng cho tất cả thành viên trong vấn đề bản quyền Ngoại hạng Anh 2013-2016, tuy nhiên Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) dường như cũng không thể hiện đúng vai trò của mình.

Sau khi để cho K+ độc quyền thành công 2 gói hấp dẫn nhất, VNPayTV cùng các đài đã có văn bản thể hiện chủ trương “chống độc quyền” với việc kiên quyết không mua lại gói 3 (gói không độc quyền) từ IMG để gây áp lực lên đơn vị này. Nhưng nay, khi các đài phá cam kết, đua nhau mua gói 3 thì VNPayTV lại coi đó là chuyện tất, lẽ, dĩ, ngẫu.

Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNPayTV hôm qua cho biết: “Các đài cam kết là một chuyện, giờ lãnh đạo đài chỉ đạo mua thì họ chẳng còn cách nào. Trước cam kết là để liên kết, đấu tranh phản đối K+ độc quyền nhưng nay tình hình đã khác. K+ vẫn phát như thế thì buộc các đài phải tự đi mua để phục vụ khán giả của mình. Đó là chuyện bình thường”.

Trước câu hỏi: “VNPayTV có ý kiến gì với các đài về việc nên thống nhất và cử một đài đứng ra mua gói 3 từ IMG, sau đó chia sẻ lại để tránh tình trạng tự ý mua, gây lãng phí, thất thoát tiền của ra nước ngoài?”, ông Lê Đình Cường đáp: “Đó là chuyện của các đài. Họ tự thỏa thuận với nhau. VNPayTV không có quyền can thiệp” ?!

Hoàng Thư

Phan Đăng
.
.
.