Xung quanh cái chết của trọng tài Dương Ngọc Tân: “Tờ giấy” và cơ chế

Thứ Hai, 09/04/2018, 17:09
Sau cái chết của trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân, mọi sự chỉ trích đang nhắm vào việc Ban tổ chức lớp tập huấn đã bỏ qua quy trình kiểm tra sức khoẻ

Thế nhưng, cần nhìn nhận vấn đề theo cả sự rủi ro của nghề nghiệp và cả dấu hỏi trên những tờ giấy khám bệnh được chuyển lên từ các địa phương. 

Tôi từng chứng kiến nhiều người bạn đi xin việc, thậm chí là những việc cần phải có sức khoẻ tốt. Có nhiều trường hợp vì những lý do khác nhau mà họ bỏ qua khâu  khám sức khoẻ, và để hoàn thiện hồ sơ, họ có thể sở hữu một tờ giấy chứng nhận các thông số “đẹp” một cách rất  đơn giản bằng dịch vụ. 

Đấy là điều mà đối với những nghề ngồi bàn giấy có thể không có quá nhiều sự ảnh hưởng trực tiếp. Thế nhưng, với các công việc ưu tiên sức khoẻ, với người khoẻ mạnh thì không sao, còn với những trường hợp có tiền sử bệnh lý, hoặc các vấn đề tim mạch, huyết áp thì đấy là điều rất nguy hiểm.

Sau sự cố của trợ lý Dương Ngọc Tân, Trưởng Ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi có nói rất rõ về quy trình  kiểm tra sức khoẻ của các trọng tài. Đó là ở mỗi kỳ tập huấn trước mùa giải, các trọng tài đều phải tự kiểm tra sức khoẻ tổng thể. Đấy sẽ là kết quả để BTC các lớp tập huấn căn cứ vào đó quyết định xem có cho các trợ lý, trọng tài tham gia bài kiểm tra thể lực hay không. 

Tất nhiên, ở những mùa giải trước đây, BTC lớp tập huấn có kiểm tra sức khoẻ trực tiếp. Tuy nhiên, các cuộc kiểm tra đó không thực sự chuyên sâu. Đó chỉ là sự khẳng định lại các thong số đã có. Thường các trọng tài sẽ chỉ được kiểm tra chủ yếu về huyết áp, tim mạch, mắt.

Theo ông Mùi thì “tờ giấy” kết quả được chuyển từ các địa phương lên mới là căn cứ quan trọng nhất. Và đến đợt tập huấn của các trợ lý, trọng tài trước giải hạng Nhất Quốc gia, không hiểu vì lý do gì mà khâu khám sức khoẻ dù qua loa cũng đã không được thực hiện đúng quy trình.

Cũng theo vị Trưởng Ban trọng tài này thì trước khi tham gia vào phần kiểm tra thể lực, mọi thông số trên giấy tờ của trợ lý Dương Ngọc Tân đều đủ điều kiện. Tuy nhiên, sau khi bị đột quỵ và đưa đi cấp cứu, các bác sĩ kết luận trợ lý Tân đã gặp các vấn đề liên quan đến tim mạch và thận thì tất cả mới sửng sốt. 

Như vậy có nghĩa là những thông số trên giấy tờ kia có thể đã không hoàn toàn chính xác. Và việc trợ lý Tân tham gia vào bài kiểm tra khắc nghiệt để được làm việc ở mùa giải 2018 đã khiến anh phải trả giá. Một câu hỏi được đặt ra, phải chăng nơi khám sức khoẻ cho trợ lý Tâ đã chuẩn đoán sai? Đây là điều hoàn toàn có thể truy cứu cơ sở y tế.

Thế nhưng, một  điều xót xa cần đặt ra, đó là điều gì đã khiến trợ lý Tân nộp một “tờ giấy” khám sức khoẻ không chính xác về các thông số để được tham gia lớp tập huấn? Hay nói đúng hơn, thứ cơ chế nào đã khiến cho các trọng tài, trợ lý sẵn sàng bất chấp tính mạng của mình như vậy?

Đó là sự lỏng lẻo trong quy trình, trách nhiệm với sức khoẻ của các trọng tài đã không được đề cao. Chính thứ cơ chế xin cho, luồn lách, chạy chọt… để được làm việc khiến những “tờ giấy” vô giá trị trở nên hợp pháp. Và tất nhiên, khi quy trình “kiểm tra” đã được bỏ qua thì điều đó càng cho thấy người ta hoàn toàn có thể hợp pháp hoá cả tính mạng của bản thân.

Đây không phải lần đầu tiên trợ lý Dương Ngọc Tân tham gia lớp tập huấn này. Anh từng làm việc ở những mùa giải trước đây và cũng là người đã có nghề. Thế nên, cần nghiêng về một giả thuyết nữa là sự cố sức khoẻ của trợ lý này hoàn toàn đơn thuần chỉ là rủi ro nghề nghiệp. Bởi nếu có tiền sử bệnh tật, chưa chắc anh đã được sử dụng ở những mùa giải đã qua. Việc tất cả truy cứu trách nhiệm vào quy trình kiểm tra sức khoẻ chẳng qua cũng vì  sự mất mát đã ập đến.

Sẽ rất đáng buồn nếu sự ra đi của trợ lý Tân vì “tờ giấy” sức khoẻ chưa được kiểm chứng từ Ban trọng tài VFF. Nhưng sẽ càng thất vọng hơn nếu vì thứ cơ chế quản lý đang hiện hữu đã tạo điều kiện để các trợ lý, trọng tài cơ cơ hội bỏ qua khâu kiểm tra sức khoẻ. Bởi suy cho cùng, vì kế sinh nhai, đôi khi con người sẵn sàng chịu nguy hiểm và cả sự rủi ro.

Tổng cục TDTT muốn làm rõ cái chết của trợ lý Tân

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết: “Tôi cảm thấy rất đau lòng và hụt hẫng trước sự qua đời của trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân. Khi mọi chuyện hậu sự xong, Tổng cục TDTT sẽ tìm hiểu và chỉ đạo xem xét trách nhiệm như thế nào. Vì sao lại có chuyện sai quy trình không kiểm tra sức khỏe như những lần trước khiến cho tổn thất xảy ra như vậy?”. 

Bác sỹ Nguyễn Văn Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Phó Trưởng Ban Y học VFF cho rằng: “Theo FIFA cũng như Hội đồng y học của các Liên đoàn thể thao quốc tế thì những môn thể thao như bóng đá hoặc các môn đòi hỏi tố chất sức bền, sức mạnh bền, nghĩa là vận động thể lực ở mức độ cực đại hoặc cận cực đại thì nguy cơ bị đột quỵ do tim và tử vong do ngừng tim lúc nào cũng thường trực.

Vấn đề đặt ra vấn đề là cần phải kiểm tra sức khoẻ trước mùa giải, nhưng như vậy cũng chỉ là một phần, vì các trường hợp tử vong nói trên đều được kiểm tra nhưng vẫn xảy ra tình trạng ngừng tim và đột quỵ. Vì thế điều quan trọng là công tác thường trực, cấp cứu và xử lý trên sân như thế nào, mà trường hợp của Fabrice Muamba, cựu cầu thủ Bolton bị đột quỵ ở trận Bolton-Tottenham và được cứu sống sau khi tim ngừng đập 78 phút cách đây mấy năm là một dẫn chứng rõ ràng nhất.

Sau sự việc này thì công tác kiểm tra y tế ở VFF càng phải được xiết chặt và việc thường trực cấp cứu trên sân ở tất cả các trận đấu cũng phải được chú ý đặc biệt”.

H.H

Hưng Hà
.
.
.