Thể thao Việt Nam: Cần tạo điều kiện để thầy “nội” phát triển tốt nhất
Thầy nội có năng lực
Chúng ta không vội suy xét rằng thầy nội hơn, hoặc thầy ngoại hơn. Từng môn thể thao cụ thể, trong từng nội dung cụ thể đôi khi VĐV lại hợp với HLV trong nước hơn là HLV nước ngoài. Mặc dù, Tổng cục TDTT luôn hướng đến tìm thuê HLV nước ngoài cho các đội tuyển thể thao quốc gia. Điển hình nhất là môn bóng bàn.
Trong bốn kỳ SEA Games gần nhất diễn ra các năm 2009, 2011, 2013, 2015 thì ban huấn luyện đội tuyển đều là HLV nội. Bây giờ, bóng bàn đã không còn là môn được đầu tư nhóm 1 của ngành thể thao nhưng khi đội tuyển thi đấu tại SEA Games, người hâm mộ vẫn rất quan tâm.
Môn này từng thuê các chuyên gia Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên về huấn luyện nhưng mặt nào đó, sự tương tác với VĐV không phù hợp, đội tuyển vẫn phải sử dụng lại HLV nội. Thi đấu SEA Games 28 tổ chức tại Singapore, ít ai nghĩ bóng bàn nam có thể vào chung kết nội dung đồng đội. Thế nhưng, chúng ta làm được và đoạt huy chương bạc đáng khích lệ. Trong kết quả ấy, năng lực của VĐV một phần, mọi người không phủ nhận công sức của những HLV như Nguyễn Đức Long, Lê Xuân Phong.
Lực sĩ Thạch Kim Tuấn (cử tạ) giờ đã là VĐV tốt nhất hạng 56kg nam của Việt Nam. Thành công của Tuấn đến lúc này có 50% công sức từ ông thầy Huỳnh Hữu Chí. Từ ngày làm quen với tạ đến khi giành suất chính thức dự Olympic 2016, Tuấn chỉ tập duy nhất cùng thầy Chí. Những mức tạ 294kg, 296kg mà Tuấn từng đạt được trong tổng cử tại ASIAD 2014, giải vô địch thế giới 2014 có sự huấn luyện miệt mài của người thầy đó.
Dưới bàn tay huấn luyện của ông Chí, Kim Tuấn đã giành huy chương bạc vô địch thế giới 2014, huy chương đồng vô địch thế giới 2015 và cử tạ nam lần đầu lịch sử có 3 suất chính thức dự Olympic.
Đám học trò vẫn quen gọi HLV Huỳnh Hữu Chí là thầy Chí “bánh mỳ”. Bởi vì, cuộc đời ông thầy người TP Hồ Chí Minh chỉ đam mê với tiếng tạ rơi, với những cữ cử giật cử đẩy. HLV này có thể ở suốt ngày trong phòng tạ huấn luyện mà chỉ cần ổ bánh mỳ ăn là xong bữa.
Nhắc tới chuyên gia chạy đường dài Bùi Lương thì làng thể thao cả nước đều biết.Trước đây 20 năm, ông đã là người huấn luyện ra những chân chạy việt dã, marathon nổi tiếng Việt Nam như Đoàn Nữ Trúc Vân, Nguyễn Thị Hòa, Đặng Thị Tèo…
Bây giờ HLV Bùi Lương đã ngoài 70 tuổi. Ông vẫn huấn luyện. Đám học trò mới nhất của thầy Lương là lứa VĐV điền kinh Bình Phước vừa vô địch giải việt dã leo núi Bà Rá 2016. Ngoài họ, nhiều HLV nội khác đã và đang tạo được ảnh hưởng chuyên môn của mình tới học trò như Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Mạnh Tường (bắn súng), Hà Tùng Lập (cầu mây), Vũ Ngọc Lợi (điền kinh), Trương Tuấn Hiền (TDDC), Đỗ Thành Đạt (xe đạp), Nguyễn Văn Hùng (taekwondo)…
HLV Miura sẽ có buổi làm việc cùng VFF sau giải U23 châu Á. |
Bóng đá cần thầy nội?
Tại Hội nghị triển khai công tác ngành thể thao năm 2016, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Tổng cục TDTT) – ông Hoàng Quốc Vinh đã phát biểu tham luận để tin rằng thể thao nước nhà cần tạo điều kiện hơn nữa để HLV nội phát triển tốt nhất. Trong trao đổi của ông Vinh, một số HLV nội của Việt Nam trong một số môn cụ thể từng được thể thao nước bạn tại Đông Nam Á mời sang làm huấn luyện.
Với bóng đá, việc trọng dụng thầy nội hay thầy ngoại luôn khó đoán định. Nhiều người biết, HLV bóng đá thành công với một CLB hay một đội tuyển phải là người hiểu được học trò. Chính xác hơn, ông thầy phải hiểu được bóng đá Việt Nam mới thành công. HLV Miura là một trong số nhiều HLV từng cập bến huấn luyện đội tuyển. Tiếc cho ông này, thành công về thành tích vẫn chỉ nằm ở chiếc huy chương đồng SEA Games 28-2015 và huy chương đồng AFF Cup 2014. Nếu thầy Miura mà có được chức vô địch AFF Cup như HLV Calisto trong năm 2008, vị thế của ông hẳn đã khác. Điểm mặt các HLV nội đang hội tụ đủ yếu tố có thể đảm trách vai trò lớn như là thuyền trưởng của đội tuyển quốc gia giờ không ít.
Nhiều người luôn nói về HLV Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, Trần Công Minh… Họ đủ tuổi đời lẫn tuổi nghề và là HLV trưởng một CLB tại V-League. Tuy vậy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tin tưởng để thật sự giao việc cho ai mới quan trọng. Khác biệt ở bóng đá tây với bóng đá ta là HLV khi được bổ nhiệm làm HLV trưởng một đội tuyển là họ không còn thuộc CLB cũ. Ở ta, nhiều trường hợp HLV nội được lên làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia nhưng vẫn là người của CLB và xem như việc lên tuyển như nhiệm vụ tạm thời không phải lâu dài.
U23 Việt Nam rời Qatar với 0 điểm Trận vòng bảng cuối cùng của U23 Việt Nam với U23 UAE tại vòng chung kết U23 bóng đá nam châu Á 2016 đã kết thúc tối 20-1 ở Qatar. Một lần nữa, đội bóng chúng ta không giành được điểm nào trước đối thủ khi để thua 2-3. Chia sẻ ngay sau trận đấu trên báo giới, HLV Miura cho biết ông không trách các cầu thủ về trận thua trước U23 UAE. Ông cho rằng, cầu thủ của mình trẻ nên thiếu kinh nghiệm và giải đấu mang lại cho các học trò nhiều trải nghiệm quý báu. Khép lại giải đấu, đội U23 Việt Nam đứng cuối bảng D với 0 điểm do thua cả 3 trận trước U23 Jordan, U23 Australia và U23 UAE. Trong các trận góp mặt, cầu thủ của HLV Miura ghi được 3 bàn nhưng để thua 8 bàn. Chưa kể, tại trận cuối, cầu thủ Công Phượng đã chấn thương gãy xương vai sau một pha tranh chấp với đối phương. Ngay sau trận với U23 UAE, các thành viên của chúng ta đã trở về Việt Nam trong ngày 21-1. Chắc chắn, lãnh đạo VFF và các ban chuyên môn sẽ có buổi làm việc với ông Miura về chuyên môn đội U23 tại giải đấu. D.P. |