Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede chia tay VFF:

Tạm biệt "Zico Đức", người có nhiều đóng góp với bóng đá Việt Nam

Thứ Ba, 05/05/2020, 08:14
Quá trình 4 năm gắn bó cùng VFF của Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Hans-Juergen Gede chuẩn bị đi đến hồi kết.

Mặc cho những thành quả mang về cho bóng đá Việt Nam thời gian qua, ông không có cơ hội tiếp tục làm việc nữa dù còn rất nhiều hoài bão còn dang dở với giấc mơ World Cup.

Đến Việt Nam sau 5 lần được mời

Để có được Hans-Juergen Gede trên cương vị GĐKT, VFF đã phải mất đến 5 năm theo đuổi với 5 lời mời. Với kinh nghiệm 20 năm làm việc ở bóng đá châu Á, ông Gede từ lâu đã tìm hiểu và nắm được khá nhiều thông tin về bóng đá Việt Nam. Đáng tiếc là 4 lời mời đầu tiên của VFF đều bị ông Gede từ chối vì vẫn đang còn hợp đồng với CLB chủ quản ở Iran.

Thời còn thi đấu, Gede là một cầu thủ khá nổi danh tại Đức. Không quá cao lớn lại chơi bóng rất kỹ thuật, Gede được ví như "Zico Đức" ở thập niên 80. Sau ngày giải nghệ, Gede từng làm HLV trưởng Fortuna Dusseldorf một mùa giải trước khi đến châu Á làm việc. 

Ông bôn ba qua nhiều đất nước như Iran, Uzbekistan hay Bahrain, dẫn dắt từ ĐTQG đến những CLB hàng đầu ở khu vực Tây-Trung Á. Trước khi làm việc cho VFF, một CLB Việt Nam đánh tiếng mời Gede vào năm 2008 nhưng ông đã từ chối. 

Để chuẩn bị cho ngày đến Việt Nam làm việc, Gede còn một mình thân chinh đến dải đất hình chữ S du ngoạn để mắt thấy tai nghe về nơi có thể ông sẽ gắn bó dài hạn trong tương lai. Đã chứng kiến sự phát triển không ngừng tại đây nên Gede lập tức nhận lời khi có cơ hội làm việc ở Việt Nam mà không bị ràng buộc.

"Ông ấy là một lựa chọn hoàn hảo để nâng tầm bóng đá Việt Nam ở cấp độ châu lục", một cựu cầu thủ từng làm việc với Gede nhận xét khi biết tin ông sắp đến Việt Nam làm việc. 

"Gede có tất cả những tố chất mà VFF muốn có, từ kinh nghiệm đến am hiểu văn hóa châu Á. Quan trọng hơn cả, ông ấy trân trọng bóng đá Việt Nam và rất hào hứng với công việc này. Nếu có thể thì ngoài HLV Đức, Việt Nam cần thuê cả HLV thể lực và bác sĩ từ Đức nữa".

LĐBĐ Việt Nam không phải đơn vị duy nhất muốn có Gede trong mùa hè 2016. Ngoài một CLB hạng dưới ở Đức, đội bóng Hedefspor của Tajikistan cũng muốn chiêu mộ ông. Bản thân cựu cầu thủ Schalke 04 cũng muốn làm việc gần nhà để có thời gian cho vợ nhưng cuối cùng, bà lại chính là những người động viên ông tiếp tục lên đường. 

Họ muốn thấy ông phát triển sự nghiệp ở Việt Nam. Với kinh nghiệm làm việc phong phú ở châu Á, Gede không mất nhiều thời gian để mang về thành công tức thời cùng các đội tuyển quốc gia. Cố vấn kiêm siêu trợ lý Gede là kiến trúc sư thầm lặng trong chuỗi thành tích ấn tượng chưa từng có từ trước đến nay của bóng đá Việt Nam. 

Kỳ tích tham dự U20 World Cup, lọt vào chung kết U23 châu Á hay vô địch SEA Games có được nhờ hàng trăm trận đấu ông Gede đến theo dõi, quan sát ở các giải trẻ cùng các đồng sự người Việt.

Cùng với HLV Hoàng Anh Tuấn, ông Gede là người có công lớn đưa U20 Việt Nam dự World Cup.

Đoạn kết dang dở

Công việc của Gede đang trơn tru thì ông vướng vào một phát biểu gây mếch lòng cấp trên. Bản thân Gede khẳng định ông chưa bao giờ nói thế, nhưng trích dẫn “ở Việt Nam có những người không tạo điều kiện cho tôi làm tròn trách nhiệm" lại dần trở thành sự thật hiển hiện ngay trước mắt vị chuyên gia Đức. 

Công việc chính của Gede là xây dựng đồng bộ giáo án tập luyện từ lứa trẻ và vạch ra kế hoạch trong tương lai. GĐKT đề ra là một chuyện, còn các đơn vị làm hay không lại là chuyện khác. 

Với tính cách thẳng thắn của người Đức, Gede không ngần ngại chỉ ra những vấn đề cố hữu của bóng đá Việt Nam nhưng điều đó lại khiến ông mếch lòng những ông bầu, những nhà quản lý. 

Một con người đổi mới dần nhận ra thật khó làm việc giữa những đồng sự mang tư duy cũ kỹ trong một hệ thống cũ kỹ nhưng lại mang giấc mơ World Cup.

Gede đề xuất mỗi đội đều phải có HLV thể lực, HLV thủ môn và thậm chí là cả chuyên gia dinh dưỡng. Đáp lại ông, CLB Hà Nội, hình mẫu phát triển bóng đá hàng đầu cả nước bổ nhiệm HLV thể lực được vài tháng thì chấm dứt hợp đồng với lý do "không phù hợp với văn hóa làm việc". 

Gede muốn cầu thủ được giáo dục tốt hơn, tránh sa đà vào mạng xã hội nhưng chẳng CLB nào quan tâm làm điều đó cả. Hậu quả là thủ môn Văn Toản từng suýt mất nghiệp cầu thủ vì bị CLB Hải Phòng phát hiện trốn đi chơi điện tử. Tư duy "chưa muốn phát triển" của các CLB là một rào cản lớn khác ngăn Gede làm việc. 

Ngoài một số nơi như lò Viettel hay PVF, điều kiện sân bãi tập luyện của các CLB thực sự tồi tệ. Những sân vận động như Lạch Tray, Vinh trở thành điểm đen nhiều năm qua với mặt cỏ “kinh hoàng” nhưng chỉ mới được cải thiện ít hôm trước. 

Còn ở giải VĐQG, các cầu thủ trẻ gần như không có cơ hội ra sân vì bệnh thành tích của HLV. Họ muốn cho cầu thủ có kinh nghiệm vào đá, gạt cầu thủ trẻ ra ngoài.

Việt Nam hiện đang nuôi giấc mơ tham dự World Cup 2026 nhưng đến ngày chuẩn bị về nước, Gede mới thẳng thừng khẳng định "Giữ mục tiêu ra thế giới thì chúng ta không thể cứ phát triển thế này được". 

Một vài cá nhân xuất chúng như Quang Hải, Văn Hậu không đủ để kéo cả một đội tuyển giành vé với những đội bóng sừng sỏ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia. Gede ra đi với vô vàn trăn trở về bóng đá Việt Nam mà ông không thể thực hiện.

Đơn Ca
.
.
.