Phe vé đang trục lợi từ tình yêu của người hâm mộ

Thứ Bảy, 01/12/2018, 08:24
Nạn phe vé hoành hành trước mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018 cho thấy một thực trạng khá đáng buồn của nên bóng đá xứ sở hình chữ S khi tình yêu của người hâm mộ đang bị trục lợi thành dịp làm giàu cho một số người.

Không phải bây giờ chuyện phe vé "lộng hành" mới là vấn đề của bóng đá Việt Nam tuy nhiên nó đang trở nên vô cùng nóng bỏng tỷ lệ thuận với tình yêu bóng đá lớn lao của người hâm mộ giành cho thầy trò HLV Park Hang-seo. 

Giải đấu năm nay diễn ra đúng 10 năm sau kỳ tích vô địch của đội tuyển Việt Nam vào năm 2008, chu kỳ 10 năm của bóng đá Việt Nam được nhiều người tin tưởng cũng chính vì thế mà các trận đấu của thầy trò HLV Park Hang-seo đặc biệt là trên sân nhà càng thu hút sự chú ý của người hâm mộ.

Phải nói rằng mong muốn sở hữu một tấm vé vào sân để chứng kiến tận mắt những cầu thủ nước nhà thi đấu của mỗi người hâm mộ đều là nhu cầu chính đáng và đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên sức chứa của các sân vận động là có hạn so với số lượng những cổ động viên(cđv) muốn vào sân do đó gần như chắc chắn sẽ có không ít những người hâm mộ buộc phải đứng ngoài sân tại mỗi trận cầu nỏng bỏng. 

Cũng chính vì thế mỗi khi có một trận đấu hấp dẫn sẽ không lạ khi bắt gặp cảnh hàng dài các CĐV xếp hàng liên tục nhiều giờ, thậm chí ngủ qua đêm ngoài đường để sở hữu được một tấm vé vào sân.  Những hình ảnh đó không phải là điều lạ ở nước ta cũng như trên thế giới.

Hàng dài người đến nhận vé tại trụ sở VFF trong sáng 30-11. 

Vấn đề chính ở đây là sự minh bạch trong quá trình những chiếc vé đến tay khán giả. Không khó để thấy nhiều điều "khó lý giải" trong quá trình bán vé của AFF Cup năm nay. Đơn cử mới nhất là trận đấu Việt Nam- Malaysia tại vòng bảng. 

Trước trận đấu vài ngày, hàng nghìn người hâm mộ rồng rắn xếp hàng tại Mỹ Đình, vẫn biết số lượng vé được bán ra của nước chủ nhà là có hạn và với nhu cầu quá đông thì rất khó để đáp ứng hết cung không đủ cầu thì tất yếu giá sẽ được đẩy lên rất cao.

Những chiếc vé vốn có giá từ vài trăm nghìn được đẩy lên gấp cả chục lần. Đơn cử như một cặp vé tại khán đài A có giá gốc  chỉ 1 triệu đồng nhưng khi qua tay dân phe sẽ được hét tới mức 10 triệu. Buôn một bán mười, mức lợi nhuận khổng lồ chắc chắn còn khiến nhiều người tham gia vào việc buôn bán này chừng nào tình yêu của người hâm mộ giành cho đội bóng áo đỏ sao vàng còn cháy bỏng.

Nhưng sự khó lý giải nhất với những người hâm mộ ở đây là nguồn cung vé của dân phe ở đâu ra. Nguyên nhân có thể đến từ một phần từ viêc những nhóm phe vé bố trí một lượng người xếp hàng rất đông để mua họ sẵn sàng thuê người đứng đợi từ nhiều giờ thậm chí từ nửa đêm để có vé. Một nguồn khác đến từ những người có được vé rồi nhưng lại sẵn sàng bán lại cho dân phe do được trả mức giá cao hơn. 

Điển hình nhất cho điều này là những gì đã diễn ra ngoài trụ sở của VFF vào sáng 30-11 khi người đặt mua vé online đến nhận vé. Sau nhiều giờ đứng đợi nhiều người sở hữu được cặp vé đã sẵn sàng bán ngay khi được dân phe hỏi mua với mức giá cao hơn nhiều lần.

Song những nguồn cung trên có lẽ là không đủ để lý giải về lượng vé lớn mà dân phe nắm giữ được. Dường như dân phe vé Việt Nam có một biệt tài đặc biệt khi mà vé chưa được chính thức phát ra nhưng họ đã có thể rao bán trên các mạng xã hội. 

Cụ thể vào ngày 29-11(1 ngày trước khi VFF tiến hành trả vé mua online cho người hâm mộ) trên một diễn đàn bóng đá đã có người rao bán hàng loạt cặp vé trận Việt Nam - Philippines trong đó cặp vé đắt nhất có mức giá 7 triệu đồng (gấp 7 lần mức giá gốc). Chưa bàn đến người bán có thực sự có vé không nhưng điều này cũng cho thấy dường như cách bán vé những trận đấu lớn tại Việt Nam đang có nhiều vấn đề phải bàn.

Và phe vé vẫn xuất hiện... để chào mua vé từ người hâm mộ với giá cao ngất ngưởng để sau đó thu lợi gấp nhiều lần nữa khi bán ra.

Sau những cảnh tượng "hỗn loạn" tại các lần bán vé trực tiếp, VFF đã tiến hành thử bán một phần vé online tại trận đấu cuối cùng của đội tuyển Việt Nam ở vòng bảng gặp Campuchia và sau đó là bán 100% qua trang web trong trận bán kết lượt về. Tuy nhiên xem là hình thức mới này chưa đạt được kỳ vọng là giải quyết triệt để những rắc rối từ quá trình bán vé. 

Sáng 28-11 khi mở bán vé online, nhiều người hâm mộ đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi không thể mua được vé dù đã tìm mọi cách và truy nhập cả bốn đường dẫn đến trang web bán vé trực tuyến đặc biệt hơn khi chỉ sau vài phút mở bán xuất hiện thông báo hết vé.

Quá bức xúc nhiều người đã tới "bao vây" trụ sở VFF để quyết "tìm ra sự thật" tạo ra khung cảnh mất trật tự, mọi chuyện chỉ ổn định trở lại sau khi lực lượng công an xuất hiện. Trước tiên người viết không đồng tình với các hành vi gây rối trật tự tuy nhiên cần đồng cảm với bức xúc của nhiều người trước sự kiện bất thường này. Họ có quyền thắc mắc việc tại sao một lượng vé lớn lại có thể bán hết nhanh đến vậy trong chỉ vài phút. Dù sao đó VFF có đưa ra thông báo rằng hệ thống đã bị quá tải và có những trục trặc và sai sót nhất định trong quá trình mở bán nhưng lời giải thích đó vẫn không "thỏa mãn" nhiều người hâm mộ.

Nhìn sang các nước láng giềng đặc biệt là các nước đang dự vòng bán kết AFF Suzuki Cup có thể thấy việc phân phối vé không tạo ra nhiều "sóng gió" như ở nước ta. Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM bán vé trận bán kết trên sân nhà của đội tuyển theo 2 phương thức trực tuyến và trực tiếp. Hôm qua (29-11), toàn bộ các quầy vé của LĐBĐ Malaysia và đại lý được ủy quyền đã "cháy vé" chỉ sau khoảng 3 giờ mở bán. Có 40.000 vé trận bán kết lượt đi giữa Malaysia và Thái Lan được bán theo phương thức truyền thống này. Tuy nhiên FAM không bán hết con số kể trên mà giao lại khoảng 25% vé cho đối tác là Al-Ikhsan Sports và Football Republic. FAM bán vé tại sân Bukit Jalil, trong khi hai đơn vị còn lại tổ chức bán vé tại các trung tâm thương mại ở Kuala Lumpur.

Người hâm mộ Malaysia cũng xếp hàng đứng đợi nhiều giờ như ở Việt Nam thậm chí cổ động viên cuồng nhiệt, có cả phụ nữ, xin nghỉ làm để hòa vào dòng người đứng chờ từ sáng sớm bên ngoài các trung tâm thương mại. tuy nhiên không có tình trạng lộn xộn. Theo Fox Sports Asia, việc mua bán vé tại các địa điểm đều diễn ra rất trơn tru và nhanh chóng, không giống những trải nghiệm tồi tệ do phải xếp hàng quá lâu và đơn vị tổ chức chậm chạp như thường lệ.

Trong khi đó tại Thái Lan, từ vòng bảng, toàn bộ số lượng vé vào sân các trận đấu AFF Cup 2018 đã được bán trực tuyến thông qua một đơn vị thứ ba uỷ quyền. Còn ở  Philippines, vé trận bán kết lượt đi AFF Cup 2018 được bán dưới hình thức trực tiếp và online. Trong đó, đối với hình thức online, vé được phân phối thông qua một hệ thống phân phối vé chuyên nghiệp bên thứ ba.

Như vậy cả ba nước còn lại có đội tuyển lọt vào bán kết AFF Cup 2018 đều lựa chọn các hệ thống phân phối chuyên nghiệp và sẵn cơ sở, hạ tầng phân phối vé trực tuyến bên thứ ba để làm thay nhiệm vụ của mình. Trong khi đó VFF lại chọn một đối tác "chưa mấy tên tuổi" trong dịch vụ bán hàng trực tuyến để làm kênh phân phối vé chính điều này được nhiều người cho là nguyên nhân chính cho sự cố hôm 28-11 vừa rồi.

Tất nhiên "mọi sự so sánh đều là khập khiễng" song cần lắm một cơ chế bán vé minh bạch, đảm bảo sự công bằng, để những chiếc vé, quyền được vào sân vận động của những cổ động viên chân chính có thể đến với những chủ nhân thực sự xứng đáng. Nhiều người sẵn sàng trả giá rất cao cho để mua vé từ "chợ đen" tại những trận đấu hấp dẫn nhưng ngược lại có những trận đấu của đội tuyển từng "ế vé". 

Có chăng nên hình thành một cơ chế "tính điểm" người hâm mộ để cho những CĐV đặc biệt nhiệt thành có nhiều cơ hội hơn được vào sân theo dõi trận đấu qua đó cũng ngặn chặn nạn phé vé hoành hành dữ dội như thời gian qua.

N.Bình
.
.
.