Nếu bầu Đức làm Chủ tịch VFF…

Chủ Nhật, 01/04/2018, 17:24
Thì đấy sẽ là một bất ngờ đầy thú vị ở kỳ Đại hội khoá VIII của VFF. Thế nhưng, điều này khó xảy ra khi ông bầu phố Núi một mực không thay đổi quyết định rút lui khỏi VFF.

Đại hội VIII của VFF bỗng dưng trở nên ồn ào có phần quá đà liên quan đến phát ngôn của bầu Đức nhắm vào ông Trần Anh Tú và cả tổ chức VFF cũng như Tổng cục TDTT. Thế nhưng, hãy tạm gác tất cả các vấn đề ấy sang một bên để nghiêng về giả thuyết: bầu Đức làm Chủ tịch VFF.

Trong “triều đại” của các ông bầu, cùng với bầu Kiên thì bầu Đức là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong làng bóng đá Việt Nam. Đấy là những ông bầu máu bóng đá, có cá tính và đặc biệt là sẵn sàng phản biện trước những vấn đề nổi cộm khi cần thiết. 

Những ông bầu này đều từ chỗ làm chủ đội bóng đến việc “làm chủ” các tổ chức bóng đá hàng đầu Việt Nam như VFF, VPF. Và tuyệt nhiên, từ bầu Kiên đến bầu Đức dù làm quan chức bóng đá cũng chỉ giữ vai trò cấp phó.

Ở VPF bầu Kiên và bầu Đức chỉ chịu làm cấp phó cho bầu Thắng. Điều này xuất phát từ việc những ông bầu này đề cao cái tầm của “người anh cả” trong lĩnh vực kinh doanh. 

Bầu Đức được giới thiệu cho chức danh Chủ tịch VFF. Ảnh: HT.

Bên cạnh đó, những ông bầu “chỉ chịu làm phó” này muốn đứng đằng sau để thể hiện tính khách quan cũng như không ra mặt trong nhiều vấn đề nhạy cảm. Bên cạnh đó là việc điều hành trực tiếp công việc với các doanh nhân này ở một tổ chức bóng đá là không thể vì công việc kinh doanh. Tuy nhiên, thời điểm VPF ra đời thì tất cả đều hiểu rằng người quyền lực nhất chính là bầu Kiên. Sau này, khi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý thì bầu Thắng bất đắc dĩ phải “nhiếp chính” 6 năm trước khi chuyển giao cho bầu Tú.

Còn ở VFF, bầu Đức cũng từng tuyên bố chỉ ra làm phó nếu “người anh em” Lê Hùng Dũng trúng cử chức Chủ tịch. Và sau Đại hội khoá VII thì bầu Đức cũng chịu làm Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính để cùng với “bầu” Dũng ngồi trên con thuyền VFF. 

Nhưng sau nửa nhiệm kỳ, Chủ tịch Lê Hùng Dũng rút lui vào hậu trường vì lý do sức khoẻ thì bầu Đức cũng đã thể hiện được phần nào đó vai trò “làm trưởng” của mình bên cạnh Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn. 

Minh chứng rõ nhất này là ông chủ trương cầm cờ trong việc đòi sa thải HLV Miura và hậu thuẫn để HLV Hữu Thắng thay thế dẫn dắt ĐTQG và U23 Việt Nam. Sau khi U22 Việt Nam thất bại ở SEA Games 29, cũng chính bầu Đức đã giúp VFF đưa HLV Park Hang-seo về thay thế Hữu Thắng. Đấy là bước ngoặt đóng góp vào chiến tích của U23 Việt Nam tại VCK U23 Châu Á.

Bây giờ nhìn vào những diễn biến trước thềm Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII, bầu Đức cũng đang khẳng định được tầm ảnh hưởng của mình. Cụ thể là trong việc công kích bầu Tú vì cho rằng ông này nắm quá nhiều chức danh, không thể ứng cử thêm Chức Phó Chủ tịch phụ trách tài chính. 

Sau đó đến việc phản ứng chuyện ông không có tên trong danh sách ứng cử dù được các thành viên VFF giới thiệu. Cũng từ đó mà những sai sót về mặt lý của Tiểu ban nhân sự Đại hội cũng được vạch ra khiến bộ phận này phải sửa sai bằng việc gia hạn thời gian cho các thành viên giới thiệu bổ sung lần 2.

Và khi danh sách bổ sung được công bố thì bầu Đức bất ngờ được đề cử cho chức Chủ tịch VFF chứ không phải là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính như lần 1 mà ông từng bị gạch tên. Thế là bỗng nhiên ông chủ của đội bóng phố Núi trở thành ứng viên nặng ký trong số những nhân vật còn lại. 

Tuy nhiên, cần nhớ rằng bầu Đức luôn nhiều lần khăng khăng từ chối vị trí này. Trước đây ông đưa ra lý do xin rút lui là vì công việc kinh doanh. 

Có lần, trao đổi với người viết, bầu Đức nói: “Lý do bởi công việc kinh doanh của tôi không cho phép. Tôi chỉ có thể đóng vao trò trợ giúp ở cấp phó chứ không thể giữ vai trò chủ lực được. Những người có đủ điều kiện thời gian, trình độ làm sẽ tốt hơn tôi rất nhiều”.  

Bây giờ, khi nhiều vấn đề bất cập trước thềm Đại hội VIII của VFF xuất hiện thì bầu Đức lại đưa ra nguyên nhân ông muốn rút lui vì: “Tổ chức này không minh bạch thì tôi vô đó để làm gì đâu. Một người giữ 7-8 ghế thì làm gì nữa mà làm”. Đến đây có thể hiểu, bầu Đức từ chối làm Chủ tịch khi đã thực sự bất mãn với chính những người đồng hành với mình trên con thuyền VFF.

Thế nên, nếu bầu Đức làm Chủ tịch VFF, có lẽ điều kiện đầu tiên là phải giải quyết được tất cả những lý do mà ông đưa ra. Điều đó đồng nghĩa với việc VFF sẽ phải cải tổ một cách toàn diện. Ông Lê Hùng Dũng là doanh nhân đầu tiên làm Chủ tịch VFF. Rất nhiều người đã đặt kỳ vọng bầu Đức sẽ là nhân vật thứ 2 khi nhìn vào những đóng góp của ông cho bóng đá Việt Nam.

Nhưng tất cả đều có tính 2 mặt. Và chính bầu Đức hơn ai hết là người biết ngửi thời cuộc để biết quyết định thế nào cho tốt. Còn trong bối cảnh mà hàng loạt các thông tin thực-giả trước thềm đại hội xuất hiện, thật khó để nhìn ra đâu là sự lựa chọn tốt nhất cho chức danh Chủ tịch.

3 vị trí chủ chốt VFF được giới thiệu bổ sung

VFF đã lên danh sách đề cử bổ sung ứng viên cho nhiệm kỳ VIII. Theo đó, 3 vị trí lãnh đạo chủ chốt đợt bổ sung là ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL (đề cử chức Chủ tịch VFF), ông Trần Văn Liêng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Ca cao Việt Nam (đề cử phó Chủ tịch tài chính), ông Phạm Văn Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT (đề cử phó Chủ tich phụ trách chuyên môn).  

Còn lại có 4 người được đề cử bổ sung cho vị trí Uỷ viên BCH là ông Nguyễn Tấn Anh – Trưởng đoàn HAGL, Trần Đình Huấn – GĐ TT Thể thao Thống Nhất, Nguyễn Húp – Chủ tịch CLB Quảng Nam và Dương Văn Hiền – Trưởng bộ môn GDTC, Trường ĐH KHXHNV.

H.H


Hưng Hà
.
.
.