VFF học gì từ Hàn Quốc?

Thứ Sáu, 23/03/2018, 08:59
Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp tác với LĐBĐ Hàn Quốc trước khi nhiệm kỳ VII khép lại. Sau những bài học dở dang từ “mối tình” với người Nhật, bây giờ, chúng ta sẽ học được điều gì từ người Hàn Quốc?

Năm 2014, sau khi trúng cử chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII, Chủ tịch Lê Hùng Dũng trong nhiều quyết sách chiến lược của mình, ông đã tuyên bố đưa bóng đá Việt Nam đi theo con đường của bóng đá Nhật Bản. Theo quan điểm của lãnh đạo VFF, Nhật Bản và Việt Nam cùng ở châu Á, có nền văn hoá khá giống nhau nên có những nét tương đồng cả về mặt văn hoá và thể thao, trong đó có bóng đá.

Lễ ký hợp tác giữa LĐBĐ Việt Nam (VFF) và LĐBĐ Hàn Quốc (KFA).Ảnh: H.A..

Khi nhậm chức Chủ tịch VFF khoá VII, ông Lê Hùng Dũng đã nói rằng, sự ưu việt và sức mạnh của người Nhật là ở tính kỷ luật, hệ thống, thận trọng nhưng chắc chắn, họ không tiến hành vội vàng nhưng đến một lúc nào đó, lượng sẽ đổi thành chất trên một nền tảng rất vững chắc. Nếu đi theo cách này, chúng ta sẽ xây nhà từ móng đến phần thân và cuối cùng đến phần mái.

Và cũng chính vì vậy mà VFF đã tiến hành ký kết bản hợp tác toàn diện với LĐBĐ Nhật Bản. VFF cũng đã chính thức đi theo con đường “Nhật hoá” với nhiều thay đổi mạnh mẽ về mặt con người. Nhờ sự giới thiệu của LĐBĐ Nhật Bản, VFF đã chọn HLV Miura làm HLV trưởng ĐTQG và U23 Việt Nam thay thế người tiền nhiệm Hoàng Văn Phúc. 

Và không chỉ riêng ông Miura, nhiều chuyên gia, HLV người Nhật cũng đã từng đến Việt Nam làm việc trong giai đoạn đó. Trong đó phải kể đến HLV Norimatsu Takashi giữ vai trò HLV trưởng tuyển nữ.

Chuyên gia Tanaka Koji cũng từng là Trưởng BTC V.League 2014, chuyên gia Kazuyoshi Tanabe (đã qua đời) cũng từng làm cố vấn cho Chủ tịch HĐQT VPF. Thế rồi, tất cả những người Nhật đến Việt Nam đều thất bại, chỉ riêng HLV Miura ít nhiều có dấu ấn. Tuy nhiên, ông vẫn được phần lớn giới chuyên gia đánh giá là không phù hợp với bóng đá Việt Nam.

Tư tưởng “Nhật hoá” ăn sâu đến nỗi mà ngay cả bầu Đức cũng muốn HAGL đi theo con đường này.

Năm 2014, sau khi giải U19 Đông Nam Á kết thúc với cơn sốt mang tên U19 Việt Nam, bầu Đức đã từng muốn mời HLV U19 Nhật Bản Suzuki Masakazu về đảm nhiệm cương vị Giám đốc kỹ thuật cho HAGL. Bởi ông cho rằng,  HLV Suzuki Masakazu đã xây dựng cho U19 Nhật Bản rất giống với lối chơi mà HLV Graechen xây dựng cho HAGL. Bầu Đức muốn nâng tầm HAGL bằng một  người Nhật.

Thậm chí bầu Đức còn đưa những cầu thủ tốt nhất của HAGL là Tuấn Anh, Công Phượng sang Nhật đá J.League 2. Đấy được xem là hình thức “du học” chất lượng mà ông muốn dành cho tương lai. Thế nhưng, kế hoạch này cũng không trọn vẹn. Công Phượng và Tuấn Anh sang Nhật chỉ đóng vai trò là những “đại sứ thương mại” nhiều hơn là thể hiện chuyên môn.

Không phủ nhận, với sự hợp tác chiến lược ấy mà VFF cũng nhận được nhiều bản hợp đồng tài trợ cho các ĐTQG đến từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Đấy có thể coi là một trong những điểm sáng trong bản cam kết của hai nền bóng đá. Tuy nhiên, tất cả đều không  phải là những mối lương duyên mang tầm chiến lược.

Nhiệm kỳ VII của VFF mới đi qua được nửa chặng đường thì Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng rút lui vào hậu trường vì lý do sức khoẻ. Từ đó mà chiến lược hợp tác với Nhật Bản cũng “vỡ” dần. Tầm nhìn mà vị Chủ tịch VFF đầu tiên là doanh nhân ấy đã không thể đi được trọn vẹn đến cuối cùng như những mục tiêu đã đề ra ban đầu.

Và khi nhiệm kỳ VII sắp kết thúc thì Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã xuất hiện trực tiếp trong sự kiện ký kết hợp tác giữa VFF và LĐBĐ Hàn Quốc. Thực tế thì mối quan hệ giữa hai Liên đoàn bóng đá cũng đã được siết chặt từ nửa cuối nhiệm kỳ VII với vai trò ngoại giao của Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn.

Hàn Quốc cũng đã giúp bóng đá Việt Nam qua nhiều sự kiện như VCK U20 World Cup 2016 và các chuyến tập huấn của ĐTQG, U23 cho những giải đấu lớn. Đặc biệt sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo với chiến tích cùng U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 đã đặt dấu ấn lớn của người Hàn tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì: “Đây có thể xem là một sự kiện sẽ mang tính bản lề trong mối quan hệ giữa VFF và KFA, góp phần tạo ra những tác động tích cực đối với sự phát triển chung của hai nước. Liên đoàn bóng đá hai nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm đào tạo bóng đá trẻ, phối hợp thông qua các chương trình hội thảo, hỗ trợ các trọng tài FIFA sang làm nhiệm vụ quốc tế”.

Nhìn vào những mục tiêu và nội dung trong cuộc hợp tác lần này với người Hàn Quốc, không có quá nhiều điểm khác biệt so với sự hợp tác hồi đầu nhiệm kỳ với người Nhật Bản. Câu hỏi được đặt ra, liệu rằng tầm nhìn mới mẻ này của những người đang ở giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ” có được bộ máy lãnh đạo mới của VFF tiếp tục phát triển? Và chúng ta liệu sẽ học được gì từ một nền bóng đá phát triển khi bản thân không thay đổi?

Một câu hỏi chắc chắn sẽ rất khó trả lời khi bây giờ, cuộc chạy đua vào các chức danh chủ chốt của VFF khoá VIII đang “nóng”. Tất cả chưa rõ người đứng đầu ở nhiệm kỳ mới có chấp nhận “Hàn hoá”. Thế nên, có thể thấy hiệu quả và tính khả thi trong chiến lược hợp tác lần này vẫn đang bỏ ngỏ.

Hưng Hà
.
.
.