Nếu Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm Chủ tịch VFF...

Thứ Năm, 02/08/2018, 08:53
Thì đấy sẽ là một bất ngờ thú vị ở VFF khoá VIII. Bởi đó sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, một Bộ trưởng đương nhiệm Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) kiêm luôn chức danh Chủ tịch VFF.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện có thích bóng đá không? Chắc chắn là có. Bởi không phải ông là một người đứng đầu Bộ VHTT&DL, phải quản lý cả lĩnh vực thể thao rộng lớn, trong đó có bóng đá mà buộc phải yêu thích nó. Mà hãy nhìn vào cách ông sát sao, thậm chí có lúc gay gắt với bóng đá.

Từ đầu nhiệm kỳ của mình, ông Thiện gần như không bỏ qua trận đấu quan trọng nào của ĐTQG trên sân Mỹ Đình. Nhưng tất nhiên ông đến sân không phải chỉ xem bóng đá với tư cách một người hâm mộ. 

Nhắc đến chuyện xem bóng đá, thậm chí cay cú về bóng đá, tôi nhớ đến những chia sẻ từ hậu trường của một vị quan chức VFF sau trận bán kết AFF Cup 2016, khi ĐT Việt Nam thua đau trước Indonesia. 

Lúc đó, chính Bộ trưởng Thiện là một trong những lãnh đạo cấp cao đã ở lại sau cùng, và ông cũng có những ý kiến khá gay gắt về tình huống phi thể thao của thủ thành Nguyên Mạnh bị trọng tài rút thẻ đỏ - nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ĐT Việt Nam bị loại.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thăm U23 Việt Nam trước thềm ASIAD 18. Ảnh: H.A.

Sau này, trong một số hội nghị ngành Thể thao, Bộ trưởng Thiện cũng từng nhiều lần nhắc lại câu chuyện của Nguyên Mạnh như một bài học trong công tác giáo dục, huấn luyện VĐV. 

Ông cũng từng đưa ra quan điểm VFF và những HLV trực tiếp cần giáo dục tư tưởng cho chính các cầu thủ bên cạnh công tác chuyên môn. Bởi lẽ, đã đến sân chơi chuyên nghiệp, ra đấu trường quốc tế, không thể mang tư tưởng bản ngã, mất kiểm soát bản thân như vậy.

Cũng vì thế mà từ năm 2017, Tổng cục TDTT, VFF đã có những ý kiến chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề ngăn chặn bạo lực sân cỏ và những hành vi phi thể thao tại các giải chuyên nghiệp Việt Nam, đặc biệt là V.League. 

Bởi lẽ, các cầu thủ đều khởi nghiệp từ các CLB tại V.League và phần nào ảnh hưởng tư tưởng, văn hoá đến ĐTQG. Và cũng không biết vì vô tình hay bởi sự chỉ đạo ngầm nào mà các HLV sau đó cũng không triệu tập Nguyên Mạnh trở lại ĐTQG.

Đấy chỉ là một trong những câu chuyện điển hình của việc Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đi xem bóng đá và sát sao với bóng đá. Việc ông thích bóng đá là có, còn ông có thực sự đam mê với bóng đá hay không thì khó có thể đong đo chỉ bằng những trận đấu ông có mặt trên khán đài. 

Tuy nhiên, là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Chính phủ về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực thể thao, bóng đá, ông Thiện chắc chắn không thể không quan tâm một cách sát sao.

Và bây giờ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện từ chỗ thích bóng đá, có trách nhiệm với bóng đá trong lĩnh vực quản lý của mình thì sẽ đứng trước việc có thể làm bóng đá một cách trực tiếp. Bởi lẽ, sau những biến động về vấn đề nhân sự trước thềm Đại hội VFF khoá VIII, ông Thiện bất ngờ được giới thiệu vào danh sách đề cử bổ sung vị trí Chủ tịch. 

Nếu ông Thiện được Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL giới thiệu ra tranh cử và trúng cử trở thành Chủ tịch VFF khoá VIII, đó sẽ là một dấu ấn mới ở thượng tầng bóng đá Việt Nam. Đó sẽ là lần đầu tiên một Bộ trưởng đương nhiệm kiêm Chủ tịch VFF.

Chuyện Bộ trưởng làm Chủ tịch VFF  ở thời điểm hiện tại, có thể sẽ giúp bóng đá Việt Nam tạm thời ổn định về câu chuyện nhân sự thượng tầng. Thế nhưng, giữa việc quản lý vĩ mô và quản lý trực tiếp sẽ rất khác nhau. 

Hay nói đúng hơn, từ chỉ đạo đến trực tiếp làm bóng đá là một khoảng cách xa. Bởi ai cũng biết bóng đá Việt Nam có rất nhiều vấn đề phức tạp, nhận được nhiều sự quan tâm và phản biện từ dư luận. 

Thế nên, để làm tốt, không chỉ Bộ trưởng Thiện mà bất kỳ ai khi ngồi vào ghế “nóng” rất cần sự chung tay, góp sức của những người có kinh nghiệm làm bóng đá, những chuyên gia bóng đá, những doanh nghiệp mạnh làm bóng đá và toàn xã hội. Bên cạnh đó là phải sẵn sàng chịu áp lực rất lớn đến từ cả triệu CĐV.

Sự xuất hiện của người đứng đầu Bộ sẽ rất có lợi cho VFF, ít nhất trong câu chuyện quản lý ở thượng tầng. Thế nhưng, để đi đến thành công, điều quan trọng là phải  thu phục được nhân tài để bổ sung vào những vị trí làm việc, giúp sức cho nhà quản lý.

Đại hội VFF sẽ diễn ra trong tháng 9

Theo thông tin từ Bộ VHTT&DL, trước những biến động về vấn đề nhân sự trước thềm Đại hội VFF khoá VIII, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTT&DL sẽ họp trong 2-3 ngày tới và quyết định giới thiệu nhân sự cụ thể, có thể là lãnh đạo cấp cao Bộ ra ứng cử chức danh Chủ tịch VFF.

Thực tế trong thời gian qua, Bộ cũng rất quan tâm đến những vấn đề của bóng đá Việt Nam, trong đó có việc tổ chức Đại hội VFF. Thế nhưng công tác nhân sự chưa hoàn tất khiến đại hội nhiều lần bị trì hoãn. Đại hội VFF khoá VIII sẽ không thể tiếp tục kéo dài. Được biết, trong vòng 1 tháng nữa (tháng 9), đại hội phải được tiến hành.

Ở danh sách đề cử bổ sung vị trí Chủ tịch VFF khoá VIII do 9 CLB và 10 liên đoàn bóng đá thành viên giới thiệu, có thêm 2 gương mặt mới của Bộ VHTTDL là Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Khánh Hải. Tuy nhiên, sau đó báo chí cũng thông tin ông Hải sẽ xin rút.

Trước khi ông Nguyễn Ngọc Thiện được giới thiệu vào danh sách bổ sung nhân sự Đại hội VFF khoá VIII, cuộc đua vào “ghế” Chủ tịch VFF có 4 ứng viên là: Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa và nguyên Hiệu trưởng Đại học TDTT 2 (TP Hồ Chí Minh) Lê Quý Phượng và nguyên Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Công Khế.

Tuy nhiên, ông Lê Quý Phượng đã có ý định rút lui từ trước đó. Ông Trần Quốc Tuấn mới đây mới bị kỷ luật Đảng nên chắc chắn sẽ không được tham gia tranh cử “ghế” Chủ tịch. Bây giờ, chỉ còn ông Cấn Văn Nghĩa. Tuy nhiên, theo một số thông tin từ hậu trường thì ông Nghĩa có thể sẽ xin rút.

H.H.

Hưng Hà
.
.
.