Rimario Gordon trở lại sân Pleiku:

Lỗ hổng của Hoàng Anh Gia Lai

Chủ Nhật, 14/03/2021, 09:02
Mỗi khi Rimario Gordon tái ngộ HAGL, người ta lại phải đặt câu hỏi về hệ thống tuyển trạch của CLB phố Núi. Cho dù sở hữu học viện khủng và có nhiều chương trình đào tạo bóng đá khoa học, nhưng HAGL dường như lại bỏ quên nhiệm vụ quan trọng nhất khi chiêu mộ cầu thủ: Đó là đánh giá tài năng cũng như sự phù hợp của họ.


HAGL mới là người thất bại

Rimario Gordon cập bến HAGL vào năm 2018, theo gót những ngôi sao người Jamaica tung hoành ở V-League như Diego Fagan, Errol Stevens và Jermie Lynch. Sở hữu thể hình và thể lực vượt trội, tiền đạo trưởng thành từ bóng đá học đường Mỹ được ví von như “Quái thú” ở Pleiku. Tuy nhiên, anh không thể tỏa sáng như mong đợi.

Trong 13 trận được ra sân ở HAGL, Rimario không ghi được bàn nào. Đây là con số không thể chấp nhận với một tiền đạo chủ lực ở bất cứ CLB nào, cho dù CLB đó yếu đến đâu. Ở thời điểm đó, không khó để phán xét Rimario là hợp đồng thất bại, là “bom xịt” của HAGL.

Rimario đã tỏa sáng ở Thanh Hóa, Hà Nội và bây giờ là Bình Định?

Tuy nhiên, Rimario có thực sự tệ đến mức như vậy? Tại sao một cầu thủ to khỏe vượt trội, có khả năng cầm bóng và lực sút tốt như Rimario lại không thành công ở HAGL? Không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác, nhưng thời gian đã chứng minh không phải Rimario, HAGL mới là người thất bại.

Sau nửa mùa giải đáng quên với HAGL, Rimario chuyển đến CLB Thanh Hóa và lập tức bùng nổ. Trong 8 lần ra sân ở giai đoạn lượt về V-League 2018, tiền đạo sinh năm 1994 này ghi liền 8 bàn thắng - trung bình 1 bàn/1 trận, hiệu suất đáng mơ ước với bất cứ chân sút nào.

Quan trọng hơn, Rimario chứng minh anh không chỉ tỏa sáng nhất thời. Ở mùa giải tiếp theo với Thanh Hóa, bất chấp tiềm lực hạn chế của CLB này, Rimario vẫn ghi được 8 bàn thắng sau 20 trận, góp công lớn giúp đội nhà trụ hạng thành công.

Rời Thanh Hóa đến CLB toàn sao Hà Nội, chân sút người Jamaica tiếp tục ghi bàn đều đặn. Mùa trước, anh ghi tổng cộng 12 bàn, chia sẻ danh hiệu Vua phá lưới V-League cùng Pedro Paulo của Sài Gòn. Giải thưởng này còn hơn cả một lời khẳng định của Rimario. Không chỉ như vậy, Rimario còn liên tục tỏa sáng khi gặp lại HAGL, giống như nhấn mạnh rằng anh mới là người “bị hại” trong mối lương duyên của đôi bên. Hai lần cùng Thanh Hóa chạm mặt HAGL, Rimario ghi đến 4 bàn thắng, trong đó có hat-trick ngay tại sân Pleiku.

Khoác áo Hà Nội, tiền đạo người Jamaica có thêm 3 lần chọc thủng lưới đội bóng cũ. Tính tổng cộng, anh đã có 7 bàn thắng chỉ sau 4 lần đối đầu với HAGL. Không rõ quãng thời gian thất bại tại phố Núi có khiến Rimario quyết tâm hơn khi gặp lại HAGL hay không, nhưng tiền đạo này đã trở thành “hung thần” của đội bóng cũ. Và số phận như sắp đặt, đưa đẩy Rimario đối đầu với HAGL một lần nữa ngay khi V.League 2021 trở lại vào dịp cuối tuần này. Chỉ khác ở chỗ lần này, anh sẽ đại diện cho tân binh Bình Định.

Lỗ hổng của HAGL và hy vọng từ Kiatisuk

Sự thành công của Rimario một lần nữa khiến người hâm mộ đặt dấu hỏi về hệ thống của HAGL. Tiền đạo người Jamaica không phải ngoại binh duy nhất từng thất bại tại sân Pleiku, cho dù anh là người hiếm hoi chứng minh được tài năng sau khi ra đi.

Tính từ thời điểm trình làng lứa cầu thủ tự đào tạo vào năm 2015, bao gồm các ngôi sao trẻ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, HAGL đã sử dụng tổng cộng 20 ngoại binh. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó đều thi đấu mờ nhạt, gây thất vọng lớn và ra đi không kèn không trống. Đáng chú ý, trong giai đoạn đầu, HAGL đã tập trung khai thác thị trường cầu thủ ở Đông Âu và Bắc Âu khá nhiều, nhưng các ngoại binh mà họ đưa về đều ít tên tuổi và kém chất lượng, có thể kể đến như: Mitja Morec (Slovenia), Darko Lukanovic (Thụy Điển), Cosmin Goia (Romania), Zdravko Dragicevic (Montenegro).

Sau một loạt hợp đồng thất bại, HAGL chuyển hướng sang chiêu mộ các cầu thủ châu Phi và Brazil giống như các CLB khác ở V-League. Tuy nhiên, họ vẫn như người đi trên dây, bấp bênh và mơ hồ với chính lựa chọn của mình. Từ Franklin Anzite, Moussa Sanogo cho đến Junior Paraiba, Henrique Motta đều gây thất vọng lớn. Chỉ có số ít ngoại binh đến HAGL chứng minh được bản thân, nhưng họ vẫn xa cột mốc thành công một quãng đường dài vì không thể tạo ra sức bật đủ lớn cho đội bóng phố Núi vươn lên.

Sự yếu kém trong khâu tuyển chọn ngoại binh được xem là nguyên nhân chính khiến HAGL thất bại năm này qua năm khác cho dù sở hữu dàn nội binh đáng mơ ước. Chính vì thế, người hâm mộ HAGL rất kỳ vọng sự trở lại của HLV Kiatisuk sẽ giúp họ thay đổi tình hình.

Bước vào mùa giải 2021, HAGL cũng ít nhiều cho thấy sự an toàn trong việc lựa chọn ngoại binh khi tập trung vào các vị trí họ yếu nhất, bao gồm 2 trung vệ Damir Memovic, Kim Dong-Su và tiền đạo cắm Washington Brandao. Trong trận thắng 2-1 trước SLNA ở vòng hai, cả ba cầu thủ này đều đá chính và phần nào cho thấy hiệu quả.

Ngoại trừ Memovic vốn dày dạn kinh nghiệm ở V-League, cả Kim Dong-su và Brandao vẫn cần thêm thời gian để nâng cao hiệu quả thi đấu. Chính vì thế, HLV Kiatisuk thừa nhận ông rất mừng khi V-League 2021 phải tạm hoãn. Không tính thời gian nghỉ Tết, các ngoại binh này cùng chiến lược gia người Thái Lan đã có thêm một tháng làm việc cùng nhau, hiểu nhau hơn và hiểu V-League hơn.

Đối đầu với Bình Định và Rimario, màn trình diễn của các ngoại binh nói trên sẽ cho HAGL câu trả lời, liệu họ đã tìm ra con đường đúng hay chưa. Liệu Kim Dong-su và Memovic có ngăn cản được Rimario, hay Brandao có thể “khai hỏa” hay không, hãy cùng chờ xem.

Những mối lương duyên đặc biệt

Về Bình Định, Rimario Gordon tái hợp với HLV Nguyễn Đức Thắng, người đã đặt niềm tin vào anh khi còn ở Thanh Hóa. Chính HLV này là lý do khiến Rimario từ chối một loạt đề nghị hấp dẫn khác để khoác áo đội mới thăng hạng ở V-League 2021.

Trong thời gian ngắn làm việc cùng HLV Đức Thắng, Rimario trở thành một trong những tiền đạo hiệu quả nhất V-League. Cuối mùa giải 2019, anh quyết định ra đi sau khi HLV Đức Thắng bị sa thải.

Tại Pleiku chiều nay, ngoài cuộc đối đầu giữa Rimario và HAGL, người hâm mộ cũng nóng lòng chờ xem màn đọ trí giữa HLV Đức Thắng và HLV Kiatisuk. Cả hai không còn xa lạ gì nhau khi còn là cầu thủ. Trong quá khứ, Đức Thắng cùng tuyển Việt Nam thua nhiều hơn thắng trước Kiatisuk và tuyển Thái Lan. Liệu ông có thể thay đổi điều đó trên băng ghế huấn luyện?

An Khánh
.
.
.