Lại chuyện học Nhật...

Thứ Ba, 18/10/2016, 09:25
Từ việc các CLB Yokohama và Mito Hollyhock ứng xử với Tuấn Anh, Công Phượng mới đây - một ứng xử đặt chuyên môn lên hàng đầu, và xếp những yếu tố thương mại, truyền thông xuống, chúng ta lại thấy nhiều cái để mà học Nhật.

Chiều 16-10 vừa rồi, nhiều fan hâm mộ Việt Nam hí hửng rồi thất vọng với cái bị gọi quá lên là "Derby Việt Nam trên đất Nhật" giữa hai cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai JMG là Công Phượng và Tuấn Anh. Chẳng là CLB Yokohama FC của Tuấn Anh đấu CLB Mito Hollyhock của Công Phượng ở giải hạng 2 Nhật Bản, và nhiều người Việt Nam tin rằng hai cầu thủ này sẽ ra sân, đứng ở hai đầu chiến tuyến.

Thật ra cũng khó trách niềm tin bị đánh giá là thơ ngây của các fan hâm mộ Việt Nam. Vì thứ nhất, tự thân các fan chưa chắc đã tin như vậy, nhưng hàng loạt doanh nghiệp Nhật trên địa bàn Việt Nam đã không ngừng quảng bá theo chiều hướng như vậy.

Cụ thể, nhiều siêu thị Nhật Bản tại Việt Nam còn in hình Công Phượng, Tuấn Anh trên một tấm bandrone và quảng cáo rằng, "màn derby Việt Nam trên đất Nhật" sẽ được truyền hình trực tiếp. Thứ hai, đây là thời điểm mà giải hạng 2 Nhật Bản đã đi đến giai đoạn cuối, với lần lượt các vị trí thứ 7 và 14, cả Yokohama FC lẫn Mito Hollyhock đều không còn mục tiêu phấn đấu, và trong bối cảnh ấy, việc cả hai chiều lòng các nhà tài trợ mà tung Công Phượng, Tuấn Anh vào sân thì cũng... chẳng chết ai.

Thế mà thực tế lại diễn ra khác hẳn. Tuấn Anh thì được CLB Yokahama thông báo là chấn thương, không thể ra sân, còn Công Phượng cũng chỉ được ra sân tổng cộng khoảng 8 phút cuối trận, khi mọi thứ đã an bài.

Thực ra thì Phượng chỉ được vào sân ở phút thứ 86, nghĩa là khi trận đấu chỉ còn 4 phút chính thức. May cho Phượng là trận này được bù giờ tới 4 phút nên tổng thời gian Phượng có mặt trên sân lên tới gần chục phút như vậy. 

Đàn anh Công Vinh (trái) - người cũng từng thi đấu tại giải hạng 2 Nhật Bản thừa hiểu điều gì đang thực sự diễn ra với đàn em Công Phượng lúc này. Ảnh: H.M

Ai cũng biết, mặc dù thoạt tiên phía Hoàng Anh Gia Lai không ngừng thông báo về việc cầu thủ của mình sang Nhật nhờ chất lượng chuyên môn, chứ không phải nhờ lý do thương mại như vụ Công Vinh trước đây, nhưng thực tế không nhiều người tin như thế. 

Cùng với thời gian, khi cả Công Phượng lẫn Tuấn Anh đều triền miên trên ghế dự bị thì điều này càng được xác tín. Nói thẳng ra, trình độ của những cầu thủ này chưa thể đáp ứng được những đòi hỏi cao, gay gắt của các CLB Nhật Bản, dẫu đấy chỉ là CLB hạng 2.

Và nhìn cái cách HLV trưởng của Yokohama FC và Mito Hollyhock dụng binh trong trận đầu vừa qua mới thấy họ hoàn toàn không chịu tác động bởi những nhà tài trợ, những người muốn nhìn thấy Công Phượng, Tuấn Anh ra sân thi đấu hơn ai hết. 

Với họ, ngay cả trong một trận đấu không có nhiều ý nghĩa về tranh chấp thứ hạng thì yếu tố chuyên môn và những đòi hỏi về chuyên môn vẫn được đặt lên hàng đầu. 

Có lẽ, họ hiểu rằng, trong bóng đá chuyên nghiệp bên cạnh chuyện thứ hạng thì chuyện giữ gìn hình ảnh, ghi điểm trong lòng người hâm mộ cũng là điều cực kỳ quan trọng. Chỗ này thì khác và khác rất nhiều so với sân chơi V.League của ta. Cái sân chơi mà mỗi khi đã đủ điểm trụ hạng là nhiều đội bóng lại vào trận với tâm lý buông xuông, dẫn đến nỗi chán nản vô tận của nhiều khán giả.

Vài năm trước, khi chính thức làm Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng lập tức vạch ra cả một kế hoạch liên kết, học hỏi với bóng đá Nhật. Các chuyên gia Nhật không ngừng sang Việt Nam làm trưởng BTC V.League, rồi HLV trưởng các đội tuyển bóng đá nam/ nữ quốc gia. Nhưng đến lúc này, có thể nói chiến lược học Nhật bằng các du nhập "nhân sự Nhật" đã thất bại, vì môi trường bóng đá - môi trường xã hội giữa Nhật Bản và Việt Nam khác nhau một trời một vực. 

Nhưng từ việc các CLB Yokohama và Mito Hollyhock ứng xử với Tuấn Anh, Công Phượng mới đây - một ứng xử đặt chuyên môn lên hàng đầu, và xếp những yếu tố thương mại, truyền thông xuống, chúng ta lại thấy nhiều cái để mà học Nhật.

Vấn đề là học xong rồi, rốt cuộc có hành được không?

Không nằm ngoài suy nghĩ của Miura?

Có một sự thực ai cũng biết là khi còn hành nghề ở Việt Nam, HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura tỏ ra không khoái những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai như Công Phượng, Tuấn Anh.

Ông từng bảo những cầu thủ này giỏi về kỹ thuật, nhưng chỉ giỏi trong mặt bằng của bóng đá Việt Nam, chứ chưa là gì so với các cầu thủ ở các nền bóng đá lớn châu Á. Ông Miura còn nhiều lần nhắc nhở những cầu thủ này phải cải thiện đặc biệt điểm yếu thể lực để có thể phát triển đường xa.

Ông bầu Đoàn Nguyên Đức - cha đẻ của lứa cầu thủ này dị ứng với Miura vì một cách nhìn - một nhãn quan như vậy. Bầu Đức tin rằng Công Phượng, Tuấn Anh có thể ra sân thi đấu ở các CLB của Nhật vì "lý do chuyên môn", chứ không phải vì "lý do thương mại" như những cầu thủ Việt Nam trước đó. Song thực tế, ông Miura hiểu bóng đá Nhật hơn ai hết, và những gì diễn ra với Công Phượng, Tuấn Anh tại Nhật lúc này có lẽ cũng không nằm ngoài suy nghĩ của Miura(?).        

Ngọc Anh 

Hoàng Anh
.
.
.