Không dễ để có một V.League như mong muốn
- Khai mạc V.League 2018: U23 tới đâu, vui tới đó!
- V.League từ "cơn sốt" U19 đến U23
- Trưởng giải V.League: Cần hay không?
Bệnh cũ chưa có thuốc đặc trị
Chuyện đốt pháo sáng ở các sân bóng ở Việt Nam, nhất là những trận đấu có CLB Hải Phòng góp mặt, đã trở nên quen thuộc trong làng bóng đá Việt Nam. Nhiều mùa qua, đây thực sự là bài toán khó với Ban tổ chức V.League. Họ đã tìm nhiều cách để ngăn chặn pháo sáng được đốt trên khán đài trong đó có quy định rõ rằng nghiêm cấm cổ động viên mang pháo sáng vào sân.
Rồi Ban kỷ luật (VFF) cũng đưa ra không ít án phạt với CLB Hải Phòng do để cổ động viên đốt pháo sáng. Và chính người của VFF, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, cũng đến tận nhà những cổ động viên có ảnh hưởng tới các cổ động viên khác ở đất Cảng nhằm nhận được sự hợp tác, giúp đỡ.
Đốt pháo sáng dẫn đến mất an toàn cho cầu thủ, khán giả. |
Tất cả cũng chỉ mong muốn sân bóng ở Việt Nam thực sự văn minh, là điểm đến an toàn. Nhờ đó, V.League – được xem là bộ mặt của bóng đá Việt Nam, tạo dựng được hình ảnh mới mẻ, thân thiện.
Mong muốn là vậy, nhưng pháo sáng vẫn đỏ rực khán đài, đặc biệt trong những trận đấu có CLB Hải Phòng tham dự. Một số cổ động viên Hải Phòng vẫn xem pháo sáng là biểu tượng cho sự đam mê của cổ động viên đất Cảng. Họ tin rằng pháo sáng đẹp, tạo nên nhiều cảm xúc.
Nhưng đốt pháo sáng cũng cần được nhìn nhận ở góc độ khác. Theo đó, pháo sáng chỉ được sử dụng trong các tình huống cứu hộ, cứu nạn trên nước khi có thể cháy tới nhiệt độ 1.600 độ C. Đương nhiên, khả năng thương tật hoàn toàn có thể xảy ra khi khán giả khác hay cầu thủ, trọng tài... bị trúng pháo sáng từ khán đài. Tại Việt Nam, từng có cổ động viên bị bỏng do bị trúng pháo sáng.
Trên thế giới, đã có trường hợp tử vong do bị ném pháo sáng vào người. Rồi mặt cỏ cũng cháy sém khi bị trúng pháo sáng. Tất cả để thấy rằng việc cấm mang pháo sáng vào sân bóng ở Việt Nam là hợp lý.
Tất nhiên, lực lượng an ninh lỏng lẻo, thiếu phương tiện kiểm tra ở nhiều sân bóng tại Việt Nam đã khiến nhiều cổ động viên mang trót lọt pháo sáng vào sân. Từ việc nhờ phụ nữ nhét pháo sáng vào trong bụng để đưa pháo sáng vào sân đến việc ném pháo sáng chưa đốt vào khán đài để cổ động viên ở trong sân nhận và sử dụng...
Thực tế, không quản lý được pháo sáng cũng đồng nghĩa với năng lực tổ chức, sự uy nghiêm của Ban tổ chức giải đấu còn những điểm chưa hoàn thiện. Mà nếu giải quyết được vấn đề này thì hình ảnh về công tác tổ chức V.League sẽ thay đổi đáng kể trong lòng người hâm mộ.
Vẫn phập phồng với pháo sáng
Cho đến trước mùa giải năm nay, Ban điều hành giải đấu đã rất hy vọng sẽ giải quyết được tình trạng đốt pháo sáng để tạo nên điểm nhấn trong khâu tổ chức. Thế rồi, pháo sáng lại làm khán đài sân Hàng Đẫy trong trận đấu Hà Nội FC- Hải Phòng ở vòng 1 đỏ rực và mù mịt khói. Pháo sáng cũng bị ném xuống sân tạo nên khung cảnh thiếu an toàn, đến nỗi trọng tài chính đã phải cho trận đấu tạm dừng rồi sau đó cho kết thúc trận đấu trước gần 1 phút.
Trước trận này, Ban tổ chức trận đấu của CLB Hà Nội cũng họp “nát nước” để ngăn chặn tình trạng đốt pháo sáng nhưng rồi cuối cùng cũng không thể ngăn chặn do lực lượng an ninh và thiết bị kiểm tra ít ỏi.
Ban kỷ luật (VFF) đã ban hành quyết định kỷ luật trong đó phạt 20 triệu đồng với CLB Hải Phòng và Ban tổ chức trận đấu CLB Hà Nội. Đến vòng 2, khi Hải Phòng đón tiếp Hoàng Anh Gia Lai tại sân Lạch Tray (Hải Phòng), Ban tổ chức đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng an ninh lên đến cả nghìn người để bảo đảm an ninh; có cả nhân viên nữ để soát người những cổ động viên nữ nếu thấy có biểu hiện mang pháo sáng vào sân.
Trận đấu đó, pháo sáng không được đốt; có thể, do khâu an ninh của trận đấu đã được thực hiện hoàn hảo, nhưng cũng có thể là do cổ động viên Hải Phòng không muốn đốt pháo sáng ở trận này như tuyên bố trên mạng xã hội vào trước trận đấu.
Thế nên người ta vẫn phập phồng lo ngại về khả năng đốt pháo sáng ở những vòng đấu tới, đặc biệt trong những trận đấu của CLB Hải Phòng. Liệu các sân đấu khác cũng như chính sân Lạch Tray có duy trì đông đảo nhân viên an ninh như trận đấu Hải Phòng – Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 2 vừa qua hay không? Cũng chưa ai trả lời bởi đi kèm là không ít chi phí.
Trong khi đó, chính Ban điều hành V.League 2018 cũng đi tìm giải pháp khác thông qua giải pháp tiếp xúc với cổ động viên Hải Phòng để lắng nghe mong muốn, nguyện vọng. Bởi ông Trần Anh Tú, Trưởng Ban điều hành V.League 2018 cho hay, thì những án phạt trong thời gian qua không ngăn được các cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng. Vì vậy, cần có một giải pháp khác để hạn chế tối đa tình trạng này trong đó việc tiếp xúc với cổ động viên Hải Phòng là một trong những giải pháp.
Tất nhiên, không thể có sự thỏa hiệp để cổ động viên được mang pháo sáng vào sân rồi đốt ở một góc khán đài như đề xuất của một số người. Đến khi pháo sáng bị ném sang khu khán đài khác hay xuống sân thì hậu quả khôn lường. Tốt nhất là trả pháo sáng vào đúng vị trí của nó là thiết bị để phục vụ cứu hộ, cứu nạn thay vì là phương tiện cổ vũ.
Rõ là đến lúc này, Ban điều hành V.League đang phải đối mặt với “ca khó” như nhiều người tiền nhiệm đã vấp phải và bất lực. Cũng biết là nếu giải quyết được thì hình ảnh và uy tín của V.League sẽ tăng đáng kể. Nhưng đúng là phải có những động thái quyết liệt và đa dạng hơn bởi đây là mấu chốt để thực sự chứng tỏ rằng những quy định do người trong cuộc đặt ra không phải để cho vui, rằng bóng đá Việt Nam vẫn có thể đẹp nếu không có pháo sáng.