Thất vọng mang tên Hà Nội.ACB

Thứ Tư, 21/03/2007, 08:32

Bóng đá Hà Nội trong mấy ngày này chia thành hai nửa buồn vui. Trong khi "em út" Hòa Phát rộn rã chuẩn bị cho những bước chân đầu tiên ở sân chơi châu lục AFC Cup, thì "anh cả" Hà Nội.ACB rơi vào sự buồn thảm trước "hat-trick" thua ở chặng khởi đầu V.League 2007...

Đá 3 trận thua trắng cả 3, chưa bao giờ Hà Nội.ACB có một khởi đầu ảm đạm đến như vậy kể từ khi họ xuất hiện ở sân chơi V.League. Kết quả nghèo nàn ở hiện tại xô đổ "kỷ lục" 2 thua, 1 hòa của LG.ACB ở chặng xuất phát mùa bóng 2003 - mùa bóng mà họ rớt hạng. Và tất nhiên, nó xám màu hơn rất nhiều so với chuỗi 3 trận đầu tiên toàn hòa của LG.Hà Nội.ACB ở mùa giải 2005 - mùa mà họ phải đi đá play-off.

Vì đâu nên nỗi một đội bóng đặt mục tiêu vô địch trước giờ bóng lăn, giờ lại mang dấu hiệu "đắm đò" khi mới rời bến?

Vì "đen" như cái đen đủi của trận thua Hòa Phát ở phút thứ 90+. Vì rủi như cái rủi trong lý giải của một quan chức LĐBĐ Hà Nội cho trận thua Bình Định: "Đau quá vì thua bởi một tình huống đá phạt và một pha xử lý "nhạy cảm" của trọng tài (mà lãnh đạo đội Hà Nội.ACB cho rằng tiền đạo Bình Định đã ghi bàn trong tư thế việt vị)".

Khi mà yếu tố tâm linh không lý giải thỏa mãn, thì mọi chuyện lại quay về những cái yếu và thiếu của vấn đề chuyên môn. Yếu vì sự kém cỏi của các chân sút; sự mong manh của hàng phòng ngự; sự xơ cứng, đơn điệu của lối chơi; sự kém "nhiệt" và kém cả trách nhiệm của tinh thần thi đấu. Yếu còn vì chất lượng "ngoại binh" thấp, còn "nội binh" thì chỉ toàn loại tầm tầm.

Thiếu vì mất người bởi những chuyện không đâu như cầu thủ nội chơi thuốc lắc; cầu thủ ngoại hờn dỗi và đào tẩu khỏi đội bóng. Thiếu vì không có một thủ lĩnh dẫn dắt các đồng đội. Thiếu vì không có một nhà cầm quân có uy với cầu thủ. Thiếu vì không có một tập thể cùng nhìn chung về một hướng và đá vì một màu cờ. Và vẫn luôn là như vậy, cái "kỷ lục" buồn bã của Hà Nội.ACB được những chuyên gia đầy mình những kiến thức sách vở mổ xẻ dưới nhiều góc độ với rổn rang những thuật ngữ "tháp ngà" như "dãn biên", "chống phản công", "vượt tuyến", "lực cản vô hình"...

Với những CĐV Hà Nội nỗi thất vọng với cái tên Hà Nội.ACB còn được nhân đôi bởi cái "hồn vía" của bóng đá Hà thành gần như không còn trong "thân xác" hiện tại. Sẽ là không quá nếu như nói rằng, trong số ít ỏi những khán giả đội mưa, đội rét tới xem Hà Nội.ACB thi đấu, có những người đi... chữa bệnh: Căn bệnh hoài nhớ về một thời vang bóng của bóng đá Thủ đô. Thế nhưng, càng chữa thì càng bệnh thêm!

Chẳng thế mà, hôm rồi trên khán đài xem trận Hà Nội.ACB và Bình Định, có khán giả cao tuổi cứ thở than hoài với bạn: "Nên đổi tên Hà Nội.ACB thành Sông Lam.ACB thôi bởi toàn thấy cầu thủ xứ Nghệ, chứ Hà Nội chỉ có mấy mống". Tinh ý hơn sẽ thấy, khán giả Hà thành có vẻ nồng nhiệt với cầu thủ khách Bình Định hơn là cầu thủ nhà.

Cứ nhìn cái cảnh khán đài A sân Hàng Đẫy "phân biệt đối xử" khi hai đội thay người là rõ. Gần như không có cầu thủ Hà Nội.ACB nào nhận được sự tán thưởng của khán giả khi thay người ra sân. Trong khi đó, lúc Trương Việt Hoàng, một cầu thủ gốc Hà Nội đang đá cho Bình Định, nhường chỗ cho đồng đội, thì nhận được khá nhiều những tràng pháo tay và cả sự luyến tiếc: "Hoàng ơi, người Hà Nội sao không về đá cho Hà Nội?".

Hơn thế, trong nửa cuối hiệp 2 của trận đấu này, người ta còn được chứng kiến một nghịch cảnh: Hà Nội.ACB chơi trên sân nhà mà như đá ở sân khách. Cứ mỗi lần bóng tới chân các cầu thủ Hà Nội là trên khán đài lại đồng thanh vang lên những tiếng "ê, a" đầy chế giễu từ các CĐV... Hà Nội.

Người Hà Nội sao không về đá cho Hà Nội?
Đội bóng Thủ đô sao không đá cho người Thủ đô "sướng"?
CĐV Hà thành sao không cổ vũ cho đội bóng Hà thành?

Nhưng câu hỏi cứ day dứt lòng như hôm nào nghe em gái nhỏ hát lời tình ca thật buồn: "Tại sao yêu nhau mà không đến được với nhau?"

Bảo Hân
.
.
.