Từ rắc rối của thủ môn Bùi Tiến Dũng:

“Hãy nhớ rằng, mình là cầu thủ bóng đá, không phải diễn viên”

Thứ Bảy, 03/02/2018, 08:53
Bùi Tiến Dũng đang trở thành cầu thủ được săn đón nhất những ngày qua sau màn trình diễn chói sáng trong màu áo U23 Việt Nam, cả trên mặt báo lẫn mạng xã hội. 

Đó cũng là lúc một đơn vị nhanh chóng thông báo trở thành "đại diện truyền thông" của Tiến Dũng, đồng thời phát ra bản báo giá quảng cáo lên tới hàng ngàn đô la. Đó là bước tiến, nhưng cũng có thể là dấu mốc khiến Tiến Dũng thụt lùi.

Chuyện thương mại hóa bóng đá, cầu thủ lấn sân sang các lĩnh vực ngoài thể thao như giải trí, đóng quảng cáo, phim truyền hình không còn là vấn đề quá lạ lẫm đối với bóng đá trong và ngoài nước. 

Cristiano Ronaldo, Lionel Messi luôn được săn đón với những bản hợp đồng quảng cáo lên đến hàng triệu đô la. Còn ở Việt Nam, không ít cầu thủ từng xuất hiện trên truyền hình quảng cáo cho các nhãn hàng nổi tiếng.

Điều đó cho thấy việc thủ môn Tiến Dũng được săn đón trở thành khách mời phỏng vấn, quảng cáo,... là điều hết sức bình thường. Sở hữu tài khoản Facebook gần 3 triệu người theo dõi, mỗi bài đăng của Tiến Dũng nhận vài chục, đến vài trăm ngàn lượt thích trên mạng xã hội. Đó là cơ sở giúp cái tên Tiến Dũng có sức nặng đảm bảo thành công cho bất kỳ nhãn hàng nào anh quảng cáo.

Tuy nhiên, "hiện tượng" Tiến Dũng không ngẫu nhiên xảy ra. Tiến Dũng nổi tiếng như vậy không phải vì ngoại hình ưa nhìn, hay cách nói chuyện cuốn hút lòng người. Ronaldo hay Messi có thể kiếm hàng trăm triệu đô la tiền quảng cáo vì họ là những ngôi sao hàng đầu thế giới, thay nhau thống trị danh hiệu Quả bóng Vàng thế giới suốt 10 năm qua. Tiến Dũng cũng không phải ngoại lệ.

Thứ duy nhất khiến Tiến Dũng có sức lan tỏa như vậy chính là màn trình diễn trong màu áo U23 Việt Nam. Nói cách khác, đó là trình độ chuyên môn. Chừng nào còn đá bóng hay, bắt bóng giỏi, Tiến Dũng mới còn chỗ đứng ở đội tuyển, ở câu lạc bộ và trong mắt người hâm mộ.

Khi xét đến điều này, Tiến Dũng có thể là thủ môn số một trong màu áo U23 Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, khi không còn được xem như một thủ môn trẻ nữa, Tiến Dũng thực sự vẫn chưa thể vượt mặt những đàn anh. 

Ở đội tuyển Việt Nam hiện nay, Văn Lâm, Tuấn Mạnh mới là những thủ môn đáng tin cậy nhất trong khung gỗ. Còn ở CLB chủ quản FLC Thanh Hóa, Tiến Dũng chỉ là lựa chọn thứ... ba sau Bửu Ngọc và Thanh Thắng.

Tiến Dũng đang là cầu thủ được chú ý nhất của bóng đá Việt Nam dù anh mới tỏa sáng trong màu áo đội U23.

Điều đó cho thấy Tiến Dũng sẽ phải cố gắng rất nhiều để có thể thoát khỏi cái mác một thủ môn trẻ triển vọng để trở thành người gác đền số một Việt Nam trong tương lai. 

Trước mắt anh là rất nhiều người đàn anh vượt trội cả về trình độ chuyên môn lẫn kinh nghiệm trận mạc. Nếu không thể vượt qua họ, người hâm mộ sẽ dần quên đi Tiến Dũng. Khi đó sẽ chẳng ai muốn đến gõ cửa ký hợp đồng tài trợ, quảng cáo cho một cầu thủ chỉ biết đánh bóng băng ghế dự bị mỗi tuần.

Bóng đá thế giới từng chứng kiến không ít những tài năng trẻ sớm nổi danh, nhưng sa đà vào những vấn đề ngoài chuyên môn để rồi sớm sa sút. Câu chuyện điển hình nhất, đau đớn nhất có lẽ thuộc về Dong Fangzhuo. Thi đấu chuyên nghiệp tại giải vô địch quốc gia Trung Quốc từ năm 17 tuổi, Dong Fangzhuo nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Ngày 12-1-2004, chưa đầy 2 tuần trước sinh nhật tuổi 19, Dong Fangzhuo đầu quân cho đội bóng Man Utd với phí chuyển nhượng 500 ngàn bảng Anh. Anh trở thành cầu thủ Á Đông đầu tiên thi đấu cho đội bóng này, trước cả Park Ji Sung hay Shinji Kagawa. Sở hữu chiều cao 1m83, Dong Fangzhuo khi đó được đánh giá có thể hình, thể lực không thua kém gì các cầu thủ châu Âu.

Tuy nhiên, đó cũng là lúc Dong Fangzhuo không thể giữ được đôi chân đứng vững trên mặt đất. Anh chết chìm giữa đội hình toàn các ngôi sao của Man Utd. 

Sau 4 mùa giải không thể chen chân vào đội 1 của CLB hàng đầu nước Anh, Dong Fangzhuo trở lại Trung Quốc thi đấu. Được kỳ vọng rất nhiều, nhưng màn thể hiện của anh lại không thể tệ hơn: Chơi 26 trận liền, không thể ghi nổi bàn thắng nào, bị đẩy xuống tập cùng đội trẻ.

Sau khi rời Man Utd, Dong Fangzhuo cũng hết cửa được gọi lên thi đấu cho đội tuyển Trung Quốc. Còn ở cấp CLB, anh trôi dạt qua nhiều đội bóng, cuối cùng giải nghệ ở tuổi 29. Sự nghiệp của Dong Fangzhuo kết thúc theo cách không thể tệ hơn như thế, nhưng đó chưa phải dấu chấm hết.

Sau khi trở về Trung Quốc, Dong Fangzhuo trở thành đề tài bị truyền thông, cũng như người hâm mộ bóng đá nước này dè bỉu, chê bai vì những kết quả kém cỏi trong thời gian còn thi đấu. 

Những bình luận, trách móc này vẫn không hề giảm đi sau khi anh giải nghệ. Tình cảnh của Dong Fangzhuo tệ tới mức mới đây, anh tuyên bố đã đi phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi hoàn toàn khuôn mặt mình để tránh lời thiên hạ đàm tiếu.

Tiến Dũng trong tương lai có thể nổi danh như Ronaldo mới, Messi mới của bóng đá Việt Nam, nhưng cũng có thể thành một Dong Fangzhuo. Mọi thứ đều phụ thuộc vào việc liệu anh có thể giữ vững đôi chân trên mặt đất hay không.

“Hãy nhớ rằng, mình là cầu thủ bóng đá, không phải diễn viên” – đó là thông điệp đầy tính răn đe Man Utd gửi tới David Beckham khi hai bên đàm phán tái ký hợp đồng vào mùa hè 2002.                   

Các ngôi sao bóng đá kiếm được bao nhiêu tiền từ mỗi bài đăng trên mạng xã hội?

Năm 2017, Công ty Tư vấn quảng cáo truyền thông Hopper từng thống kê giá tiền để thuê những ngôi sao bóng đá đăng bài quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội. Theo đó, Cristiano Ronaldo là cầu thủ sở hữu tài khoản giá trị nhất.

Trang Instagram của Ronaldo có 104 triệu người theo dõi. Mỗi bài đăng quảng cáo sản phẩm của Ronaldo có giá khoảng 310.000 bảng Anh, tương đương 9,5-10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Ronaldo là một ngoại lệ đặc biệt khi anh còn sở hữu thương hiệu thời trang mang tên mình. Nhờ đó, anh tiết kiệm được hàng triệu đô tiền quảng cáo khi tự chia sẻ hình ảnh bản thân. Thương hiệu thời trang Ronaldo bao gồm đồ thể thao, đồ lót nam và nhiều sản phẩm khác.

Còn về phía thủ môn Tiến Dũng, hiện anh có gần 3 triệu người theo dõi trên Facebook. Theo thông tin từ bản "báo giá" bị rò rỉ ra bên ngoài, đơn vị truyền thông khai thác hình ảnh Tiến Dũng định giá mỗi bài đăng ở mức 2.500 đô la.

Huyền Linh

Đơn Ca
.
.
.