Hành vi vấy bẩn hình ảnh đẹp của bóng đá nữ Việt Nam

Thứ Năm, 08/10/2020, 09:06
Vụ việc CLB bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam bỏ dở trận đấu nhằm phản đối quyết định của trọng tài trong trận đấu gặp Đội bóng đã nữ TP Hồ Chí Minh I tối 6/10 giống như gáo nước lạnh dội thẳng lên đầu nhà tổ chức, những người đang cố gắng vực dậy nền bóng đá nữ vốn luôn trong tình trạng “chạy ăn từng bữa”.


Cái lắc đầu của ông Chung

Tối 6/10, HLV Mai Đức Chung cũng có mặt trên khán đài sân trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Khi cả độ Phong Phú Hà Nam bỏ ra ngoài khiến trận đấu bị gián đoạn 30 phút, ông Chung như người mất hồn. Ở cương vị người đứng đầu cấp ĐTQG bóng đá nữ, ông không thể tin nổi những gì đang diễn ra trước mắt. Bao công sức gây dựng của các cá nhân, tập thể trong và ngoài ngành coi như thành công cốc.

CLB Phong Phú Hà Nam bỏ dở trận đấu gặp CLB TP Hồ Chí Minh I vì không đồng ý quyết định thổi penalty của trọng tài.

Khi phóng viên tìm lên khán đài hỏi ý kiến, ông như người thất thần, mất vài giây trấn an rồi mới có thể bình tĩnh rời khỏi SVĐ. Sự bất lực hiện rõ mồn một trên gương mặt ông Chung “gái”. Ông thất vọng vì hành động đó đến từ Phong Phú Hà Nam, địa phương đi đầu trong phong trào bóng đá nữ toàn quốc hàng chục năm qua.

Ông thất vọng vì trong hình ảnh vô cùng xấu xí đó lại có liên đới tới Nguyễn Thị Tuyết Dung, tiền đạo số 1 của ĐTVN nhiều năm qua, Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2014. Ông thất vọng vì sự việc này sẽ hủy hoại hình ảnh tốt đẹp của bóng đá nữ Việt Nam. Hành động của Phong Phú Hà Nam chẳng khác nào động tác “đạp đổ nồi cơm” của hàng trăm con người đang vật lộn mưu sinh với cái nghề bị coi là bạc bẽo này.

Án kỷ luật đã được VFF đưa ra, và án phạt đó là hoàn toàn xác đáng. Nhưng lời nói gió bay, còn lịch sử thì không bao giờ có thể sửa chữa. Sau đây, bóng đá nữ Việt Nam sẽ thế nào? Còn bao nhiêu nhà tài trợ dám đứng bên, sát cánh cùng bộ môn vốn đã kén khán giả và chỉ được quan tâm, ủng hộ suốt bao năm qua trên tinh thần “hỗ trợ”?

Một cầu thủ như Trần Thị Hồng Nhung lẽ ra phải bảo ban, động viên chị em dưới tư cách chim đầu đàn lại chọn giải pháp ngược lại, chắc chắn sẽ để lại vết thương sâu sắc trong lòng người hâm mộ.

Hãy nhớ rằng, Hồng Nhung từng được sang Thái Lan thi đấu, từng được coi là người tiên phong, mở đường giúp các nữ cầu thủ Việt Nam bước ra thế giới. Bây giờ, Nhung là người có tội, mà án cấm thi đấu hết giai đoạn lượt đi là lời cảnh tỉnh cho Nhung thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực có thể hủy hoại sự nghiệp cô.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Thẳng thắn thừa nhận với nhau, thị hiếu khán giả không dành cho bóng đá nữ. Doanh nghiệp cũng không mặn mà tài trợ vì họ phải tính toán kỹ càng “được-mất” khi xuất hiện trong một giải đấu ít ai quan tâm. Trước khi mùa giải VĐQG khởi tranh, VFF và các đơn vị liên quan còn chạy đôn đáo tìm Mạnh Thường Quân. Cuối cùng, bổn cũ soạn lại, vẫn là ông Trần Anh Tú và doanh nghiệp Thái Sơn Bắc đứng ra.

Câu hỏi được đặt ra: Nếu ông Tú không làm, ai sẽ làm? Giám đốc truyền thông một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tiết lộ, sau khi chứng kiến những gì diễn ra tối 6/10, ông cảm thấy quyết định không tham gia tài trợ là hoàn toàn đúng đắn.

Trước đó, đơn vị này đã đắn đo cân nhắc xem có nên kết duyên với bóng đá nữ hay không. Nếu chỉ vì phút giận hờn vu vơ của một tập thể mà cả nền bóng đá bị ảnh hưởng, nói Phong Phú Hà Nam không xứng đáng đứng trong hàng ngũ bóng đá nước nhà cũng chẳng quá lời.

Tháng 12 năm ngoái, một tập đoàn bất động sản cam kết hỗ trợ 100 tỷ cho bóng đá nữ Việt Nam. Nhưng ai dám cam đoan họ sẽ đi tới tận cùng bản hợp đồng tài trợ nếu những sự việc như trên còn tiếp diễn? Hà Nam không chỉ có lỗi với người hâm mộ, mà còn có lỗi với công sức của những đơn vị đang gồng gánh sứ mệnh lớn lao của nền bóng đá. Hãy lưu ý rằng, ngay cả giải đấu hấp dẫn như HPL (bóng đá phủi) cũng phải chờ tới phút chót mới được một tập đoàn xe hơi gật đầu, đồng ý tài trợ mùa giải thứ 8.

Bản thân địa phương ấy cũng hiểu rõ bối cảnh của bóng đá nữ: Hà Nam là địa phương hiếm hoi có nguồn tài trợ tuy không nhiều nhưng ổn định. So với Thái Nguyên không đủ người gom quân, hay Sơn La luôn chấp chới đứng giữa lựa chọn “đá hay không đá” mỗi mùa bóng lăn, Hà Nam phải nhận thức là họ còn “sướng chán” so với những bạn đồng nghiệp.

Oái oăm thay, vụ việc trên xảy ra đúng thời điểm cả thế giới gồng mình chống dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu đóng băng và bóng đá lại là lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu sắc, nghiêm trọng. Trong phạm vi châu Á, chỉ duy nhất Champions League được AFC tổ chức bởi Cúp C1 là bộ mặt của châu Á. Toàn bộ hệ thống thi đấu tê liệt, các dự án rót tiền tài trợ cũng bị đình trệ. Bản thân nguồn tiền của FIFA hỗ trợ bóng đá nữ hàng năm cũng không thể thanh toán đúng hạn.

HCV SEA Games ở Philippines là tín hiệu tích cực giúp bóng đá nữ Việt Nam tin tưởng vào tương lai “sống được bằng nghề. Nhưng nhìn thấy ánh sáng không có nghĩa đã chạm tới mặt trời. Để đi tới thành công, bóng đá nữ Việt Nam cần nhiều hơn những nỗ lực ít ỏi đáng khen ấy, chứ không phải nhân bản những hành động tồi tệ như cách Phong Phú Hà Nam ứng xử.

Chi tiết án phạt của VFF

Sáng 7/10, Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN) sau cuộc họp đã ban hành các quyết định kỷ luật đối với những vi phạm trong trận đấu giữa TP Hồ Chí Minh I và Phong Phú Hà Nam tại vòng 5 giải bóng đá nữ VĐQG – Cúp Thái Sơn Bắc 2020.

Cụ thể, cảnh cáo, phạt 50 triệu đồng và xử thua tỷ số 0-3 với đội Phong Phú Hà Nam do có hành vi rời khỏi sân, không tiếp tục thi đấu trong trận đấu gặp đội TP Hồ Chí Minh I. Với HLV trưởng Nguyễn Thế Cường, án phạt là 5 triệu đồng và án cấm hoạt động bóng đá chuyên nghiệp 5 năm.

Về phía địa phương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Phạm Văn Hải giữ chức danh HLV trưởng CLB bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam. Đồng thời, đội trưởng mới của đội là tuyển thủ Nguyễn Thị Tuyết Dung, thay thế cho Trần Thị Hồng Nhung. Quyết định do ông Phạm Hải Anh - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam ký. 

Đơn Ca
.
.
.