Đoàn Văn Hậu – thích nghi để tồn tại

Thứ Tư, 12/02/2020, 08:54
Trong trận đấu mới nhất trong màu áo đội trẻ Heerenveen, Đoàn Văn Hậu đã xuất phát ở một vị trí “mới mà cũ” khi cầu thủ sinh năm 1999 được xếp chơi trung vệ trong 45 phút đầu tiên.


Hậu đã chơi khá ổn và đây rất có thể sẽ là bước ngoặt cho phần còn lại của mùa giải ở Hà Lan của cầu thủ này.

Đa năng để cạnh tranh

Gia nhập Heerenveen từ tháng 9 năm ngoái, Đoàn Văn Hậu mới chỉ được ra sân 4 phút trong trận đấu với Roda JC tại Cúp Quốc gia. Kể từ đó đến nay, cầu thủ sinh năm 1999 vẫn chưa từng được ra sân trong đội hình 1.

Mới đây nhất, Văn Hậu phải ngồi dự bị trong trận đấu Heerenveen hòa 1-1 trước VVV Venlo trong trận đấu thuộc vòng 22 giải vô địch quốc gia Hà Lan. Ngoài ra, Văn Hậu chủ yếu xuất hiện trên sân tập và các trận đấu với đội trẻ Heerenveen.

Không có được thực tế trên sân cỏ, nhiều người lo ngại Đoàn Văn Hậu sẽ đi theo “vết xe đổ” của Công Phượng, dần dần đánh mất phong độ và cảm giác bóng. Nhiều ý kiến cho rằng hậu vệ quê Thái Bình nên hồi hương để được thi đấu thường xuyên. Chính HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn có được sự phục vụ của Văn Hậu trong giai đoạn lượt về của V.League 2020.

Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, Văn Hậu hiện tại vẫn đang rất nỗ lực để thể hiện khả năng bản thân ở Hà Lan. Điều khoản tham dự 20% của Heerenveen trong hợp đồng không rõ ràng (bị chính người đại diện phủ nhận), vì thế chỉ có năng lực thực sự mới giúp hậu vệ tuyển thủ quốc gia chen chân được vào đội hình chính.

Cạnh tranh một vị trí trung vệ có vẻ là “chìa khóa” giúp Văn Hậu tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Nếu ở vị trí hậu vệ trái, anh phải cạnh tranh với Lucas Woudenberg và Sherel Floranus (3 người cho 1 vị trí) thì ở vị trí trung vệ, Heerenveen chỉ có 3 cái tên là Sven Botman, Daniel Hoegh, Ibrahim Dresevic; nếu thêm cả Văn Hậu là 4 cái tên cho 2 vị trí.

Yếu tố quan trọng giúp Văn Hậu có thể tự tin là kinh nghiệm thường xuyên chơi trung vệ lệch trái trong sơ đồ 3 hậu vệ của thầy Park ở đội U23 cũng như ĐTQG. Ở CLB Hà Nội, HLV Chu Đình Nghiêm cũng không ít lần sử dụng cầu thủ sinh năm 1999 ở trung tâm hàng thủ khi Duy Mạnh, Thành Chung hoặc Đình Trọng có vấn đề.

Bên cạnh đó, việc tăng cân và có thể hình vạm vỡ thêm đáng kể trong thời gian qua giúp Văn Hậu có đủ khả năng tranh chấp, va chạm với các tiền đạo nguy hiểm ở Eredivisie. Cao 1m85 nặng 80kg, cầu thủ Việt Nam thậm chí còn là một trung vệ có thể hình khá lý tưởng với mặt bằng chung bóng đá Hà Lan. 

Daley Blind, hậu vệ của đội đầu bảng Ajax từng khoác áo M.U, cũng là một hậu vệ trái được chuyển vào đá trung vệ chỉ cao có 1m80 trong khi người thường đá cặp với anh là Lisandro Martinez thậm chí cao có 1m78.

Văn Hậu có cơ hội cạnh tranh cao hơn khi chuyển vào đá trung vệ.

Bài học cho các cầu thủ Việt Nam

Tất nhiên Văn Hậu cần thuyết phục được HLV trưởng Johnny Jansen và cần thêm một chút may mắn nữa (ví dụ như một trung vệ nào đó của Heerenveen… dính chấn thương) để được vào sân. Nhưng nỗ lực của cầu thủ Việt Nam là đáng ghi nhận.

Tuy nhiên vấn đề được đặt ra vẫn là tương lai của Hậu. Sau Heerenveen sẽ là “khoảng trời” nào? Văn Hậu sẽ ở lại châu Âu tiếp tục nỗ lực tìm chỗ đứng, trở về V.League hay vẫn chơi bóng ở nước ngoài nhưng ở một giải đấu có trình độ chuyên môn phù hợp để ra sân nhiều hơn là một câu hỏi đang để ngỏ.

Khác với Công Phượng, Văn Hậu trẻ hơn và còn nhiều thời gian để chọn lựa. Bên cạnh đó, quãng thời gian ở Hà Lan không hề vô ích. Văn Hậu đã trưởng thành hơn nhiều về mặt thể chất lẫn tư duy chơi bóng, điều thể hiện rõ nhất ở SEA Games 30 khi anh là thủ lĩnh trong hàng phòng ngự của U23 Việt Nam.

Nhưng dù đã tiến bộ rất nhiều, Văn Hậu thật sự mới đang ở điểm bắt đầu. Lựa chọn tương lai chính xác sẽ quyết định chặng đường còn lại trong sự nghiệp của anh. Và Hậu cần một kế hoạch, chiến lược cụ thể từ CLB Hà Nội, đội bóng chủ quản của cầu thủ này.

Đó chính là điểm còn thiếu ở bóng đá Việt Nam nói chung. Dù chất lượng cầu thủ Việt Nam không còn thua kém người Thái, những kế hoạch, chiến lược phát triển cầu thủ, đặc biệt là việc xuất ngoại những tài năng vẫn là điểm thua kém không thể phủ nhận của các đội bóng V.League so với Thai League.

Từ cách đây hơn 2 thập kỷ, bóng đá Thái Lan và bóng đá Nhật Bản đã có những thỏa thuận hợp tác được ký kết. Tính từ mốc 1996, đã có hơn 20 cầu thủ Thái Lan đến Nhật chơi bóng. Hiện tại, 4 tuyển thủ Thái Lan đang thi đấu tại J.League, trong đó có Chanathip Songkrasin, và họ đều để lại ấn tượng.

Trong khi đó bóng đá Việt Nam mới bắt đầu cho xuất ngoại cầu thủ rầm rộ vài năm gần đây và các vụ chuyển nhượng thường mang nhiều tính tự phát hơn là có một chiến lược cụ thể. 

Ngoại trừ Đặng Văn Lâm ở Muangthong Utd, các cầu thủ Việt chơi bóng ở nước ngoài đều gặp khó khăn, dù họ đều có trình độ được thừa nhận. Từ Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng cho tới Văn Hậu đều rất gian nan trong việc tìm chỗ đứng ở đội bóng mà họ đầu quân.

Rõ ràng các cầu thủ Việt Nam chưa có được một sự hỗ trợ đầy đủ nhất trước khi lên đường “đem chuông đi đấm xứ người”, và trong bối cảnh đó, những người như Đoàn Văn Hậu sẽ phải nỗ lực gấp bội để thành công.

Những đối thủ cạnh tranh của Văn Hậu là ai?

Nếu muốn cạnh tranh ở vị trí trung vệ, Văn Hậu phải “phá vỡ” được cặp trung vệ Ibrahim Dresevic và Sven Botman. Họ chính là 2 cầu thủ đã thi đấu trọn vẹn tất cả các phút cho Heerenveen ở Eridivsie mùa giải này.

Dresevic sinh năm 1997, cao 1m86, nặng 81kg là hậu vệ người gốc Thụy Điển đang thi đấu cho ĐTQG Kosovo. Dresevic chuyển tới Heerenven từ Elfsborg tháng 1/2019. Sven Botman sinh năm 2000, cao 1m93 nặng 81 kg, xuất thân từ lò đào tạo trẻ lừng danh của Ajax, hiện đang là tuyển thủ U20 Hà Lan và hiện đang chơi cho Heerenveen theo bản hợp đồng cho mượn từ Ajax.

Dresevic và Botman đã sát cánh bên nhau suốt từ đầu mùa giải đến giờ, mỗi người đã có 2 pha lập công. Heerenveen đã thủng lưới 30 bàn thua tại Eredivisie tính đến sau vòng 22.

Cầu thủ dự bị cho bộ đôi này là Daniel Hoegh người Đan Mạch mới ra sân vỏn vẹn 7 phút ở mùa giải này. 

Đơn Ca
.
.
.